Festival Gốm Thanh Hà 2018 diễn ra trong ba ngày, từ 19-8 đến 21-8-2018 (nhân giỗ Tổ nghề gốm ngày 10-7 Âm lịch) tại làng gốm Thanh Hà, TP. Hội An, Quảng Nam là một sự kiện quy mô lớn nhằm tôn vinh một nghề truyền thống lâu đời tại địa phương.
- Xem thêm: Vẽ tranh ở làng gốm Thanh Hà
Ngoài các sinh hoạt mang tính lễ hội dân gian, Festival Gốm Thanh Hà 2018 còn có một trại sáng tác và chế tác gốm, thu hút gần 30 nghệ nhân đến từ tám làng nghề trên cả nước: Phù Lãng (Bắc Ninh), Hương Canh (Vĩnh Phúc), Phước Tích (Thừa Thiên – Huế), Bàu Trúc (Ninh Thuận), Vĩnh Long, Thanh Hà, làng gốm Mơ Nông (Đắk Lắk), Lư Cấm (Khánh Hòa) cùng 30 họa sĩ, nhà điêu khắc đến từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế, TP. Đà Nẵng. Đây là hoạt động nhằm kết nối các nghệ sĩ sáng tác, các nghệ nhân làng nghề với cộng đồng dân cư bản địa cũng như người yêu thích gốm và du khách đến với Hội An. Bên cạnh tác phẩm gốm mỹ thuật, sản phẩm gốm mỹ nghệ còn có tranh và tác phẩm nhiếp ảnh lấy chủ đề từ gốm. Điều thú vị là phần lớn các sinh hoạt lễ hội, các hoạt động sáng tác – triển lãm được tổ chức trên các con đường dẫn từ trung tâm Hội An vào làng gốm Thanh Hà.
Một nét duyên của Festival là chương trình biểu diễn thời trang Áo dài terracotta trên sân khấu đường làng vào ngày 20-8, với áo dài của hai nhà may Phương Nguyễn Silk và May No Hashi cùng vòng cổ, hoa tai, vòng tay…, các phụ kiện trang sức được làm từ đất nung, với hoa văn lấy cảm hứng các sản phẩm gốm và hoa văn truyền thống Hội An. Kết thúc Festival là tọa đàm với chủ đề “Bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống trong bối cảnh phát triển du lịch” diễn ra ngày 21-8.
Công viên đất nung Thanh Hà, nơi diễn ra nhiều hoạt động của Festival là công trình của kiến trúc sư Nguyễn Văn Nguyên, một người con làng nghề đã bỏ nhiều công sức và tâm huyết để bảo tồn và phát triển nghề gốm Thanh Hà, cũng là nơi từng tổ chức nhiều sinh hoạt mỹ thuật đáng chú ý vài năm gần đây.