Mới ngày nào còn ngơ ngơ ngác ngác từ trung học phổ thông trúng tuyển vào Đại học Y khoa vừa tự hào, vừa hồi hộp vừa lo âu, thì vài ba năm sau đã ra vẻ là một sinh viên trường Thuốc có phần chững chạc oai vệ và vài ba năm sau nữa đã trở thành một người khác lạ đến nỗi bạn bè cũ nhìn không ra: trầm tư, oai vệ, có hơi “hách xì xằng” một chút trong giọng nói, trong cử chỉ vì đôi khi nghĩ rằng phải thế mới là thầy thuốc, mới y hệt như các giáo sư bác sĩ đàn anh hằng ngày qua lại trước mặt mình ở giảng đường hay trong bệnh viện…
Sau một quá trình học hành dài đến 6-7 năm trời – thậm chí có nơi đến 10-11 năm – người ta đã “nhào nặn” người sinh viên y khoa ra sao để đến nỗi thành người… thầy thuốc lạnh lùng, ít cảm xúc, nói năng mệnh lệnh, hay hù dọa… và đôi khi ra vẻ ban ơn với bệnh nhân.
Mới ngày nào thấy máu còn muốn ngất xỉu, mới ngày nào nghe bệnh nhân rên rỉ còn xót xa trong lòng, mới ngày nào còn không ưa mùi khai của nước tiểu, mùi thối của phân, mùi tanh của nước ối… bây giờ thì tỉnh bơ hết, có thể nói cười giữa lúc bệnh nhân đang rên la, đùa giỡn ngay trong chỗ có mùi máu me, nước ối, phân trẻ con… đến nỗi nhiều người bệnh kêu lên là sao thấy bác sĩ thường lạnh lùng, ít tình cảm, không cảm xúc…
Nhiều cô gái còn sợ không dám yêu bác sĩ, kẻ biết quá nhiều mà lại ít tình cảm, lúc nào cũng bận rộn, cũng thiếu thời gian. Thế nhưng không phải vậy…
- Xem thêm: Những ngày xưa thân ái…
Trước hết ta hãy xem vì sao người thầy thuốc bị… nhào nặn như vậy và để làm gì? Cái đó gọi là xã hội hóa (socialization) nghề nghiệp, một từ xã hội học chứ không phải từ thường dùng trên báo chí với ý nghĩa cả xã hội cùng tham gia…
Có lẽ nghề y là một nghề hết sức đặc biệt, liên quan đến sinh mạng của con người nên phải được huấn luyện rất lâu, rất kỹ, mà giai đoạn đầu đã phải mất khoảng 6-8 năm, sau đó, còn phải học thêm 3-4 năm nữa để có thể thành một thầy thuốc có đủ khả năng hành nghề chuyên khoa, rồi phải thêm chừng 10 năm kinh nghiệm nữa mới có thể gọi là thấu đáo, vững vàng trong nghề nghiệp.
Trong suốt 10 năm đào tạo huấn luyện “cơ bản” như vậy, họ bị “vo tròn bóp méo” tương đối để rồi sau này trong cuộc sống ta thường thấy mọi người cười họ hay bị “méo mó nghề nghiệp” là vậy! Mà thật, họ nhìn đâu cũng thấy… vi trùng, thấy bệnh hoạn, và bởi vì đi bất cứ đâu, ở chỗ nào khi người ta biết họ là bác sĩ, họ sẽ bị hỏi, bị nói, bị nghe chuyện về bệnh tật.
Trong huấn luyện, họ phải rèn tập những kỹ năng gần như “máy móc hóa”: một làn dao, một mũi kim đều không thể ngẫu hứng tình cờ, họ cũng phải học cả những thái độ, cử chỉ, cách ứng xử với từng trường hợp – giờ giấc hoạt động của họ được lên khuôn – chương trình hóa một cách chính xác…
Rồi cả cách ăn mặc, cách nói năng. Rồi những tiêu chuẩn, những đòi hỏi trong phẩm chất đạo đức. Ở họ, hình như có một “vocation” nào đó, một cái “nghiệp” nào đó để ưa thích và chọn nghề y, cũng như phải có những “năng khiếu” lạ lùng trời cho như có bàn tay khéo léo, tính nhạy cảm trong lâm sàng như một sự đánh hơi (flaire clinique) kỳ lạ…
Họ chịu trách nhiệm về phần xác – và cả một phần nào tâm hồn – của thân chủ. Một sự chậm trễ thờ ơ của họ có thể làm chết người, một sự cẩu thả đùa cợt trong lời nói có thể gây nỗi đau đớn cho người khác thậm chí dẫn đến tự tử, chỉ có họ mới đang đêm khuya người ta có thể dựng dậy để nghe mô tả về phân, về nước ối, về sự khó ở của người khác, nhưng cũng chỉ có họ mới được người ta tin cậy mà thổ lộ tất cả tâm can, những đau đớn thể chất, tinh thần bởi vì họ đã thề trước ông Tổ của nghề nghiệp là không bao giờ tiết lộ bí mật của người bệnh.
Có những điều người bệnh không thể nói với ai – dù là cha mẹ, vợ chồng, con cái nhưng chỉ nói được với người thầy thuốc. Nếu không được học tập, rèn luyện đàng hoàng thì ai dám…
- Xem thêm: Đói ăn rau…
Để rèn tập một nghề nghiệp như thế, ngay từ những ngày đầu, họ đã được khoác lên người chiếc áo blouse trắng, bỏ đi bộ quần áo quen thuộc, nếp sống cũ ở ngoài kia.
Họ mày mò với xác chết, với các bộ xương người, họ qua lại trong môi trường đầy không khí trang nghiêm, trách nhiệm cao – sơ sẩy là chết người – làm quen với mùi máu, mủ, phân và nước tiểu, nước ối… tập nghe tiếng rên la, tập nhìn con người trần trụi, tênh hênh với những sự thực phũ phàng của nó, với những đớn đau của nó, để rồi ngày tháng dần qua họ đổi thay lúc nào không hay, họ nói năng trịnh trọng, họ nhìn như quan sát, họ hỏi như điều tra, họ bình tĩnh đến lạnh lùng, họ che giấu cảm xúc rất khéo, nghĩa là họ thành một con người khác: một bác sĩ, một người thầy thuốc!
Hẹn thư sau. Thân mến.