Giải thưởng tranh chân dung quốc gia Úc mang tên Doug Moran (Doug Moran National Portrait Prize – DMNPP) năm 2018 đã được trao cho nữ họa sĩ không chuyên Lynn Savery sống ở Melbourne; đây là giải thưởng có giá trị cao nhất – 150.000 USD – trong lĩnh vực vẽ tranh chân dung.
Bà Lynn Savery đã giành được vinh dự tột đỉnh này với bức chân dung tự họa cùng chú chó bulldog có tên Clementine. Là một họa sĩ tự học, đây là lần đầu tiên trong đời bà Savery nhận được một giải thưởng hội họa quan trọng. Nữ họa sĩ đã không cầm được nước mắt khi nhận giải thưởng trong lễ trao tặng được tổ chức tại Sydney hồi tháng 10 vừa qua.
Bà nói: “Tôi thực sự sửng sốt khi được tin. Nói một cách chân thành, đây là bức tranh chân dung đầu tiên của tôi, bức tranh sơn dầu đầu tiên của tôi. Tôi chưa từng mong đợi tranh của mình sẽ lọt vào chung kết và lại đoạt giải cao nhất”.
Trước đó, bức tranh tự họa của bà đã được gửi đến dự giải thưởng Archibald(*) do Bảo tàng mỹ thuật bang New South Wales tổ chức nhưng đã bị loại. Nó là một trong hai bức tranh tự họa được tác giả gửi dự thi Giải Doug Moran, và cả hai đều lọt vào vòng bán kết.
Riêng bức giành chiến thắng đã được sự đồng thuận của ban giám khảo gồm ba vị: họa sĩ Louise Hearman, giám tuyển Ron Radford AM và bà Greta Moran – Giám đốc Quỹ Giải thưởng Doug Moran, sau khi vượt qua 30 tác phẩm vào chung kết, được chọn từ 1.300 tranh gửi đến dự thi.
Trong số các họa sĩ có tác phẩm vào chung kết, có người từng đoạt giải thưởng này những năm trước, như Vincent Fantauzzo (năm nay ông vẽ chân dung vợ là Asher Keddie) cùng một số họa sĩ đã thành danh như Peter Smeeth, Jan Nelson và Peter Churcher.
Với đề tài tranh chân dung, có họa sĩ vẽ những nhân vật nổi tiếng tại Úc như nhà báo nữ Kate McClymont, phóng viên chuyên về điều tra của báo Sydney Morning Herald, hay nghệ sĩ Rafael Bonachela của Vũ đoàn múa đương đại Sydney, cũng như bè bạn và người thân trong gia đình các họa sĩ. Trong số 30 tác phẩm vào chung kết, có 11 là chân dung tự họa.
Trong một thông cáo về bức tranh đoạt giải nhất năm nay, thành viên ban giám khảo Louise Hearman viết: “Tác giả bức tranh đoạt giải này có một đôi mắt ám ảnh đến từng chi tiết và cũng có thể làm cho toàn bộ bức tranh cất tiếng hát. Đó là cảm xúc, vẻ đẹp và câu chuyện bằng hình ảnh về tình yêu cuộc sống. Bức tranh đầy ắp óc sáng tạo, màu sắc tinh tế và với vẻ thách thức ra mặt”.
Còn bà Savery, 58 tuổi, cho biết dù đã vẽ suốt bao năm qua nhưng mới chỉ biết vẽ tranh giống như bức đoạt giải mới được khoảng hai năm. Bà đã theo học bán thời gian một khóa học về kỹ thuật hội họa vào buổi chiều tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật bang Victoria.
Thật ra, bà đã có bằng tiến sĩ về chính trị quốc tế, từng là nghiên cứu sinh tại Đại học Quốc gia Úc, đã làm việc cho các tổ chức quốc tế trực thuộc Liên Hiệp Quốc. Chưa hết, người phụ nữ này còn thiết kế đồ furniture, làm nhạc cụ, đã xuất bản bốn cuốn sách thiếu nhi và có một tiểu thuyết chưa in.
- Xemt hêm: “Giải Oscar tranh chân dung” 2018
Hai năm qua, bà phải chăm sóc cha bệnh tật (và đã mất đầu năm nay) trong khi chồng bà lại bị ung thư. Tìm được thời gian để vẽ đối với bà thật khó khăn. Khi tự họa chân dung mình, bà từng tự hỏi điều gì sẽ cho thấy trên bức tự họa đó: là một phần của bà đang lo âu và suy sụp, hay sẽ là một phụ nữ lạc quan hơn, tự tin hơn? “Ai cũng bảo trông tôi tự tin”, bà Savery nói.
Năm nay DMNPP kỷ niệm 30 năm ngày ra đời nên một cuộc triển lãm tác phẩm của các tác giả đã đoạt giải cùng tranh lọt vào chung kết cuộc thi ba thập niên qua được tổ chức tại Thính phòng Juniper ở Sydney từ 2-11 đến 16-12-2018. Đây là giải thưởng có giá trị cao nhất tại Úc, được Quỹ Giải thưởng Doug Moran tài trợ kinh phí tổ chức.
(*) Ngoài DMNPP, ở Úc còn có Giải Archibald với giải nhất 100.000 USD và Giải Thiên Nga Đen với giải nhất 50.000 USD