Thông tin vui đầu năm là ngành kinh tế mũi nhọn du lịch năm 2018 góp phần làm tăng nguồn thu lên đến 620.000 tỉ đồng, tăng 21,4% so với năm trước đó. Châu Á vẫn là thị trường nguồn khách quan trọng nhất của Việt Nam năm 2018 với 12 triệu lượt khách, đông nhất là khách Trung Quốc với 5 triệu và Hàn Quốc 3,4 triệu lượt người. Tiếp theo là khách đến từ châu Âu với 2 triệu lượt khách, từ châu Mỹ là 903.000 lượt khách và châu Úc 437.819 lượt khách.
Số liệu thống kê trên đây vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và mức đầu tư của ngành du lịch. Điều đó giải thích tại sao, trong một văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu hàng loạt giải pháp có tính đột phá để phát triển khói này.
Thủ tướng cho biết, trong thời gian tới hệ thống pháp luật và các chế độ, chính sách sẽ được hoàn thiện nhằm bảo đảm hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển du lịch. Giải pháp tiếp theo là đổi mới, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của toàn xã hội về du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, mang nội dung văn hóa sâu sắc; có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển, đem lại hiệu quả nhiều mặt về xã hội, chính trị, đối ngoại và an ninh quốc phòng.
Đổi mới tư duy phát triển du lịch một cách nhất quán từ quan điểm, mục tiêu, chương trình hành động của các cấp, các ngành; ý thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng tham gia vào quá trình phát triển du lịch.
Thủ tướng cho biết việc cơ cấu lại ngành du lịch sẽ sớm được triển khai nhằm bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Trong đó, tập trung vào việc cơ cấu lại thị trường khách du lịch, củng cố phát triển hệ thống sản phẩm và điểm đến du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch và cơ cấu lại nguồn lực phát triển du lịch. Hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng đột phá để du lịch phát triển cũng là việc cần làm để đáp ứng yêu cầu, tính chất của ngành kinh tế tổng hợp, hoạt động theo cơ chế thị trường, cụ thể như các chính sách về đầu tư, thuế, thủ tục về thị thực nhập cảnh.
Giải pháp đột phá, theo người đứng đầu Chính phủ, còn là đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch. Đặc biệt là các kết cấu hạ tầng đường hàng không, đường biển, đường sắt, tăng cường kết nối giao thông tới các khu, điểm du lịch.
Tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại từ nội dung đến phương thức, phát huy nguồn lực nhà nước và toàn xã hội trong hoạt động xúc tiến quảng bá của các cơ quan ngoại giao, cộng đồng người Việt ở nước ngoài và các cơ quan truyền thông.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ tạo môi trường thuận lợi, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng để các doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong kinh doanh du lịch, nhất là du lịch thông minh; có chính sách hỗ trợ cho cộng đồng tham gia hoạt động du lịch đồng thời phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp liên quan.
- Xem thêm: Khai thác thị trường du lịch tàu biển
Trong các giải pháp tiếp theo, Thủ tướng cho biết sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch trước, trong và sau chuyến đi; chú trọng phát triển các ứng dụng hỗ trợ du khách xây dựng chương trình, đặt và thanh toán dịch vụ du lịch trực tuyến theo nhu cầu cá nhân; tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi của khách du lịch; có khả năng theo sát hành trình, chủ động cung cấp thông tin phù hợp đáp ứng nhu cầu của du khách trong suốt hành trình du lịch; ứng dụng thuyết minh du lịch tự động và hỗ trợ thanh toán thuận lợi trên thiết bị di động thông minh.
Trong khi ngành du lịch có nhiều tín hiệu đáng khích lệ thì thị trường bất động sản lại xuất hiện nhiều dấu hiệu không lạc quan, đặc biệt là tại TP. Hồ Chí Minh, vốn được xem là địa phương kinh doanh bất động sản (BĐS) sôi động nhất.
Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HOREA) vừa có văn bản gửi Chính phủ, trong đó nêu hàng loạt mối đe dọa thị trường BĐS tại thành phố này trong năm 2019, nhìn từ những dấu hiệu đáng chú ý trong năm 2018. Theo HOREA, thống kê cho thấy năm 2018 số thu tiền sử dụng đất dự án là 13.868 tỉ đồng, chỉ còn chiếm 61,3% tổng nguồn thu về đất so với năm 2017. Điều đáng quan tâm là số tiền thu ngân sách từ đất mà các doanh nghiệp và cá nhân còn nợ đến ngày 30-11-2018 đã lên đến 3.013 tỉ đồng.
HOREA cho rằng nguồn thu ngân sách từ đất, từ tiền sử dụng đất dự án BĐS của thành phố đã có dấu hiệu chững lại và có khả năng tiếp tục sụt giảm trong năm 2019. Trong khi đó quy mô thị trường cũng đang sụt giảm.
Năm 2018, có 77 dự án nhà ở hình thành trong tương lai với 28.316 căn hộ, quy mô thị trường giảm đến 34,1% so với năm 2017.
Cụ thể, phân khúc cao cấp chiếm 30%, tăng 4,5% so với năm 2017 nhưng phân khúc trung cấp chiếm 45,3% tương đương năm 2017; phân khúc bình dân chỉ còn chiếm 24,7%, giảm 4,4% so với năm 2017.
Nguyên nhân chính là các điểm nghẽn thủ tục vẫn chưa được giải quyết, đã làm sụt giảm nguồn cung dự án, nguồn cung nhà ở tại TP. Hồ Chí Minh trong thời gian qua và cả trong năm 2019. Điều này khiến không chỉ các doanh nghiệp BĐS bị giảm doanh thu, lợi nhuận, giảm nguồn thu thuế, mà có khoảng 95 ngành nghề khác có liên quan thị trường BĐS cũng bị ảnh hưởng theo.
Một thực tế được nói đến từ nhiều năm là thị trường BĐS tại TP. Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục lệch pha cung – cầu. Năm 2018, phân khúc nhà ở cao cấp chiếm 30%; phân khúc trung cấp chiếm 45,3%; phân khúc bình dân chỉ chiếm 24,7%.
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh thì phân khúc cao cấp chỉ tính từ mức giá trên 40 triệu đồng/m2. Tuy nhiên theo HOREA, trên thị trường, loại căn hộ có giá 30-40 triệu đồng/m2 cũng có thể đã được xếp vào căn hộ cao cấp. Do vậy, nếu tính đủ theo cách của Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh thì nhà ở cao cấp có thể còn cao hơn nhiều so với mức 30% nêu trên.
Thời gian qua, một số vụ án lớn xảy ra tại Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh có nguyên nhân do một số cán bộ nhà nước có thẩm quyền đã giao cho nhà đầu tư sử dụng quỹ đất công mà không thực hiện đấu thầu rộng rãi hoặc đấu giá công khai. Từ đó, nhiều dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) có sử dụng đất công đã bị tạm ngừng triển khai thực hiện.
Trong các dự án này, có dự án đã bàn giao nhà cho khách hàng, có dự án đang đầu tư xây dựng dở dang, có dự án đã chuyển nhượng, có dự án đã liên doanh hoặc hợp tác đầu tư, có nhiều dự án chưa cấp sổ đỏ cho người mua nhà…
Năm 2018, TP. Hồ Chí Minh đã xảy ra nhiều đợt sốt ảo giá đất nền, giá đất nông nghiệp mà thủ phạm chính là giới đầu nậu và cò đất mà trong nhiều trường hợp có thể đã móc nối với một số cán bộ cấp cơ sở để phân lô tách thửa tràn lan. Họ cung cấp những thông tin giả về quy hoạch phát triển đô thị, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, các dự án khu đô thị mới… để làm giá, thổi giá đất, kích động tâm lý đám đông, tạo sóng trên thị trường BĐS để trục lợi.
Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các địa phương, hiện nay tình hình này đã được kiểm soát, nhưng cần có biện pháp phòng ngừa, kiểm soát hiệu quả trong năm 2019.