“Nếu có thể gây khốn khổ cho bất kỳ ai bất cứ lúc nào muốn, cuộc sống của bạn sẽ rất khác, ngay cả khi bạn không bao giờ làm điều ấy. Nó khiến bạn ít sợ hãi hơn”, Naomi Alderman, tác giả của The Power, tác phẩm gây sốt gần đây, khẳng định. Trên hành trình tìm kiếm nhân quyền, phụ nữ thể hiện thế nào qua văn chương?
Không phải ngẫu nhiên mà một trong những chủ đề tiểu thuyết được chú ý nhất trong những năm gần đây là phụ nữ bạo lực, gây tổn hại cho nam giới. Cuốn sách bán chạy nhất năm 2017, The Power của nhà văn nữ Naomi Alderman, là câu chuyện về các thiếu nữ phát hiện trong người có tích một năng lượng điện cực lớn có thể sử dụng để gây sốc, tra tấn người khác.
Nguồn điện khủng bố này xuất phát từ cơ vân gần xương đòn, có thể nhận ra từ lúc mới sinh thông qua MRI. Không chỉ thanh thiếu niên, ngay cả phụ nữ lớn tuổi cũng có thể kích hoạt sức mạnh tối thượng này. Từ Ả Rập Saudi sang các nước khác, phụ nữ nắm quyền kiểm soát chính trị, tàn nhẫn dùng bạo lực trả thù những kẻ đã ngược đãi, xem họ như nô lệ.
“Nếu có thể gây khốn khổ cho bất kỳ ai bất cứ lúc nào muốn”, Alderman phân tích, “cuộc sống của bạn sẽ rất khác, ngay cả khi bạn không bao giờ làm điều đó. Nó khiến bạn ít sợ hãi hơn”. Nhưng sức mạnh không dừng lại ở việc để tự vệ mà nhanh chóng bị lạm dụng.
“Nếu tôi có thể đến và cho những phụ nữ đang phải chịu cảnh nô lệ tình dục trong các tầng hầm bẩn thỉu, chờ bị hãm hiếp”, Alderman nói trong một buổi phỏng vấn, “nếu tôi có thể đến và trao cho họ sức mạnh thiêu cháy mọi kẻ bằng ý chí thì dù biết điều này có thể đem lại kết thúc tồi tệ, tôi vẫn sẽ đặt nó vào tay các chị em”.
The Power nhận được Giải Baileys Women (một trong những giải thưởng văn học thường niên có uy tín nhất của Vương quốc Anh được trao cho nữ tác giả, bất kể quốc tịch, có tiểu thuyết hay nhất được viết bằng tiếng Anh và xuất bản tại Anh). Nó cũng nằm trong danh sách 10 cuốn sách hay nhất năm 2017 do The New York Times bình chọn và còn được cựu Tổng thống Barack Obama công nhận là tác phẩm yêu thích nhất của ông trong năm.
Chủ nghĩa nữ quyền phổ biến từ cuối thế kỷ XIX. Đầu thế kỷ XX, văn học bắt kịp xu hướng, nhanh chóng phản ánh đề tài trong các tác phẩm sáng tạo. Một trong những tiểu thuyết sớm nhất, nhận được nhiều sự yêu thích là A Dream of the Twenty-First Century (1902) của nhà văn Winnifred Harper Cooley (Mỹ).
Trong tác phẩm này, Cooley lấy bản thân làm người dẫn truyện. Trong mơ, bà thấy mình được một cô gái khỏe mạnh, hoạt bát, “mẫu hình của một thế kỷ tự do” từ tương lai ghé thăm. Cô gái kể cho Cooley nghe về những điều không tưởng sẽ đến tại Hoa Kỳ. Trong những điều không tưởng ấy có cả biện pháp khắc phục nghèo đói, bệnh tật, bất bình đẳng giới tính, tội ác, chiến tranh…
Nếu Cooley chỉ mới khơi gợi về chủ nghĩa nữ quyền trong tương lai, Charlotte Perkins Gilman (Mỹ) xây dựng hẳn một đất nước chỉ toàn phụ nữ trong tác phẩm kinh điển Herland (1915). Ba nhà thám hiểm là đàn ông Mỹ, trong hành trình tìm kiếm vùng đất chỉ toàn đàn bà, con gái huyền thoại đã lạc bước tới Nữ quốc, nơi không một bóng đàn ông. Tất cả họ đều yêu phụ nữ của Nữ quốc nhưng không phải cả ba đều thích ứng nổi với cuộc sống phi bạo lực, phi cạnh tranh, phi giết chóc của nữ nhân.
Phần hai của Herland, With Her in Our land, nam nhân vật thích nghi tốt nhất với Nữ quốc (Van) đưa vợ (Ellador) trở về Hoa Kỳ ngay sau Thế chiến thứ nhất khởi sự. Trên đường đi, Ellador học về thế giới bên ngoài, đưa ra các nhận định. Thông qua cô, Gilman thể hiện thái độ ủng hộ chủ nghĩa nữ quyền.
Tiếp nối tư tưởng của Gilman, Dorothy Bryant (Mỹ) viết The Kin of Ata Are Waiting for You (1971) và Ursula LeGuin sáng tác The Word for World Is Forest (1976). Xuyên suốt hai tác phẩm này là sự phản đối của phụ nữ với thế giới đầy rẫy bạo lực, chiến tranh, lạm quyền do cánh đàn ông thống trị.
Ngay trong tác phẩm nữ quyền nổi bật nhất thế kỷ XX, The Handmaid’s Tale (1985) của Margaret Atwood (Canada), phụ nữ vẫn chưa đứng lên chống lại đàn ông. Họ không hề tính đến chuyện giết chóc. Hành động “xuống tay” chỉ xảy ra một lần duy nhất. Đó là khi nhân vật nam gián điệp trong The Handmaid’s Tale đang hấp hối bởi những vết thương khủng khiếp. Nàng hầu đã kết thúc sự đau đớn của anh ta bằng một cú đá chớp nhoáng vào đầu. Dẫu trí tưởng tượng là vô hạn, hầu hết các tác phẩm hư cấu mang chủ đề nữ quyền của giai đoạn khởi động không phương hại đàn ông.
Giận dữ và thèm khát trả thù hiếm khi xuất hiện trong văn chương nữ quyền đời đầu. Bạo động và bạo lực là hành vi của đàn ông. Phụ nữ phản kháng bằng tự vẫn. Inez Haynes Gillmore của Brazil ghi nhận: “Một thiếu nữ tài năng, thành công, hạnh phúc đã tự tử ở Boston, để lại di ngôn: “Tôi chết vì phụ nữ không có tự do”. Tuần kế tiếp, một phụ nữ trẻ khác tự tử tại New York, cũng để lại chúc thư tương tự. Tuần tới có lẽ là Washington… Seattle… San Francisco… New Orleans…”.
Trong Angel Island (1914) của Gillmore, năm người đàn ông bị đắm tàu dạt vào một hòn đảo hoang vu. Họ phát hiện các phụ nữ xinh đẹp sở hữu những đôi cánh lộng lẫy. Ban đầu, cánh đàn ông bị đánh đuổi. Họ kinh sợ bỏ chạy nhưng nhanh chóng quyết định bắt hết những thiên sứ này, biến họ thành vợ sinh con đẻ cái. Với gương lược, đồ trang sức lấp lánh, họ dẫn dụ các thiên sứ vào lều, bắt trói và cắt đi đôi cánh.
Trải qua đau đớn cực cùng nhưng các thiên sứ sống sót. Không còn đôi cánh, họ buộc phải ngoan ngoãn, phục tùng. Tuy nhiên, khi biết những kẻ bắt cóc còn lên kế hoạch cắt cả đôi cánh của con cái họ, thiên sứ đứng đầu quyết định vứt bỏ tất cả, tập chạy trên đôi chân vốn không quen dùng để đi lại. Trong nỗi đau đớn, họ học bước đi, sau đó học chạy, cuối cùng ôm những đứa con bỏ trốn.
Bạo lực nữ quyền chỉ chiếm một mảng nhỏ bé trong đề tài nữ quyền. Nó bắt đầu từ năm 1970, qua truyện ngắn chưa bao giờ được xuất bản của Wilda Holt, The Twig Benders. Tác phẩm này chỉ từng được in trên mặt sau của truyền đơn vận động phá thai. Nó đảo ngược vai trò giới tính. Trong câu chuyện, phụ nữ thỏa mãn bằng việc sỉ nhục, đánh đập, hãm hiếp và giết người, trong đó có giết đàn ông. Bản thân Holt là nạn nhân của loạn luân và lạm dụng tình dục. Phẫn uất và tuyệt vọng, bà tự sát bằng một khẩu súng ngắn vào giữa thập niên 1970.
Hình ảnh nhân vật nữ quyền lý tưởng đầu tiên xuất hiện trong Woman on the Edge of Time (1976) của Marge Piercy (Mỹ). Nhân vật chính, Connie Ramos, là một phụ nữ Mỹ gốc Mexico, bị giam giữ trong bệnh viện tâm thần, tận dụng du hành thời gian chiến đấu, chống lại số phận. 2 năm sau, Suzy McKee Charnas (Mỹ) cho xuất bản Motherlines (1978). Sheel, nhân vật chính của bà là một phụ nữ cưỡi ngựa tuần tra cứng rắn, từng giết chết bảy người đàn ông tiếp cận ranh giới vùng đất của mình. Sheel cũng là nhân vật nữ chiến binh hiếm hoi trong tiểu thuyết nữ quyền.
Sang thế kỷ XXI, bạo lực nữ quyền được khuyến khích. Trong Daughters of the North (2007) của Sarah Hall (Anh), một số cô gái tự xem là tình nguyện viên. Họ tự nguyện tập trận, tiến hành chiến tranh du kích tấn công thành lũy của chính quyền nam giới. Có lẽ vì không thể tiếp tục nhẫn nại, năm 2008, nhà phê bình Jesse Crispin (Mỹ) lên tiếng: “Được rồi, vậy thì khi nào những phụ nữ này mới bắt đầu đâm người?”. The Power có lẽ là câu trả lời quyết đoán nhất. Dưới sự dẫn dắt của Atwood, đặc biệt là nhận định: “Đàn ông sợ phụ nữ cười họ. Còn phụ nữ sợ đàn ông sẽ giết họ” của bà, Alderman xây dựng xuất sắc một thế giới mà quyền lực nằm trong tay phụ nữ.
Cái kết của The Power không phải là cái kết có hậu song Alderman đã thành công khi phản ánh sự tức giận của thế hệ. Tác phẩm này có trở thành điểm khởi đầu cho xu hướng văn chương mới không, còn quá sớm để đưa ra câu trả lời. Nhưng nỗi giận dữ là hoàn toàn có thật. Dù các thiên sứ trong Angel Island cuối cùng chấp nhận lời xin lỗi của đàn ông, tiếp tục cùng nhau chung sống, rất rõ ràng để nhận ra rằng không có nhà nữ quyền nào lại muốn quay trở lại cuộc sống bị cướp mất tự do, tự chủ.