Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu những phiên hồi phục có là “bull trap” (bẫy tăng giá) hay VN-Index đã thật sự xác lập được “đáy” trong phiên giảm mạnh ngày 11-10 vừa qua? Ở cả hai chiều tăng và giảm, nhà đầu tư đều có lý do để kỳ vọng.
Chín tháng đầy biến động
Chín tháng của năm 2018 đã trôi qua, tính đến thời điểm này có thể khẳng định thị trường chứng khoán (TTCK) VN đã có một năm vô vàn sóng gió. Phiên giảm điểm ngày 11-10 vừa qua đứng vị trí thứ hai trong danh sách những lần rơi mạnh nhất của VN-Index từ đầu năm đến nay. Kết thúc phiên, chỉ số VN-Index giảm 48 điểm, tương đương 4,84%, về mức 938,83 điểm, khiến TTCK VN “bốc hơi” 165.000 tỉ đồng vốn hóa, tương đương 7,2 tỉ USD. Trong đó, sàn HoSE mất 153.500 tỉ đồng giá trị, sàn HNX và UPCoM mất 10.500 tỉ đồng. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng từ TTCK thế giới, mà châm ngòi là TTCK Mỹ với việc chỉ số Dow Jones và S&P 500 mất hơn 3% giá trị.
Phiên lao dốc ngày 11-10 mặc dù gây tâm lý hoang mang cao độ cho nhà đầu tư nhưng nó cũng chưa phải phiên lao dốc mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay. Trước đó, trong phiên 5-2-2018, chỉ số VN-Index đã giảm hơn 56 điểm, tương đương mất 5,1% so với phiên trước, từ mức 1.105 điểm giảm xuống chỉ còn 1.048 điểm. Đây cũng là mức giảm lịch sử từ tháng 8-2015 của chứng khoán VN. Phiên giao dịch này chứng kiến sự tháo chạy của nhà đầu tư. Hàng loạt cổ phiếu giảm sàn, trắng bên mua. Vốn hóa chứng khoán VN đã bốc hơi hơn 8 tỉ USD, trong đó chủ yếu là sàn HSX với 7,1 tỉ USD. Trong phiên giao dịch ngay sau đó (6-2-2018), thị trường vẫn tiếp tục diễn biến tiêu cực khi mất thêm 37 điểm, tương đương 3,54%, kéo VN-Index xuống 1.011 điểm.
Ở thời điểm đó, nguyên nhân chính được cho là ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường chứng khoán Mỹ (chỉ số Dow Jones giảm 666 điểm, mạnh nhất từ năm 2016) do số liệu về tiền lương tại Mỹ có mức tăng trưởng rõ rệt trong tháng 1-2018 (hàm ý thị trường lao động phục hồi mạnh mẽ có thể khiến FED thắt chặt tiền tệ nhanh hơn dự kiến). Về phía thông tin từ trong nước, đợt bán tháo khi đó của nhà đầu tư được cho là nhằm đón đầu việc nâng tỷ lệ giao dịch ký quỹ (margin) lên mức 60%.
Ngoài hai lần giảm điểm mạnh nhất nêu trên thì hai phiên giao dịch đầu tháng 7-2018 cũng rất đáng chú ý. Nối tiếp đà giảm 13,6 điểm phiên 2-7, ngày 3-7 VN-Index tiếp tục mất 41 điểm, tương ứng 4,34% giá trị, rơi xuống mức 906,01 điểm. Đây cũng là hai phiên giao dịch “tạo đà rơi” cho thị trường trong những phiên kế tiếp, đẩy chỉ số VN-Index rơi về mức 893,16 điểm trong ngày 11-7, mức thấp nhất trong năm 2018.
Bệ đỡ nào cho VN-Index?
Mặc dù ngay sau phiên lao dốc ngày 11-10, chỉ số VN-Index đã ngay lập tức hồi phục lại trong phiên ngày 12-10 nhưng mức tăng chưa thể bù đắp hết được mức giảm và tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa ổn định hoàn toàn trở lại. Liệu những phiên hồi phục có là bẫy tăng giá hay VN-Index đã thật sự xác lập được “đáy” trong phiên giảm mạnh vừa qua? Và nhà đầu tư có thể kỳ vọng gì?
Ở phía bi quan, nhà đầu tư sẽ tiếp tục lo ngại về những rủi ro mang tính ngoại biên như kinh tế và TTCK Mỹ đã đạt đỉnh và bắt đầu bước vào chu kỳ suy giảm, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang, chu kỳ thắt chặt tiền tệ của ngân hàng trung ương các nước khiến thời kỳ tiền rẻ không còn, dòng vốn đầu tư sẽ có sự phân bổ lại, rút ra khỏi các tài sản mang tính rủi ro cao (điển hình là cổ phiếu). Môi trường vĩ mô trong nước cũng sẽ chịu áp lực về lạm phát, lãi suất, tỷ giá, đà tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu trong thời gian tới. Ở phía lạc quan, nhà đầu tư vẫn đang kỳ vọng về sự khởi sắc về kết quả kinh doanh quý III cũng như cả năm 2018 của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, VN cũng có những cơ hội hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung ở góc độ tăng xuất khẩu sang Mỹ, thu hút thêm vốn đầu tư FDI. Về các nhân tố mang tính thị trường, kỳ vọng được nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi từ hai tổ chức MSCI và FTSE có thể giúp TTCK VN thu hút hàng tỉ USD vốn đầu tư gián tiếp cũng đang rất mạnh.
Có thể thấy rõ ràng VN-Index đang chịu tác động “giằng xé” bởi cả các nhân tố tích cực và tiêu cực. Do các yếu tố này đan xen nên xu hướng của thị trường sẽ phụ thuộc vào từng thời điểm cụ thể xem sức nặng của những yếu tố nào sẽ thắng thế. Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư nên có chiến lược đầu tư linh hoạt, thuận theo xu hướng chung của thị trường, tránh dựa quá chặt vào một kịch bản duy nhất sẽ dẫn đến trạng thái bị động, “trở tay không kịp”.