“Tôi chia khách hàng nữ theo ba nhóm: Cinderella, Venus và Aristocratic. Cinderella phù hợp với những đôi giày phom nhỏ nhắn (thường dưới cỡ 6). Venus lại vừa vặn với cỡ 6 trung bình và Aristocratic tập trung ở cỡ 7 hoặc lớn hơn”. Đó là đoạn văn được trích từ Shoemaker of Dreams – cuốn tự truyện của Salvatore Ferragamo (phát hành năm 1957).
Nếu bạn đang tự hỏi liệu người thợ đóng nên đôi giày của Cinderella có tồn tại trong đời thực hay không, câu trả lời đơn giản nhất sẽ là những sản phẩm mang thương hiệu Salvatore Ferragamo. Nét độc đáo của những đôi giày do nhà tạo mốt hàng đầu Italy này đóng giúp cho các cô gái có thể thu hút sự chú ý của chàng trai mà họ thầm yêu trộm nhớ. Ferragamo giúp phụ nữ xinh đẹp trong đôi giày hoàn hảo, lung linh như trong chuyện cổ tích với cảm giác thoải mái thực sự suốt cả ngày.
Cống hiến không ngừng cho sự hoàn hảo
Salvatore Ferragamo sinh năm 1898 ở Bonito – một thị trấn nhỏ gần Naples (thủ phủ vùng Campania của nước Ý). Ngay từ khi còn là một đứa trẻ, ông đã có một niềm đam mê mãnh liệt trong việc tạo nên những đôi giày. Sau thời gian ngắn làm việc cho một hãng sản xuất giày ở Naples, ông đã mở cửa hiệu đầu tiên ở quê nhà khi mới chỉ 13 tuổi. Hơn ba năm sau, ông chuyển đến Mỹ cùng anh trai và làm việc cho một nhà máy sản xuất giày ở Boston. Máy móc và tính hiện đại hóa là những điểm hấp dẫn Salvatore, cho dù ông vẫn quan ngại đến chất lượng thật sự của những sản phẩm đó.
Vào đầu thập niên 1920, Ferragamo chuyển đến Santa Barbara (thuộc bang California) và mở một cửa hàng đóng giày chuyên nghiệp. Ông quyết tận dụng tối đa thời gian ở Mỹ để nghiên cứu cấu trúc cơ thể người (nhất là phần chân), học thêm Hóa học và Toán học tại Đại học Los Angeles. Luôn hướng tới sự hoàn hảo, sau nhiều nỗ lực tìm tòi, ông đã nhận ra những hạn chế trong những thiết kế của mình và tìm được ý tưởng đầu tiên để giải quyết vấn đề phân bố trọng lượng cơ thể trên vòm chân.
Ông đã sáng chế ra shank – miếng thép ẩn trợ lực cho đôi chân, giúp những đôi giày trở nên nhẹ và bền hơn. Những nghiên cứu khác đã dẫn ông khám phá một hệ thống nguyên bản, cho phép tiếp cận quy mô sản xuất hàng loạt mà không làm giảm chất lượng sản phẩm (made-to-measure).
Hollywood là điểm dừng chân tiếp theo trong sự nghiệp của Ferragamo. Năm 1923, ông đã mở Hollywood Boot Shop và chính thức trở thành thợ đóng giày của các minh tinh màn bạc.
Giấc mơ trở thành hiện thực tại Florence
Năm 1927, Ferragamo quyết định trở về Ý. Ông chọn Florence, nơi nổi tiếng về thuộc da với nhiều nghệ nhân tài giỏi và mở tại đó một phòng thí nghiệm về giày được đóng thủ công với sự kiểm soát chất lượng chặt chẽ. Nhiều lô giày đã được xuất khẩu thành công sang Mỹ nhưng rồi cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng năm 1929 đã ngăn chặn việc xuất khẩu và Ferragamo buộc phải tuyên bố phá sản tại thời điểm đó.
Không chịu bỏ cuộc, Ferragamo quyết tâm khởi nghiệp một lần nữa, đưa sản phẩm đến các thị trường khác. Năm 1936, ông lại thuê cửa hàng và xây dựng phòng thí nghiệm ở Palazzo Spini Feroni – trung tâm của Florence, nơi mà bây giờ vẫn còn tồn tại cửa hàng, bảo tàng và trụ sở chính của Ferragamo.
Ferragamo tiếp tục tạo ra một số thiết kế với tính chất đặc biệt như giày đế xuồng có tính cân bằng, chắc chắn và siêu nhẹ, giày được làm một cách sáng tạo bằng giấy bóng cellophane và giấy gói kẹo. Ông còn mở rộng khái niệm về nghề thủ công trong sản xuất phần thân giày thêu, bằng ren hoặc rơm, gót giày đính đá, bạc hoặc kim loại. Những đôi giày ấy của Ferragamo nhanh chóng được giới mộ điệu trên toàn thế giới biết đến.
Trong thập niên 1950, cái tên Ferragamo là biểu tượng của chất lượng và sự sang trọng. Đối với các nữ diễn viên thời đó, Palazzo Spini Feroni đã trở thành một điểm phải đến ở Florence. Thời cuộc thay đổi giúp Ferragamo lần nữa tổ chức công việc kinh doanh ở Hollywood. Các ngôi sao nổi tiếng như Audrey Hepburn, Ava Gardner, Greta Garbo, Anna Magnani, Paulette Goddard, Lauren Bacall, Sophia Loren, Marilyn Monroe… đều góp phần vào sự thành công của giày Ferragamo. Danh tiếng của Ferragamo được công nhận bởi giải thưởng thời trang Neiman Marcus năm 1947 dành cho thiết kế giày sandals trong suốt cùng dây nylon.
Salvatore Ferragamo mất năm 1960 sau khi đã hoàn thành giấc mơ tạo nên những đôi giày tuyệt vời, giúp người dùng cảm thấy thoải mái nhất. Tôn trọng những tâm huyết của người trụ cột quá cố, gia đình ông đã tìm mọi cách giữ gìn và phát triển thương hiệu thời trang Salvatore Ferragamo rộng rãi trên toàn thế giới.
Fiamma – một trong những cô con gái của Ferragamo đã được báo giới gọi với cái tên The Teenager of Fashion. Cô nhận trách nhiệm thiết kế mọi thứ liên quan đến da, từ giày dép, túi xách, vali, ô dù và cả các phụ kiện nhỏ khác dành cho phụ nữ lẫn nam giới. Năm 1967, tròn hai thập niên sau khi cha đoạt giải thưởng lớn, Fiamma cũng được trao một giải thưởng Neiman Marcus như sự ghi nhận những nỗ lực sáng tạo tuyệt vời của cô. Cô là tác giả của Vara – thiết kế nổi tiếng nhất trong số các bộ sưu tập giày của Ferragamo. Đôi giày đó rất quyến rũ nhờ chiếc nơ cùng nút thắt kim loại mang tính biểu tượng. Bên cạnh đó, cô còn thiết kế chiếc túi W lừng danh dành tặng riêng cho mẹ mình – bà Wanda.