Ngoài sự thuận lợi do xu hướng giá dầu mang lại thì triển vọng kinh doanh của các hãng hàng không vẫn khá sáng sủa.
Giá dầu thế giới lao dốc mạnh
Giá dầu thế giới đang trải qua đợt lao dốc rất mạnh, mất hơn 26 USD/thùng chỉ trong vài tuần qua. Mặc dù có vài phiên bật tăng nhẹ nhưng nhìn chung giá dầu thế giới đã có hơn sáu tuần liên tiếp giảm giá trong bối cảnh lo ngại dư cung toàn cầu. Hiện giá dầu Brent dao động quanh mức 60 USD/thùng trong khi giá dầu ngọt nhẹ (WTI) khoảng 50 USD/thùng, ngang bằng với cùng kỳ năm trước và đã giảm hơn 30% so với đỉnh thiết lập hồi tháng 10 vừa qua.
Trong tháng 10-2018, đã có lúc giá dầu Brent tăng mạnh lên trên 86 USD/thùng, chủ yếu do lo ngại thiếu cung khi Mỹ tuyên bố tái trừng phạt Iran, cấm vận nước này không được bán dầu cho thế giới. Tuy nhiên, gần đây Mỹ đã cho phép tám nước và lãnh thổ được mua dầu của Tehran mà không bị phạt là Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý, Hy Lạp, Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Donald Trump nói rằng ông muốn làm chậm lại các biện pháp trừng phạt Iran do quan ngại giá dầu thô toàn cầu có thể tăng đột biến.
- Xem thêm: Nhà báo biến mất, giá dầu biến động
Lo ngại thiếu nguồn cung dầu từ Iran đã giảm bớt trong khi ba nước có sản lượng dầu lớn nhất thế giới hiện nay là Arab Saudi, Nga và Mỹ lại đang bơm ra thị trường một lượng dầu kỷ lục. Tổng sản lượng dầu của ba quốc gia này trong tháng 10 lần đầu tiên đạt mức 33 triệu thùng/ngày, đáp ứng hơn 1/3 tổng tiêu thụ dầu toàn cầu. Riêng của Mỹ đã tăng khoảng 2,1 triệu thùng/ngày trong năm 2018, với số lượng giàn khoan đang hoạt động tính đến tuần lễ kết thúc vào ngày 16-11 lên mức cao nhất kể từ tháng 3-2015.
Cổ phiếu hàng không hưởng lợi lớn
Với việc giá dầu giảm mạnh, nhóm doanh nghiệp thuộc ngành dầu khí sẽ gặp không ít khó khăn. Ngược lại, với giá nhiên liệu suy giảm, rất nhiều ngành hàng trong nền kinh tế sẽ được hưởng lợi, tiêu biểu nhất là các hãng hàng không, khi mà chi phí nhiên liệu chiếm tới 30 – 40% cơ cấu chi phí của các hãng hàng không. Khi giá nhiên liệu giảm mạnh, lợi nhuận của một hãng hàng không chắc chắn sẽ khởi sắc.
Nhìn vào kết quả kinh doanh của các hãng hàng không nội địa trong thời gian gần đây có thể dễ dàng cảm nhận ảnh hưởng của biến động giá nhiên liệu cùng với tỷ giá đối với các hãng hàng không lớn thế nào.
Trong quý III vừa qua, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – UPCoM: HVN) ghi nhận biên lợi nhuận gộp kém khả quan khi giảm từ mức 18,8% xuống còn 12,2%. Lợi nhuận sau thuế theo đó chỉ đạt 458 tỉ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ. Lũy kế chín tháng, lợi nhuận HVN giảm 13% còn 1.714 tỉ đồng. Lý giải cho việc sụt giảm lợi nhuận trong quý III, Vietnam Airlines cho biết do giá vốn hàng bán đã tăng gần 22% so với cùng kỳ mà ảnh hưởng lớn nhất là từ việc giá nhiên liệu bình quân tăng 37,5% và tỷ giá tăng gần 2%.
Với Vietjet (Vietjet – HoSE: VJC), việc giá nhiên liệu giảm cũng sẽ tạo ra tác động tích cực. Theo số liệu công bố, doanh thu từ hoạt động cốt lõi chín tháng đầu năm của Vietjet tăng trưởng 50% nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 15,5% do chi phí nhiên liệu tăng cao, mà cụ thể là giá dầu Brent trung bình tăng 40,9% so với cùng kỳ. Việc giá dầu Brent giảm hơn 30% sẽ khiến chi phí nhiên liệu của các hãng hàng không giảm đáng kể trong những tháng đầu quý IV và có thể thúc đẩy lợi nhuận của Vietjet khả quan hơn.
Hơn thế nữa, việc đưa vào vận hành thế hệ tàu bay mới A320/A321neo với động cơ tiết kiệm nhiên liệu lên tới 16%, bên cạnh việc tăng cường mở rộng các đường bay quốc tế, với chi phí nhiên liệu tại thị trường nước ngoài thấp hơn thị trường trong nước khoảng 30% (do chính sách thuế, phí của các nước) giúp Vietjet giảm thêm chi phí trên mỗi ghế km (CASK) bao gồm xăng dầu.
Ngoài sự thuận lợi do xu hướng giá dầu mang lại thì triển vọng kinh doanh của các hãng hàng không vẫn khá sáng sủa. Hiện Việt Nam đang dẫn đầu châu Á về tỷ lệ tăng trưởng khách hàng không hằng năm trong năm năm qua với 28,9%, gấp hơn hai lần Trung Quốc, nước đứng thứ 2. Với thu nhập bình quân đầu người đang ngày càng cải thiện và tỷ lệ hành khách còn thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực, ngành hàng không Việt Nam được đánh giá còn nhiều dư địa để phát triển, nhất là các hãng hàng không giá rẻ. Với lượng hành khách tăng trung bình 25%/năm trong những năm qua, Hiệp hội Hàng không quốc tế (IATA) dự báo thị trường hàng không Việt Nam sẽ phát triển nhanh nhất thế giới trong vòng bốn năm tới. Với những lý do trên, nhà đầu tư có cơ sở để kỳ vọng nhóm cổ phiếu hàng không sẽ dần có sự khởi sắc trở lại trong quý IV năm nay.