Một trong những thuận lợi lớn nhất của y học hạt nhân trong chẩn đoán tình trạng sức khỏe người bệnh là phát hiện căn bệnh trong giai đoạn sớm nhất để có hướng điều trị kịp thời, xác định được sự lành tính hay ác tính của khối u, giúp tránh những thao tác sinh thiết hay phẫu thuật không cần thiết. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận đó, y học hạt nhân cũng đặt ra nhiều vấn đề mà giới y học và toàn xã hội không thể xem thường. Tại Bangalore, một thành phố lớn của Ấn Độ, Bệnh viện HealthCare Global (HCG) chuyên điều trị bệnh ung thư đã cung ứng những phương tiện hiện đại về y học hạt nhân và điều trị có hiệu quả cho nhiều bệnh nhân mắc các bệnh ung thư khác nhau, song đặt ra mối quan tâm về nguồn phóng xạ sử dụng có thể ảnh hưởng đến các khu dân cư bao quanh bệnh viện, đặc biệt là những khu nhà ổ chuột đông đúc và các nhà hàng gần đó.
Xạ trị trong y học hạt nhân
Theo nhận định của các chuyên gia về hạt nhân, ở bất cứ một quốc gia nào, nhất là các nước đang phát triển, việc sử dụng y học hạt nhân trong điều trị bệnh cần có những quy định chặt chẽ, sự cẩn trọng và sự trù tính đầy đủ. Tuy nhiên, theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), các tiêu chuẩn trong việc sử dụng y học hạt nhân thường không đồng nhất giữa các quốc gia khác nhau, do đó việc quốc tế hóa các chuẩn mực trong lĩnh vực này trở thành một điều quan ngại chung cho y học thế giới. Bên cạnh đó, sự bất ổn về cơ chế hoạt động và phối hợp hoạt động giữa các cơ quan trong nước cũng cần được xem xét kỹ, chẳng hạn trường hợp Ấn Độ, Hội đồng Lập quy về Năng lượng Nguyên tử (AERB) có nhiệm vụ kiểm soát việc ứng dụng hạt nhân trên toàn lãnh thổ lại hoạt động với nguồn kinh phí do Bộ Năng lượng Nguyên tử (DAE) cung cấp, điều này khiến cho tính độc lập và hiệu quả hoạt động của AERB bị ảnh hưởng. Theo TS Udaya Kumar Maiya, thuộc khoa Ung thư Bệnh viện Bangalore, các phòng xét nghiệm với kỹ thuật chẩn đoán hiện đại cùng các bệnh viện đa khoa sử dụng y học hạt nhân trong đó bao gồm chất đồng vị phóng xạ, tia X, chụp X quang tuyến vú… là nguồn phát xạ có những tác động tiềm tàng lên đời sống chung quanh, trước tiên là với các nhân viên y tế và bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, kế đó là cư dân sống gần các cơ sở y tế.
Hậu quả của y học hạt nhân có tính tiềm tàng và lâu dài lên sức khỏe cộng đồng và việc phát hiện, tổng hợp những hậu quả đó đòi hỏi sự nỗ lực của chính phủ các nước, do đó việc phòng ngừa và áp dụng các thao tác chuẩn xác là hết sức cần thiết vì sự rò rỉ một chất đồng vị phóng xạ có thể gây nguy hại cho sức khỏe của hàng triệu người. TS Guru Shankar, chuyên viên giám sát y tế tại bệnh viện Victoria (Ấn Độ), cho rằng trong điều trị bằng y học hạt nhân, chỉ cần một bác sĩ quên áp dụng các biện pháp bảo vệ cơ quan sinh dục của người bệnh, hậu quả có thể dẫn đến việc hủy hoại khả năng sinh sản của buồng trứng hay tinh hoàn của họ…
Lê Cẩn theoIPS, RadiologyInfo.org…