Trên thực tế, doanh nghiệp là pháp nhân được chính quyền cấp phép để thực hiện công việc kinh doanh, trả lương và tạo lợi nhuận. Do đó, gánh nặng thuế thu nhập doanh nghiệp có thể rơi vào bất cứ ai tham gia vào quá trình kinh doanh, từ khách hàng đến công nhân và các cổ đông của doanh nghiệp.
Phần lớn các nhà kinh tế hiện nay đồng ý rằng gánh nặng về thuế thu nhập doanh nghiệp do người lao động gánh chịu một phần, nhưng chưa thống nhất được mức độ cụ thể. Điều này xem ra khá quan trọng vì ảnh hưởng của việc cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp – mục tiêu được nhiều nhà cải cách thuế cùng chia sẻ – tùy thuộc vào mức độ doanh nghiệp mang lại lợi ích cho người lao động.
Trong số phát hành tháng 3-2013, Thời báo thuế quốc gia (một tạp chí chuyên phân tích về thuế ở Mỹ) đăng bốn bài viết thể hiện mong muốn làm rõ gánh nặng về loại thuế này nhưng tiếc là chưa có sự đồng thuận.
Bài viết thứ nhất của nhà kinh tế học Kimberly Clausing (Đại học Reed) ủng hộ quan điểm truyền thống là vốn của doanh nghiệp phải chịu toàn bộ thuế thu nhập. Bài viết thứ hai của tác giả Jennifer Gravelle (chuyên gia Văn phòng Ngân sách của Quốc hội Mỹ) đồng ý với kết luận của bà Clausing. Bài viết thứ ba của hai nhà kinh tế học Li Liu (Đại học Oxford) và Rosanne Altshuler (Đại học Rutgers) ủng hộ quan điểm là người lao động chịu gần như toàn bộ gánh nặng về thuế thu nhập doanh nghiệp. Nghiên cứu thống kê tiền lương của các ngành công nghiệp, họ đưa ra kết luận rằng người lao động phải gánh đến 60% thuế thu nhập doanh nghiệp, có nghĩa là nếu thuế tăng 1 USD thì tiền lương bị giảm đi 0,6 USD. Trong bài báo thứ tư, bốn nhà kinh tế của Bộ Ngân khố giới thiệu phương pháp Bộ Ngân khố sử dụng để phân bố thuế thu nhập doanh nghiệp trong bảng phân phối rồi đi đến kết luận là 82% thuế đánh vào vốn và 18% đánh vào người lao động. Kết quả này gần trùng hợp với phương pháp luận của Trung tâm Nghiên cứu về chính sách thuế (một tổ chức tư nhân thường cung cấp các kết quả phân tích để sử dụng trong các buổi tranh luận về chính sách), cho rằng 80% thuế rơi vào vốn và 20% rơi vào người lao động.
Dĩ nhiên, tất cả các lập luận trên đều cần được xem xét kỹ khi cần cải cách một loại thuế cụ thể nào đó, ví dụ thay đổi về khấu hao chủ yếu ảnh hưởng đến các công ty chuyên chế tạo, sản xuất hàng hóa, trong khi đó thay đổi về thuế đối với thu nhập có nguồn gốc nước ngoài chỉ ảnh hưởng đến các công ty đa quốc gia…
Thiên bảo theo NYT, 19-2-2013