Quyết định của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khai trừ Đảng một số cán bộ nguyên là lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) và Tổng công ty MobiFone trong kỳ họp thứ 27 diễn ra trong hai ngày 27 và 28-6, như một tín hiệu cho thấy các vụ án tham nhũng tại hai doanh nghiệp này có thể sẽ được đưa ra trước ánh sáng công lý trong thời gian tới đây.
Xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và các cá nhân liên quan về các vi phạm, khuyết điểm đã được kết luận tại kỳ họp 26, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV. Ủy ban này cũng cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Đoàn Ánh Sáng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó tổng giám đốc; cảnh cáo ông Trần Lục Lang, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó tổng giám đốc BIDV.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng yêu cầu Ban Thường vụ Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định những vi phạm của ông Trần Bắc Hà là rất nghiêm trọng.
Cựu Chủ tịch BIDV vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỉ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng.
Ông Đoàn Ánh Sáng và ông Trần Lục Lang cũng được Ủy ban Kiểm tra cho rằng có vi phạm nghiêm trọng, phải chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy; cùng chịu trách nhiệm đối với một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ có vi phạm, cũng như trách nhiệm về đề xuất, thẩm định chủ trương cho vay nói trên.
Các vi phạm của ông Trần Bắc Hà, ông Đoàn Ánh Sáng, ông Trần Lục Lang được Ủy ban Kiểm tra đánh giá là làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và Ngân hàng BIDV, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông và các cá nhân liên quan về các vi phạm, khuyết điểm đã được kết luận tại kỳ họp 26.
Theo đó, thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Lê Nam Trà, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty MobiFone và ông Phạm Đình Trọng, Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Cao Duy Hải, Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty MobiFone; khiển trách đối với ông Phạm Hồng Hải, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Đối với ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Bộ trưởng và ông Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật.
Ngày 14-3-2018, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận nêu rõ sai phạm của các bộ ngành liên quan dự án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG. Đây là vụ việc kinh tế rất nghiêm trọng, dự án có tổng mức đầu tư là 8.900 tỉ đồng, tuy nhiên những vi phạm, làm trái quy định, thiếu trách nhiệm của MobiFone dẫn đến nguy cơ thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp này khoảng 7.006 tỉ đồng.
Đến tháng 5-2018, nhóm cổ đông AVG đã hoàn trả hơn 8.500 tỉ đồng cho MobiFone.
Tháng 6-2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát thông cáo báo chí kỳ họp thứ 26, trong đó có nội dung kiểm tra dự án MobiFone mua 95% cổ phần AVG. Thông cáo nêu, những vi phạm của Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin – Truyền thông, ông Nguyễn Bắc Son, ông Trương Minh Tuấn, ông Phạm Đình Trọng, của Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty MobiFone và các ông Lê Nam Trà, Cao Duy Hải là rất nghiêm trọng, vi phạm của ông Phạm Hồng Hải là nghiêm trọng, làm thất thoát lớn tài sản nhà nước, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Một số vi phạm liên quan đến Bộ Quốc phòng cũng được Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm rõ và đề nghị kỷ luật trong kỳ họp thứ 27 này.
Thông báo của Ủy ban nói rõ Ban Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Phòng không – Không quân đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong quản lý, sử dụng đất quy hoạch cho mục đích quốc phòng vào mục đích kinh tế, liên doanh, liên kết và thực hiện các dự án nhà ở cho quân nhân.
Thượng tướng Phương Minh Hòa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, trong thời gian giữ cương vị Bí thư Đảng ủy, Chính ủy và Phó bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân, chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010-2015; trực tiếp ký một số văn bản sử dụng đất vào mục đích kinh tế, liên doanh, liên kết không đúng quy định.
Trung tướng Nguyễn Văn Thanh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chính ủy Quân chủng Phòng không – Không quân chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010-2015; chịu trách nhiệm trong việc xét duyệt danh sách hưởng chính sách nhà ở, đất ở của quân đội, trong đó có một số trường hợp không đúng đối tượng theo quy định.
Những người trong Ban Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Phòng không – Không quân nhiệm kỳ 2010-2015 cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy và chịu trách nhiệm trực tiếp về những vi phạm, khuyết điểm của cá nhân. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Thường vụ Quân ủy Trung ương chỉ đạo kiểm điểm, xem xét trách nhiệm các cá nhân có liên quan.
Trong một diễn biến khác, sau một tuần xét xử, chiều 2-7, Tòa án Nhân dân TP.HCM tuyên phạt ông Đặng Thanh Bình, nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước ba năm tù giam về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ án liên quan đến Ngân hàng Đại Tín (Trust Bank) tiền thân của Ngân hàng Xây dựng (VNCB). Trước đó, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đã đề nghị tòa tuyên mức án 4-5 năm tù đối với ông Bình.
Cùng tội danh như trên, còn có bốn bị cáo nguyên là thành viên Tổ giám sát Ngân hàng Nhà nước đặt tại Ngân hàng Xây dựng – VNCB (trước đó là Ngân hàng Đại Tín) lãnh từ một năm đến hai năm sáu tháng.
Cụ thể, bị cáo Hà Tấn Phước, nguyên Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Long An – Tổ trưởng Tổ giám sát hai năm tù; bị cáo Lê Văn Thanh – Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Long An – Tổ trưởng Tổ giám sát hai năm sáu tháng tù; bị cáo Ngô Văn Thanh – Phó phòng kiểm tra, giám sát tuân thủ Vietcombank Chi nhánh Long An – Tổ viên Tổ giám sát VNCB một năm sáu tháng tù; bị cáo Phạm Thế Tuân – Phó giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Chi nhánh TP.HCM – Tổ phó Tổ giám sát một năm tù.
Hội đồng xét xử nhận định ông Đặng Thanh Bình đã thực hiện nhiệm vụ trái chỉ đạo của Thủ tướng. Theo đó, việc tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín phải đảm bảo kiểm tra năng lực và vốn của nhóm Thiên Thanh do Phạm Công Danh, Chủ tịch HĐQT đứng đầu.
Tuy nhiên, ông Bình đã ký quyết định cho nhóm nhà đầu tư mới do ông Phạm Công Danh cầm đầu thực hiện tái cơ cấu, mặc dù nhóm này không đủ khả năng. Hành vi sai phạm này được cho là tạo điều kiện cho ông Danh và đồng phạm phạm tội, gây thiệt hại 15.000 tỉ đồng cho VNCB.
Hội đồng xét xử cũng cho rằng các bị cáo cũng có các tình tiết giảm nhẹ như có nhiều đóng góp cho ngành ngân hàng, chưa có kinh nghiệm và phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ.