Phòng làm việc của sếp lúc nào cũng bừa bộn, đầy ắp sách vở, hồ sơ, báo chí, tài liệu đủ loại. Trên bàn cũng có, trên ghế và lắm khi dưới đất cũng có. Đáng nể hơn là nét mặt đăm chiêu như đang giải quyết một vấn đề toàn cầu nào đó của sếp.
Hết vi tính thì sếp quay qua điện thoại. Hết điện thoại tới bộ slide hàng mẫu, máy chiếu v.v… Sếp khá nhã nhặn và nhẹ nhàng nhưng ít có thì giờ để nói chuyện với cấp dưới. Buổi sáng vào chào hai ba câu rồi đi thẳng vào phòng làm việc. Chiều thì dĩ nhiên về sau mọi người.
- Xem thêm: Không có thì giờ!
Ai cũng nể sự nghiêm túc và sức làm việc của sếp. Có điều là thấy sếp nhiều việc quá, ít ai dám gần. Có khó khăn thắc mắc gì cũng ráng giải quyết với nhau. Đối đế lắm mới cho sếp biết. Không chỉ họ sợ mà còn tội nghiệp sếp nữa vì e sếp bị quá tải.
Té ra các nhà tâm lý, các nhà nghiên cứu “bệnh học” trong quản lý có nêu lên hiện tượng này. Đây là một trạng thái tâm lý không hiếm hoi khi người có trách nhiệm ngại đối phó với những vấn đề của cơ quan mà cấp dưới phản ánh. Theo các nhà tâm lý, cái vẻ “lu bu” ấy chính là bức tường bao vây để tạo khoảng cách với nhân viên, hầu khỏi nghe những chuyện rắc rối. Dĩ nhiên đây không phải là cố tình mà là một phản ứng vô ý thức được khoa học gọi là “phản ứng tự vệ” (defence mechanism). Ai trong chúng ta cũng ngại khó khăn và tìm nhiều cách để chống chọi. Một là “xù lông nhím” cho đối phương bỏ chạy, hai là khéo léo tránh né bằng nhiều cách “giấu mặt”. Lắm khi chính người trong cuộc cũng không ý thức là mình đang làm điều đó.
Chẳng có gì là xấu hay tội lỗi trong việc này. Đó chỉ vì ta đối phó không nổi mà thôi. Nhưng hậu quả của khoảng cách tạo ra với cấp dưới là không ít. Khó mà ra các quyết định tốt khi không có thông tin đầy đủ. Vấn đề (nếu có) để lâu mà không giải quyết có thể trở nên trầm trọng hơn. Hơn thế, khoảng cách tâm lý khiến cho nhân viên e dè, không dám nêu thắc mắc, đề xuất làm người quản lý mất nhiều cơ hội bằng vàng.
Bận rộn không có nghĩa là làm được nhiều việc mà là phản ứng tâm lý xung quanh công việc. Tránh né vấn đề không làm cho vấn đề biến đi hay giảm bớt mà ngược lại có thể trở nên trầm trọng hơn. Vấn đề là cuộc sống. Cuộc sống và quản lý là một chuỗi dài giải quyết vấn đề để tăng trưởng, tiến bộ.
- Xem thêm: Những kẻ… khinh người!
Bài học “biết người biết mình” áp dụng cho tất cả chúng ta lại càng quan trọng cho nhà quản lý. Cần biết cái “tạng” tâm lý của mình để biết sức chịu đựng của mình tới đâu.
Dĩ nhiên một nhà quản lý được huấn luyện bài bản sẽ biết sắp xếp công việc, thời gian, ủy quyền để không “ôm sô” một mình. Thiền, yoga, thư giãn giúp ta biết xếp từng hoạt động và vấn đề vào đúng địa chỉ và thời điểm của nó để làm ra làm, chơi ra chơi. Nhưng đây là cả một nghệ thuật. Gì thì gì, nên là một người làm được việc hơn là người bận rộn.
Một bà sếp cũ của tôi thuộc hàng lãnh đạo giỏi khi đến tuổi 60 tuyên bố: “Tao bắt đầu dễ quạu, có nghĩa là tao đã oải rồi, giờ đây tụi bây gánh tiếp”. Rồi bà vui vẻ ngưng nhiệm vụ quản lý cái rụp. Ai cũng khỏe, nhưng từ đó bà vẫn còn tư vấn cho bọn tôi dài dài.