Giữa tuần qua, Luật An ninh mạng đã được Quốc hội biểu quyết thông qua với 423 trong tổng số 466 đại biểu có mặt tán thành (tỷ lệ 86,86%); 15 đại biểu không tán thành; 28 đại biểu không biểu quyết. Luật có hiệu lực từ ngày 1-9-2019.
Luật này gồm bảy chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. An ninh mạng được định nghĩa là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bảo vệ an ninh mạng là phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm trong lĩnh vực này.
Đáng chú ý trong Luật này là Điều 8 quy định chi tiết sáu nhóm hành vi bị nghiêm cấm. Cụ thể, người dùng bị cấm sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi: Tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc…
Các hành vi như: thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác cũng bị cấm.
Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng,… đều nằm trong danh sách cấm của Luật.
Luật dành một chương với bảy điều quy định về phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng.
Điều 16 của chương này nêu, thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng, bao gồm việc “Kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, lôi kéo tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức gây mất ổn định về an ninh, trật tự”.
Cũng theo Điều 16, thông tin trên không gian mạng nghiêm cấm nội dung làm nhục, vu khống, bao gồm: Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác…
Tổ chức, cá nhân soạn thảo, đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung quy định tại một số khoản được nêu tại Điều 16, phải gỡ bỏ thông tin khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Luật An ninh mạng cũng có điều khoản ràng buộc doanh nghiệp nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam. Nội dung này được quy định tại Điều 26 của Luật. Theo đó, doanh nghiệp trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng.
Cùng với đó, doanh nghiệp phải cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng.
Doanh nghiệp trong và ngoài nước có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ.
Doanh nghiệp nước ngoài có liên quan đến lĩnh vực nêu trên được yêu cầu đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Những năm gần đây, an ninh mạng đã trở thành mối quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, khu vực. Các cuộc tấn công nhằm vào môi trường mạng phát triển nhanh chóng cả về hình thức và quy mô, có tính xuyên biên giới, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định, kinh tế và chính trị của các nước. Trong khi đó những nỗ lực nhằm cải thiện an ninh trên môi trường mạng còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là do thiếu thể chế pháp lý và năng lực bảo đảm an ninh mạng.
Trước những ý kiến trái chiều, đặc biệt là với câu hỏi liệu Luật An ninh mạng có ảnh hưởng đến quyền tự do ở Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định an ninh mạng là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, phù hợp với Hiến pháp Việt Nam và không cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Có ý kiến lo ngại sau khi Luật An ninh mạng được ban hành và có hiệu lực, liệu Facebook và Google có rời bỏ Việt Nam hay không, trên thực tế đến nay vẫn chưa có phản ứng nào của hai tập đoàn này.
Trong một diễn biến liên quan, Quốc hội đã hoàn thành chương trình làm việc 21 ngày của kỳ họp thứ 5 với nhiều nội dung quan trọng như thông qua bảy luật để tiếp tục thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phát triển kinh tế, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Cụ thể, Quốc hội đã thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước năm 2017 và tình hình thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2018.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016, trong đó, yêu cầu Chính phủ tăng cường chỉ đạo, có giải pháp tích cực để khắc phục những hạn chế, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý vốn đầu tư, nợ công và bội chi ngân sách, bảo đảm an toàn nền tài chính quốc gia.
Quốc hội cũng cho ý kiến về chín dự án luật khác, làm cơ sở để các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới.
Các dự án luật được xem xét, cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp đã được các vị đại biểu Quốc hội thảo luận, tranh luận thẳng thắn, có trách nhiệm, thể hiện chính kiến rõ ràng.
Đối với dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, trên cơ sở nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các tầng lớp nhân dân và cử tri, sau khi cân nhắc nhiều mặt, Quốc hội đã quyết định điều chỉnh thời gian thông qua dự án luật này từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp sau để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện, bảo đảm chất lượng, tính khả thi của dự án luật này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết.
Theo bà chủ tịch, hoạt động của Quốc hội ngày càng được cử tri và nhân dân quan tâm, theo dõi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, xây dựng. Quốc hội trân trọng lắng nghe, tiếp thu những ý kiến xác đáng để hoàn thiện, nâng cao chất lượng các luật, nghị quyết được thông qua.
Phát biểu trong phiên bế mạc, bà Kim Ngân nêu rõ: “Quốc hội biểu dương tinh thần yêu nước và sự quan tâm sâu sắc của nhân dân đến các vấn đề quan trọng của đất nước. Đồng thời, nghiêm khắc lên án những hành động lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật, kích động, quá khích, gây mất trật tự an ninh xã hội, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhân dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và hoạt động của các cơ quan, tổ chức”.