Các nhà khoa học đã thực hiện một bước tiến quan trọng trong việc phục hồi tình trạng mất thính giác. Một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí The European Journal of Neuroscience cho biết, các nhà khoa học đã có thể tái tạo các tế bào lông liên quan đến cảm giác được tìm thấy trong ốc tai – một phần bên trong tai – giúp biến đổi các rung động âm thanh thành các tín hiệu điện, các tế bào lông này có thể vĩnh viễn mất đi do tuổi tác hay tiếng ồn.
Suy giảm thính giác lâu nay được xem là quy luật tự nhiên của tuổi tác. Theo ước tính, có khoảng 30 triệu người tại Mỹ bị mất thính giác ở một mức độ nào đó. Nhiều chứng minh trước đó cho thấy các loài động vật khác như chim, ếch và cá từng có khả năng tái tạo kỳ diệu này.
Một nghiên cứu được tiến hành trong phòng thí nghiệm của tiến sĩ Patricia White, Trung tâm Y khoa Đại học Rochester (Mỹ), đã xác định một chủng các thụ thể gọi là yếu tố tăng trưởng biểu bì (EGF) chịu trách nhiệm kích hoạt các tế bào hỗ trợ trong cơ quan thính giác của loài chim. Khi được kích hoạt, những tế bào này sẽ tăng nhanh và nuôi dưỡng sự tái tạo của các tế bào cảm giác mới. Đây là tín hiệu có khả năng tạo ra một kết quả tương tự như ở người.
Tiến sĩ White chia sẻ: “Ở chuột, ốc tai thể hiện các thụ thể EGF trong suốt cuộc đời nhưng loài động vật này không có khả năng tái tạo các tế bào lông liên quan đến cảm giác. Theo suy đoán, có lẽ do trong suốt quá trình tiến hóa của chúng đã có những thay đổi trong việc thể hiện các chất điều hòa nội bào của tín hiệu thụ thể chủng EGF.
Những chất điều hòa nội bào này có thể làm thay đổi kết quả của tín hiệu, từ đó ngăn cản sự tái tạo của các tế bào lông. Nghiên cứu tập trung việc tìm cách thay đổi tạm thời để thúc đẩy sự tái tạo tế bào lông và hợp nhất với các tế bào thần kinh, bởi cả hai yếu tố đều quan trọng đối với thính giác”.
Trong nghiên cứu mới của Trung tâm Y khoa Đại học Rochester kết hợp với bệnh viện tai – mắt Massachusetts và một bộ phận của Đại học Y khoa Harvard, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm lý thuyết từ chủng EGF của các thụ thể có thể đóng vai trò quan trọng trong tái tạo ốc tai ở động vật. Tập trung vào một thụ thể đặc biệt là ERBB2 được tìm thấy trong các tế bào hỗ trợ của ốc tai, các nhà nghiên cứu tiến hành một số phương pháp khác nhau để kích hoạt tín hiệu EGF.
Một thử nghiệm khác có sử dụng vi rút nhắm vào ERBB2 và liên quan đến chuột biến đổi gen để thể hiện quá mức một ERBB2 đã được kích hoạt. Thử nghiệm thứ ba có liên quan đến việc thử nghiệm hai loại thuốc để kích hoạt khả năng hoạt động của tế bào gốc trong mắt và tuyến tụy, được xem là kích hoạt tín hiệu ERBB2.
Qua nhiều thử nghiệm, các nhà nghiên cứu nhận thấy việc kích hoạt ERBB2 góp phần kích hoạt một lượng lớn các tế bào theo cách các tế bào của ốc tai bắt đầu phát triển và khởi đầu một quá trình kích hoạt khác đối với các tế bào gốc lân cận để trở thành các tế bào lông mới liên quan đến cảm giác. Quá trình này không chỉ tác động đến sự tái tạo các tế bào lông liên quan đến cảm giác mà còn hỗ trợ cho việc hợp nhất với các tế bào thần kinh.
- Xem thêm: Bệnh ù tai
Theo nhận định của TS White: “Hiệu chỉnh thính giác là một quá trình phức tạp, đòi hỏi một số lượng lớn tế bào. Chúng tôi phải tái tạo các tế bào lông liên quan đến cảm giác và những tế bào này phải hoạt động đúng chức năng và liên kết với mạng lưới các tế bào thần kinh cần thiết. Nghiên cứu cho thấy có thể kích hoạt một tín hiệu bằng nhiều phương pháp khác nhau và mở ra một cách tiếp cận mới cho việc tái tạo ốc tai, từ đó giúp phục hồi thính giác”.