Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh kéo dài hai năm trở lại đây, cùng với mức tăng trưởng vượt trội của chỉ số VN-Index, mặt bằng giá cổ phiếu của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam từ mức thấp trong khu vực (theo P/E và P/B) đã vươn lên mức trung bình cao.
Các TTCK được dùng làm mẫu so sánh đều thuộc nhóm thị trường mới nổi, bao gồm thị trường Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Ấn Độ, là nhóm các thị trường được định giá cao trong khu vực (so với mức định giá thấp của các thị trường phát triển như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản…) do tiềm năng tăng trưởng EPS cao. Trong đó, TTCK Việt Nam có P/B đứng thứ 2, chỉ xếp sau TTCK Ấn Độ, trong khi chỉ số P/E ở mức trung bình (cao hơn TTCK Thái Lan).
Điểm đáng chú ý là dữ liệu quá khứ cho thấy TTCK Việt Nam là thị trường có mức tăng trưởng mạnh nhất về EPS trong năm thị trường được dùng làm mẫu so sánh, với mức tăng bình quân trong ba năm trở lại đây là 8,8%, nhờ tăng trưởng vượt trội ở kết quả kinh doanh các doanh nghiệp trên sàn.
Theo tính toán, nếu tăng trưởng EPS này được duy trì, P/E forward của TTCK Việt Nam cuối 2018 và 2019 sẽ lần lượt ở mức 16,4 và 15,1, là mức hấp dẫn tương đối, trong bối cảnh TTCK Việt Nam được đánh giá cao nhờ tăng trưởng ổn định về mặt vĩ mô và được chờ đợi sẽ có nhiều chuyển biến trong các năm tới đến từ việc các doanh nghiệp lớn lên sàn niêm yết, phát triển thị trường phái sinh và tiềm năng được nâng hạng theo chuẩn MSCI…
Rủi ro dòng vốn ngoại đảo chiều có thể vẫn tiếp diễn
Trong cuộc họp chính sách diễn ra vào tháng 6 vừa qua, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã có lần tăng lãi suất thứ hai kể từ đầu năm lên mức 1,75% – 2%. Điểm đáng chú ý là Fed đã nâng mức dự báo số lần nâng lãi suất trong năm 2018 lên bốn lần, thay vì ba lần như trong các cuộc họp trước nhờ triển vọng tích cực của thị trường việc làm và lạm phát.
Điều này đồng nghĩa với việc Fed sẽ còn hai lần nâng lãi suất nữa trong năm nay. Có thể thấy trong kỳ họp tháng 3, trong khi quan điểm của các nhà làm chính sách còn khá phân hóa thì trong kỳ họp tháng 6, phần đông đã ủng hộ một lộ trình tăng lãi suất mạnh mẽ hơn cho cả năm 2018 và 2019. Thông tin trên phần nào làm trầm trọng hơn tình trạng rút vốn khỏi thị trường mới nổi của các quỹ đầu tư toàn cầu, vốn trước đó đã được kích hoạt do lo ngại từ rủi ro chiến tranh thương mại.
Trên thực tế, xu hướng rót vốn vào các thị trường mới nổi đã diễn ra trong thời gian dài kể từ khi Fed bắt đầu triển khai chương trình nới lỏng định lượng QE vào năm 2008, là động lực quan trọng hỗ trợ xu hướng hồi phục của các TTCK mới nổi toàn cầu trong gần 10 năm trở lại đây. Khi xu hướng này đảo chiều, nó sẽ không chỉ diễn ra trong vài tháng mà sẽ kéo dài và được tính bằng năm.
Điểm tích cực đối với TTCK Việt Nam nói riêng và một số thị trường mới nổi lân cận như Thái Lan, Philippines… là sự ổn định cả về mặt vĩ mô lẫn vi mô, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tăng trưởng bền vững. Điều này có thể phần nào níu giữ dòng tiền ở những quỹ đầu tư chủ động, với mục tiêu tìm kiếm và đầu tư vào doanh nghiệp tăng trưởng. Về tổng thể, xu hướng bán ròng của khối ngoại có thể sẽ tiếp tục duy trì trong sáu tháng cuối năm, tuy nhiên giá trị bán sẽ không lớn trừ khi xuất hiện các yếu tố rủi ro mới như căng thẳng thương mại leo thang, tỷ giá, lạm phát tiếp tục biến động không thuận lợi.
Rủi ro từ xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn
Biến động TTCK Việt Nam nói riêng và TTCK toàn cầu nói chung trong quý II chịu ảnh hưởng mạnh bởi yếu tố rủi ro đến từ xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Với việc căng thẳng thương mại giữa hai nước đến thời điểm hiện tại chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đây vẫn được coi là một trong những rủi ro đáng kể nhất tác động đến diễn biến thị trường sáu tháng cuối năm.
Chiến tranh thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế thế giới theo hai cách trực tiếp và gián tiếp. Về mặt trực tiếp, các mặt hàng bị tăng thuế sẽ đẩy giá cả leo thang, khiến nhu cầu sụt giảm. Về mặt gián tiếp, viễn cảnh chiến tranh thương mại sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư và mở rộng hoạt động của các tập đoàn lớn do sự suy giảm niềm tin vào tăng trưởng kinh tế, qua đó gây hạn chế tăng trưởng nguồn cung. Sẽ không đơn thuần là các lĩnh vực chịu thuế cao bị ảnh hưởng mà các chuỗi cung ứng toàn cầu đều sẽ bị tác động mạnh, tạo ra các hiệu ứng dây chuyền.
Mặc dù chiến tranh thương mại là lựa chọn gây tổn hại cho cả hai cường quốc và không bên nào muốn điều này thực sự diễn ra, tuy nhiên cho đến hiện tại vẫn chưa thấy một phương án khả thi nào được một trong hai bên đưa ra để giảm căng thẳng. Các phương án Trung Quốc đưa ra để giảm thâm hụt đối với Mỹ (lên đến hơn 375 tỉ USD trong năm 2017) như việc cam kết tăng mạnh sức mua các sản phẩm và dịch vụ từ Mỹ mang ít tính khả thi.
Trong khi đó, vấn đề quan trọng liên quan đến cáo buộc của Mỹ trong việc Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn chưa có hướng giải quyết. Trong kịch bản xấu nhất, nếu căng thẳng thương mại Mỹ – Trung tiếp tục leo thang trong sáu tháng cuối năm 2018, nhiều khả năng TTCK toàn cầu nói chung và TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục trải qua nhịp điều chỉnh kéo dài.