Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cho biết, triển vọng kinh tế toàn cầu ngày càng xấu đi và họ sẽ điều chỉnh chính sách vì có dấu hiệu cho thấy căng thẳng thương mại với Mỹ đang gây tổn thương cho nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.
Trong báo cáo chính sách tiền tệ hằng quý công bố vào cuối tuần qua, PBoC cho biết: “Các điều kiện bên ngoài đang thay đổi sâu sắc, áp lực suy giảm ngày càng gia tăng, một số công ty gặp khó khăn về hoạt động, rủi ro tích lũy trong dài hạn rồi sẽ tác động tới nền kinh tế. Ngân hàng Trung ương sẽ phòng ngừa bằng cách điều chỉnh chính sách theo các điều kiện đang thay đổi này”.
Trong báo cáo, PBoC hứa điều chỉnh chính sách nhắm tới mục tiêu cụ thể hơn, cũng như linh hoạt hơn. Dù vẫn giữ lại chính sách tiền tệ “thận trọng và trung lập”, nhưng PBoC đã loại bỏ một cụm từ trong triển vọng chính sách trước đó là “kịch liệt phản đối việc bơm các gói kích thích mạnh”. Theo đó, Ngân hàng Trung ương sẽ đẩy mạnh hỗ trợ từ các tổ chức tài chính tới các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, các doanh nghiệp tư nhân.
Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu của Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ do được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng tăng trên toàn cầu và sự khó khăn trong việc nhanh chóng chuyển dịch chuỗi cung ứng ngay cả khi căng thẳng thương mại với Washington. Tuy nhiên, PBoC nhận thấy xung đột thương mại sẽ dẫn tới sự bất ổn tương đối lớn trong hoạt động xuất khẩu của nước này trong tương lai.
Đơn cử, trong tháng 9 vừa qua đã có một sự sụt giảm kỷ lục đến 18,3% các đơn đặt hàng máy từ Nhật Bản. Đồng thời doanh số ôtô tiêu thụ trong nước liên tục giảm cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang dần suy yếu. PBoC cũng nhấn mạnh lại rằng sẽ kìm hãm đà tăng của lượng nợ “ẩn” trong nền kinh tế.