Tại sao mình lại gặp nhiều thất bại đến thế? Tại sao mình không bao giờ biết dừng lại? Tại sao lại tìm toàn những con đường khó khăn?… Với Lê Trần Trường An – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phát hành Việt Nam (Fabaco), bao nhiêu câu hỏi tại sao cũng chính là bấy nhiêu câu trả lời cho một tính cách.
Kinh doanh với anh không đơn thuần là lợi nhuận, nó là ước mơ, là lý tưởng, là niềm tin với con người, cho con người. Kinh doanh không chỉ có đúng, sai, mà cần phải kinh doanh đẹp, ý nghĩa. Tốt nghiệp đại học ngành Ngữ văn & Báo chí, anh không theo đuổi nghiệp văn chương như bạn bè cùng lứa, mà trở thành Giám đốc Fabaco – công ty tư nhân đầu tiên phát hành công báo, nghĩa là người lo “đầu ra” cho những sản phẩm tri thức. Và tiếp theo là tạo ra thương hiệu sách Việt Nam Vietbooks, với những bộ sách lớn và dài hơi (Anh còn là đồng Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sách – Niên giám Việt Nam). “Cái nhìn cho hay, để kinh doanh đẹp”, đối với anh cả hai đều khó cả, đều phải khổ công, nhẫn nại, học hỏi và tạo ra những ý tưởng mới không ngừng. Ít ai ngờ chàng trai lúc nào cũng quyết đoán, dữ dội và thực tế đến lạnh lùng ấy năm nay mới 34 tuổi, chân luôn “chạm đất”, nhưng cái đầu thì “biết bay”.
____
Sau bao nhiêu năm lăn lộn với nghề phát hành, Fabaco đã có được một cơ ngơi lý tưởng, dường như phong thủy ở đây rất tốt cho tuổi của anh?
Nó là cái duyên (cười). Thực ra đây là nơi bà xã tôi chọn. Sau 10 năm ròng rã mới thực sự an cư lạc nghiệp. Fabaco và Vietbooks đều tập trung ở đây, tạo nên sự phối hợp hoàn chỉnh, đó cũng là ước mơ tạo những ấn phẩm sách mang thương hiệu Việt có thể xuất khẩu ra nước ngoài, giới thiệu về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam.
____
Làm thế nào một chàng trai mới tốt nghiệp đại học lại có thể tạo được những mối quan hệ rộng lớn như thế, để tạo lập mạng lưới phát hành rộng khắp trên toàn quốc, nhất là thâm nhập vào hệ thống công báo, niên giám đầu tiên, cạnh tranh trực tiếp với bưu điện lúc đó còn đang ở thế độc quyền?
Hồi đi học, bạn bè thích làm báo, còn tôi thì thích đi bán báo. Tôi hay la cà làm quen với những em bé bán báo ngoài đường, tìm hiểu những mô hình phát hành báo chí nước ngoài và quan sát say mê những sạp báo bán lẻ hàng ngày… Đầu ra cho một tờ báo, một cuốn sách lúc ấy bị xem nhẹ, thị trường còn rất nhiều khoảng trống. Tuổi mình còn trẻ, không người đỡ đầu, không thế lực, kinh nghiệm không nhiều, vốn khởi đầu vài chục triệu đồng do gia đình gom góp, cùng với sáu nhân viên… Áp lực lớn nhất là phải tìm kiếm được môi trường, phương thức làm việc, dịch vụ mới hoàn toàn. Để phát hành một tờ báo tận nhà là cả một giai đoạn dài khó khăn mà có lúc tôi tưởng chừng có thể bỏ cuộc, vượt qua cả sức tưởng tượng của mình. Bắt đầu với 10 khách hàng, rồi lên hai, ba chục, cho đến nay là 10 ngàn khách hàng… Cả tỉ chuyện khiếu nại xảy ra, nghe khách hàng “chửi” liên tục… Rồi mất tiền, mất người… Cho đến giờ này lại khởi nghiệp với dịch vụ bán sách tận nhà, thiết lập hệ thống phát hành sách toàn quốc, bán qua thư tín. Hai cung cách phục vụ khác nhau, đối tượng khác nhau, lại tiếp tục trả giá. Nhưng chính khách hàng đã dạy tôi rất nhiều bài học, hướng dẫn tôi làm thế nào để phục vụ tốt nhất
____
Chắc anh phải có rất nhiều mối quan hệ tốt với cơ quan công quyền, với các tỉnh, thành để có thể làm những bộ sách kỷ lục, du lịch liên quan đến nhiều dữ liệu phong phú và độc đáo?
Tôi nghĩ nếu mình có ý tưởng tốt, nếu mình làm đúng, có lợi ích cho đất nước, có quan hệ tốt… sẽ thuyết phục được mọi người.
____
Anh có bị nhiều đối thủ cạnh tranh, thậm chí “giật nợ” anh không? Anh có bị mất bạn, mất người thân vì cạnh tranh, vì công việc bao giờ chưa?
Nhiều! Nhất là khi lao vào đầu tư bản quyền sách. Thị trường sách hiện có quá nhiều đại gia, quá nhiều người giỏi, bắt buộc mình phải có một giải pháp, tìm lối đi riêng, làm sao không “đụng” đối tượng mà thị trường đã có. Việc tìm con đường đi riêng giúp tôi né tránh “mafia”, đánh hội đồng v.v… Thà trả giá, “chết” một mình, còn hơn phải giành con đường mà người khác đã làm. Ngược lại nếu việc gì mình làm mà người khác nhảy vô cạnh tranh là tôi bỏ. Tôi không có thời gian để chiến đấu này nọ. Tiền mất có thể lấy lại được, nhưng mất một người bạn, một đứa em thì khó mà kiếm lại. Tôi đã gặp những hoàn cảnh ấy, nó day dứt, khốc liệt lắm. Nhưng nếu mình tình cảm quá cũng khó mà sống được. Đôi khi phải có những quyết định lạnh lùng để bảo vệ mình, bảo vệ hệ thống… Phải biết bỏ qua nhiều thứ để sống, để thanh thản, để đừng bị mất bạn bè, người thân, để vượt qua áp lực. Nhìn tôi ai cũng bảo trên 40 rồi, tôi già hơn tuổi có lẽ là vì thế…
Tiền mất có thể lấy lại được, nhưng mất một người bạn, một đứa em thì khó mà kiếm lại. Tôi đã gặp những hoàn cảnh ấy, nó day dứt, khốc liệt lắm.
____
Ngày 1-8 vừa qua, Vietbooks, VTV1 và Tổng Công ty Phát hành sách Việt Nam vừa ra mắt chương trình Mỗi ngày một cuốn sách trong chương trình Chào buổi sáng, mục đích của anh là gì?
Một năm 47 nhà xuất bản cho ra đời cả chục ngàn cuốn sách, phải làm sao quảng bá cho người đọc. Có cầu nối mới bán được sách. Chúng tôi đang chuẩn bị phát động những chương trình như tìm kiếm những người sưu tập sách Việt Nam, tìm kiếm những tủ sách gia đình Việt Nam. Vietbooks cũng đang tìm kiếm và thể nghiệm rất nhiều mô hình, bản quyền sách Việt Nam, nhằm mục đích giải trí và cung cấp thông tin, như loại sách công cụ, vừa để bán được, vừa để lọt vào các thư viện quốc tế…
____
Niềm đam mê của anh với sách? Anh nghĩ gì về thị trường sách Việt Nam, về văn hóa đọc hiện nay?
Thế giới sách đối với tôi thật kỳ diệu. Từ nhỏ tôi đã lang thang đi mua sách cũ với cha tôi và nuôi ước mơ làm ra những bộ sách lớn, đầu tư những bản quyền sách. Sách là sự chia sẻ nội tâm nhiều nhất của tôi, giúp tôi tạo sự cân bằng trong cuộc sống. “Ngửi” được mùi sách cũng làm tôi tỉnh lại, tự tin hơn. Chọn con đường độc đạo, tức là phải trả giá nhiều hơn, tìm tòi thử nghiệm nhiều hơn và cần có thời gian. Tạo ra những bộ sách mới còn cực gấp năm mười lần việc xuất bản truyền thống như dịch thuật hay khai thác. Phải nghiên cứu nhu cầu của thị trường, đầu tư tài chính dài hơi, tổ chức nhân sự và biên tập giỏi… Nó đòi hỏi người lãnh đạo phải vất vả ngay từ khi chỉ là ý tưởng. Tôi thường nhìn thấy một lộ trình dài cho một cuộc chơi, chuẩn bị trước cho cái giá phải trả… Nếu thấy đầy đủ các yếu tố là phải làm ngay.
____
Nghề làm sách rất cần hai chữ thời cơ, đôi khi chưa đủ điều kiện anh có dám làm chưa?
Đúng vậy, thời cơ của bản quyền rất quan trọng, nếu mình không “chiếm đất trước, xây dựng sau”, thì người khác sẽ chiếm ngay, như bộ sách Kỷ lục Việt Nam chẳng hạn, phải chiếm đất trước, rồi xây dựng từ từ (cười). Nghề sách còn cần đến sự liều lĩnh, quyết đoán gấp nhiều lần so với phát hành. Làm phát hành nếu mất có thể làm lại được, đầu tư cho một bản quyền sách nếu mất, tính toán chưa tới, chưa đúng thời điểm, thì sự trả giá là vô cùng. Tuy nhiên nghề phát hành giúp tôi “ngửi” được những thông tin thị trường. Nếu nói không quá, chỉ nhìn qua một cuốn sách đã có thể biết được sách đó có bán được không, bán ở thị trường nào, bán được bao nhiêu bản. Thường quyết định đầu tư cho một cuốn sách đến với tôi rất nhanh. Nghề phát hành cũng như nghề làm báo, đào thải thảm khốc và đổi mới liên tục, để theo kịp các ấn phẩm, trong từng giai đoạn phải có cách tổ chức khác nhau. Trong giai đoạn hội nhập, các công ty Việt Nam phải đối đầu với các đối tác nước ngoài có tiềm lực, có kinh nghiệm, có trí tuệ… đòi hỏi người làm sách Việt Nam phải có tư duy mới. Phải hình thành những tập đoàn in ấn, xuất bản, phát hành đủ mạnh về tài chính và có khát vọng lớn mới không bị các công ty nước ngoài nuốt chửng. Họ đã chuẩn bị hết rồi, chỉ có mình là chưa chuẩn bị gì thôi. Cứ lo đánh phá lẫn nhau mà không nhìn đến cái lớn hơn. Cho dù các phương tiện thông tin phát triển tới đâu, thì văn hóa đọc, văn hóa viết vẫn tồn tại và phát triển. Quan trọng là phải xây dựng được thương hiệu cho từng bộ sách Việt Nam, làm những chiến dịch lớn để quảng bá cho từng cuốn sách. Marketing tốt sẽ giúp cho những người làm sách có thêm nhiều kênh phân phối hơn những kênh truyền thống đang có, nâng cao ý thức chuyên nghiệp. Người làm sách chân chính phải tạo ra xu hướng, đón đầu cơ hội, chứ không phải chỉ “luộc” sách, ăn cắp sách. Tư cách của mỗi người thể hiện rất rõ từ cuốn sách anh làm ra. Với sách, anh bộc lộ hết, không giấu được. Mình đối xử với sách như thế nào, cũng sẽ được đối xử lại như thế.
____
Một đòi hỏi nữa là cái tâm của người phát hành, để có thể vượt qua được lợi nhuận trước mắt, hướng tới lợi nhuận lâu dài?
Trên nguyên tắc, người phát hành và nhà sản xuất phải là người đồng cảm, chia sẻ những khó khăn, chung thủy với nhau, như những người cùng sinh ra một đứa con. Phải biết mình bán cái gì, bán cho ai. Nghề phát hành là nghề của những mối quan hệ, và giải quyết, dung hòa những mối quan hệ, chấp nhận cạnh tranh gay gắt và sáng tạo liên tục.
Ý tưởng là tài chính của thành công. Ai có nhiều ý tưởng thì tổ chức, cá nhân đó sẽ có nhiều cơ hội để phát triển.
____
Anh bắt đầu khởi nghiệp với Công ty Thiên Phát, có nghĩa là “trời cho”, anh nghĩ gì về chuyện “Trời cho”, chuyện may mắn, thất bại trong kinh doanh?
Tôi nghĩ doanh nhân nếu cứ làm bằng tài lực chính mình, cho dù có thất bại, có về “mo”, cũng vẫn có thể làm lại được. Ý tưởng là tài chính của thành công. Ai có nhiều ý tưởng thì tổ chức, cá nhân đó sẽ có nhiều cơ hội để phát triển. Tuy nhiên ý tưởng là cả một quá trình tích lũy từ những kinh nghiệm xương máu, những trải nghiệm cuộc đời, những mối quan hệ anh em bạn bè, từ tính cách của mỗi người đối với xã hội, và cả sự đón nhận của riêng mình với những ý tưởng mới như thế nào. Cho đến giờ, đối với tôi, thách thức chính là tổ chức thực hiện ý tưởng mới và chấp nhận thất bại.
____
Những buổi thức khuya dậy sớm, những thất bại triền miên, trả giá liên tục… đã thay đổi tính cách con người anh như thế nào?
Bản năng sinh tồn nhạy bén hơn, quyết đoán mạnh mẽ hơn và sự liều lĩnh càng giảm đi. Trong công việc tôi nóng nảy, quyết đoán bao nhiêu thì ngoài đời lại mềm mỏng, im lặng, chịu đựng bấy nhiêu, đó là cách tốt nhất để tồn tại. Càng thâm nhập vào thị trường, càng thấy yếu kém, phải học nhiều hơn. Trong kinh doanh, người giỏi nhất cũng chỉ dám khẳng định 50%, còn 50% còn lại là may mắn, duyên số, thời cơ, kinh nghiệm… không thể nói trước được một điều gì… Tôi có “gen” từ bà ngoại và mẹ, vốn là người làm nghề phân phối hải sản khô trên toàn quốc. Mẹ tôi thường dạy: “Đây là nghề phải cần cù, chịu khó, quyết tâm, “hết mồ hôi là hết tiền”, vừa cực thân vừa cực tinh thần, vừa nhạy cảm, “ăng ten” lúc nào cũng phải chĩa lên trời”. Từ bị mất báo, giật tiền, chiếm dụng vốn, các đối thủ tìm cách phá hệ thống phát hành… nhưng thất bại, cạn vốn cũng không sợ bằng khủng hoảng tinh thần. Tôi nghĩ tất cả mọi việc đều trở nên đơn giản nếu người ta biết chia sẻ công việc, chia sẻ lợi nhuận, biết cách đặt vấn đề và dám làm. May mắn là tôi có rất nhiều người hiểu được việc mình làm, ủng hộ hết mình. Tôi có một nhóm bạn gặp nhau ngoài cuộc sống, trong công việc làm ăn, chơi với nhau rất lâu. Khi thuận lợi thì cứ tiến, nhưng nếu ai gặp đau khổ, thất bại… sẽ ngồi lại với nhau để mổ xẻ và coi như chuyện của mình. Trong cuộc đời, những lúc thất bại là lúc cần nhau nhất, là lúc mình nhận chân ra những giá trị. Số tôi có những người bạn, người anh lớn tuổi không à, có lẽ vì họ dễ tha thứ, cho mình nhiều kinh nghiệm sống, cách hành xử cao thượng. Chính họ đã dạy tôi cách sống làm sao cho thanh thản, vẫn là mình, vẫn làm được nhiều việc cho tương lai…
____
Ngược lại làm thế nào để họ tin tưởng, coi anh như bạn? Anh nghĩ gì về những doanh nhân trẻ khi mới thành công?
Tôi rất kính trọng bạn, muốn gần gũi họ, học hỏi họ, lo lắng trong tất cả mọi cách hành xử với bạn bè. Đôi khi cũng thấy mình quá mệt mỏi, còn nhiều thiếu sót. Theo tôi, cái yếu nhất của doanh nhân trẻ hiện nay là cách ứng xử với đồng nghiệp, với nhân tình thế thái, điều này phụ thuộc vào nền tảng văn hóa, gia đình, vào vốn sống, kinh nghiệm thành công lẫn thất bại. Tôi nghĩ người may mắn nhất là người gặp thất bại nhiều nhất, bởi chỉ có vấp ngã mới giúp mình tìm đến sự chuẩn mực.
Tôi không thích kiểu “bạo phát bạo tàn”, mà muốn làm giàu một cách chắc chắn mặc dù biết là rất cực.
____
Anh quan niệm thế nào về tính hiệu quả?
Thuộc tính của doanh nhân là tính hiệu quả. Tuy nhiên mỗi người nhìn nhận hiệu quả khác nhau. Tôi thích một hiệu quả lâu dài. Công việc của tôi không thể giàu nhanh được, nhưng tôi biết chắc chắn nếu những thương hiệu sách của mình thành công, thì tôi sẽ rất giàu. Làm kinh doanh xuất bản và phát hành, nếu giàu nhanh sẽ phải trả giá tương ứng. Tôi không thích kiểu “bạo phát bạo tàn”, mà muốn làm giàu một cách chắc chắn mặc dù biết là rất cực. Ngay như bà xã tôi, người giúp tôi cai quản tài chính của công ty, người thân thiết nhất bên cạnh mình, rất thông cảm với những “ước mơ bay bổng” của tôi, mà không biết ước mơ đó sẽ tới đâu cho nên việc chịu đựng nhau là cực kỳ quan trọng. Có những lúc vợ chồng phải tự chiến đấu để bảo vệ lập trường. Nhưng có một điều hay là khi mình kiệt quệ nhất lại là lúc mình có những bước ngoặt, thay đổi được hẳn hoàn cảnh.
____
Anh nghĩ gì về câu nói xưa: “Cùng tắc biến, biến tắc thông”?
Kinh doanh không có điểm dừng, dù ở hoàn cảnh nào cũng tìm ra những con đường thoát, đó là bản chất của doanh nhân.
____
Anh đã cho phép mình được hưởng thụ cuộc sống, được chia sẻ sự hưởng thụ đó với vợ con mình chưa? Anh dành cho vợ con mình điều gì là quý giá nhất?
Cái mà tôi day dứt là đã bắt vợ chịu đựng quá nhiều trong cuộc phiêu lưu ý tưởng của mình. Thành công và thất bại vẫn còn ở phía trước, tôi chẳng xài sang bao giờ, vấn đề là phải tái đầu tư, chăm lo cho gia đình, cho nhân viên, cho cộng đồng, chia sẻ với bạn bè… đó là mơ ước của tôi. Cái tính lúc nào cũng hừng hực, cũng lao về phía trước như thế này thì chỉ có… già sớm (cười lớn), nhưng ngược lại tôi thấy mình được rất nhiều. Đời có hai chữ “phú-quý”, tôi được cả hai. Lợi nhuận của tôi là những cơ hội gặp gỡ không bao giờ cạn với tất cả mọi người.