Xung đột thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đang giúp củng cố sức mạnh cho giới đầu cơ lên giá đồng USD – Bloomberg tuần qua cho hay.
Theo hãng tin này, thay vì vàng, các nhà đầu tư toàn cầu đang xem đồng bạc xanh là một “vịnh tránh bão” để phòng nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ông Ole Hansen, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa cơ bản thuộc Saxo Bank A/S, nhận định: “Rủi ro địa chính trị đang tăng, trái phiếu và cổ phiếu bị bán tháo, trong khi giá vàng tiếp tục giảm sâu hơn”, thì đồng đôla Mỹ lại đang ổn định giữa lúc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất. Sự kết hợp này tạo ra một cơ hội hiếm thấy. Trong bối cảnh như vậy, đồng USD vừa có thể được sử dụng làm tài sản an toàn, vừa có thể được dùng để kinh doanh chênh lệch lãi suất.
Do vàng được định giá bằng USD, theo quy luật thường thấy, đồng USD càng mạnh thì giá vàng càng yếu và ngược lại. Tuần trước, giá vàng khép lại nửa đầu năm giảm giá tệ nhất trong vòng năm năm trở lại đây.
Bây giờ là lúc giới đầu tư đang xem xét lại tỷ trọng các loại tài sản trong danh mục đầu tư của họ. Có nhiều yếu tố tác động đến sự cân nhắc này, từ lập trường cứng rắn của ông Trump với các đối tác thương mại, cho tới việc FED thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn các ngân hàng trung ương ở Nhật Bản và châu Âu.
Một động lực quan trọng cho sự tăng giá của đồng USD trong năm nay là tâm lý ham thích rủi ro giảm xuống, dẫn tới một làn sóng chuyển vốn vào các tài sản USD khi các thị trường mới nổi bị rút vốn – theo bà Jane Foley, trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ thuộc Rabobank.
Trong khi đó, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã giảm mạnh kỷ lục so với đồng USD trong tháng 6 vừa qua, làm dấy lên những lo ngại rằng Bắc Kinh sẵn sàng phá giá đồng nội tệ để làm vũ khí khi chiến tranh thương mại Trung – Mỹ bùng nổ.
Trong tháng 6 vừa qua, đồng nhân dân tệ đã giảm giá 3,3% so với USD, đánh dấu tháng giảm tệ nhất kể từ khi Trung Quốc thiết lập thị trường ngoại hối của nước này vào năm 1994.
Giới phân tích cho rằng ở thời điểm hiện tại, diễn biến tỷ giá đồng nhân dân tệ trông giống tác động của các lực lượng thị trường hơn là hành động chiến tranh tiền tệ. Tuy vậy, các chuyên gia cảnh báo sự giảm giá sâu hơn của đồng tiền này có thể “đổ thêm dầu vào lửa” đối với căng thẳng thương mại.
“Trong bối cảnh mâu thuẫn thương mại và kinh tế gia tăng giữa hai nước, biến động tỷ giá có ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với ở vào thời điểm bình thường”, giáo sư Eswar Prasad thuộc Đại học Cornell, nguyên Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Trung Quốc nhận định.
Theo ông Prasad, sự giảm giá của nhân dân tệ có thể được xem như là dấu hiệu cho thấy chế độ tỷ giá của Trung Quốc chịu tác động ngày càng lớn của các lực lượng thị trường, hoặc là một tín hiệu của Trung Quốc gửi tới Mỹ về một công cụ khác trong “kho vũ khí” chiến tranh thương mại của Bắc Kinh.
Đầu năm nay, nhân dân tệ tăng giá mạnh so với USD, cho dù đồng bạc xanh tăng giá so với đồng euro và đồng tiền của nhiều thị trường mới nổi khác. Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng sự giảm giá gần đây của nhân dân tệ một phần là “hiệu ứng” do sự căng thẳng thương mại Mỹ – Trung.