Cách đây hơn 30 năm, khi còn là sinh viên y khoa năm cuối, làm việc tại Khoa 2B, Bệnh viện Nhi đồng Sài Gòn (nay là Bệnh viện Nhi đồng 1) với tư cách là nội trú ủy nhiệm, một hôm, tôi gặp một trường hợp khó xử: một bé gái khoảng 5 tháng tuổi, đang khỏe mạnh, bụ bẫm, phát triển bình thường đột nhiên khó thở, tím tái, rên rỉ, li bì, nổi bông khắp người phải đưa vào cấp cứu.
Tôi khám kỹ, còn đang lúng túng trước một bệnh cảnh khá đặc biệt, trẻ li bì như sắp rơi vào hôn mê, tình trạng thiếu oxy não trầm trọng, tiếng tim nghe nhỏ mà xa xăm, gan lớn, đúng là dấu hiệu của suy tim cấp mà không rõ nguyên nhân, rất có thể do ngộ độc.
Thời đó chưa có đầy đủ các phương tiện xét nghiệm cận lâm sàng như bây giờ. Tôi còn đang suy nghĩ thì một tiếng nói nhỏ rót vào tai tôi của chị L, một điều dưỡng lớn tuổi đã làm việc hơn 10 năm ở Khoa 2B: “Ông thầy ơi, suy tim do thiếu B1 đó!”.
Tôi như bừng tỉnh. Đúng rồi! Học rồi mà chưa gặp nên bây giờ mới lúng túng như vậy! Tôi nhìn chị L bằng con mắt ngạc nhiên và biết ơn. Ngạc nhiên vì không biết sao chị “chẩn đoán” nhanh và chính xác như vậy, mà chẳng cần thăm khám “lôi thôi” như tôi; còn biết ơn là ngoài việc đã chỉ dẫn cho tôi lại khéo léo không làm tôi “mất mặt” với các bạn sinh viên đàn em Y3 – Y4 đang theo tôi khám bệnh lúc đó.
- Xem thêm: Óc quan sát…
Tức thì, tôi khám kỹ tim, gan bé lần nữa, gõ phản xạ gân xương, không nhảy! Khám luôn cho người mẹ: gõ phản xạ đầu gối, không nhảy! Bé được cho bú sữa mẹ đơn thuần và bà mẹ thì kiêng cữ rất kỹ, chính đó là nguyên nhân làm thiếu B1 gây suy tim cho bé. Còn bà mẹ nhiều tháng qua cũng uể oải, xanh xao, chân đi muốn sụm, nên càng kiêng cữ. Tôi cho bé làm các xét nghiệm cần thiết, chụp phim, đo điện tim, đồng thời cho chích ngay vào tĩnh mạch một ống Thiamine (Vitamin B1).
Trong trường hợp này, tiêm Vitamin B1 là một trắc nghiệm điều trị (test thérapeutique), nếu có hiệu quả trong vòng 30 phút thì chẩn đoán chắc chắn là đúng, dĩ nhiên không được dùng thêm thuốc nào khác. Kết quả thật kỳ diệu! Bé hồng hào trở lại, tỉnh táo, hết nổi bông ở da (rối loạn vận mạch ngoại biên), hết tím tái và tiếng tim đã nghe rõ, gan nhỏ lại bình thường!
Kết quả xét nghiệm sau đó khẳng định chẩn đoán suy tim do thiếu B1 là đúng, nhưng chỉ riêng sự phục hồi lâm sàng ngoạn mục đã cho thấy chẩn đoán là chính xác rồi! Đứa bé được xuất viện trong sự vui mừng của cả gia đình. Tôi hướng dẫn thêm cho bà mẹ cách ăn uống sao cho đủ chất dinh dưỡng để có sữa tốt cho con bú và khuyên bắt đầu cho bé ăn dặm đúng cách.
Đâu đó xong rồi tôi mới cảm ơn chị L và hỏi chị làm sao biết ca đó là “suy tim cấp do thiếu B1” (Béri béri cardiaque) ngay tức khắc vậy. Chị cười: “Tôi nghe tiếng rên thì biết!”.
Từ đó, tôi luôn chẩn đoán chính xác các trường hợp tương tự nhờ biết nghe “tiếng rên” đặc biệt này, tiếng rên khác với trường hợp của trẻ bị viêm màng não hay xuất huyết não màng não… Tiếng rên mà trong các sách giáo khoa y học Âu Mỹ không thấy nói tới vì thứ bệnh này không còn có ở nước họ nữa! Đây là một tình trạng bệnh lý do dinh dưỡng sai lầm, do kiêng cữ quá đáng gây ra ở các bà mẹ đang cho con bú; hoặc cũng có thể do tình trạng đói kém thường gặp ở những nước nghèo, dân trí thấp, kinh tế yếu.
Ngày nay, bệnh này cũng còn thấy lai rai, nhất là ở các vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh. Ở những nơi đó, thiếu những phương tiện xét nghiệm X quang, siêu âm, điện tâm đồ… thì người thầy thuốc cần phải giỏi lâm sàng, phải biết nghe “tiếng rên” đặc biệt này mới có thể chẩn đoán ra để kịp thời cứu bệnh nhi.
Dĩ nhiên là chị L không cần hiểu B1 gây suy tim bằng cách nào, chị cũng không biết chu trình Kreb trong chuyển hóa glucid và vai trò của Thiamine, chị cũng không đọc được phim X quang hay ECG, nhưng chị chỉ cần nghe tiếng rên… của trẻ là đủ! Dĩ nhiên là không thể chủ quan, nhưng trong y học có những dấu hiệu đặc trưng để giúp chẩn đoán mà người thầy thuốc nào cũng phải biết, thí dụ “thế nằm cò súng”, “tiếng ho chó sủa”, “dấu hiệu Koplik” v.v…
- Xem thêm: Người ta trở thành… thầy thuốc cách nào?
Càng ngày, tôi càng tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm nhờ được học trên thực tiễn lâm sàng như vậy với các anh chị điều dưỡng, y tá – không chỉ kinh nghiệm trong các thao tác, thủ thuật, cách chăm sóc bệnh nhi mà còn trong chẩn đoán qua cách nhìn, cách nghe…
Ở bệnh viện, họ gọi tôi là “ông thầy” theo truyền thống ngành Y lúc đó, dù chúng tôi còn là sinh viên, nhưng tôi cũng gọi họ là “ông thầy”, “bà thầy”, vì tôi thực sự đã học được nhiều điều ở họ. Tôi luôn kính trọng và biết ơn họ.
Sau này, tôi có dịp đọc cuốn “Đường vào khoa học của tôi” của giáo sư Tôn Thất Tùng, trong đó ông cũng nói ông được học rất nhiều với những vị y tá cùng làm việc với ông. Thì ra không chỉ có tôi mà nhiều thế hệ bác sĩ đã may mắn có được những ông thầy, bà thầy như thế.
Hẹn thư sau. Thân mến.