Hiện nay, nguồn thu nhập chính trong cơ cấu thu nhập của các ngân hàng vẫn là thu nhập từ lãi vay. Tuy vậy, sự tăng trưởng và tỷ trọng đóng góp trong cơ cấu có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng.
Tăng trưởng tín dụng năm tháng đạt 5,8%
Theo thông tin từ Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng trong năm tháng đầu năm nay đạt 5,8%. Như vậy riêng trong tháng 5, tín dụng có xu hướng tăng chậm lại so với tháng 4 (chỉ tăng 0,8%) và so với cùng kỳ năm 2017 (tăng 6,53%) thì mức tăng trưởng như trên cũng thấp hơn. Nhiều khả năng những định hướng gần đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên quan đến việc kiểm soát chất lượng tín dụng, tránh đẩy vốn vào những lĩnh vực mang tính đầu cơ cao và mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho cả năm nay được giới hạn ở mức thấp hơn (quanh 17% so với mức 18,17% của cả năm 2017) là nguyên nhân chính khiến tín dụng giảm tốc.
Tuy vậy, đi vào chi tiết của từng ngân hàng thì bức tranh tăng trưởng tín dụng có sự phân hóa khá rõ nét. Tại Vietcombank, tính đến 31-3-2018, cho vay khách hàng ở mức 568.031 tỉ đồng, tăng 6,3% so với đầu năm, trong khi tiền gửi của khách hàng có tốc độ tăng chậm hơn, đạt 3%, ở mức 730.986 tỉ đồng.
Tại ACB, kết thúc quý I-2018, tăng trưởng tín dụng đạt 6,6% còn huy động tiền gửi tăng 7% so với đầu năm. Với HDBank, tổng dư nợ đạt 110.990 tỉ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ 2017 và tăng 10,9% so với cuối năm 2017. Trong khi đó, kết thúc ba tháng đầu năm 2018, hoạt động tín dụng của Techcombank tăng trưởng khiêm tốn là 1,9%, nhưng vẫn mang về khoản lãi thuần 2.546 tỉ đồng, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2017. Còn VPBank, kết thúc quý đầu năm, dư nợ cho vay khách hàng đạt 185.629 tỉ đồng, huy động tiền gửi khách hàng đạt 143.121 tỉ đồng, tăng tương ứng 3,5% và 7,2% so với cuối năm 2017.
Đáng chú ý, hoạt động tín dụng tại một số ngân hàng còn ghi nhận mức tăng trưởng âm. Đơn cử, tại ABBank, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối quý I-2018 là âm 4,7% so với cuối năm 2017, dư nợ dừng ở mức 45.656 tỉ đồng. Eximbank có dư nợ cho vay khách hàng giảm 0,8%, xuống 99.499 tỉ đồng, tiền gửi của khách hàng giảm 4% so với cuối năm 2017, xuống 112.830 tỉ đồng. Theo đó, tổng tài sản tính đến cuối quý I của ngân hàng này giảm 3,8%, đạt 143.630 tỉ đồng.
Phân hóa trong cơ cấu nguồn thu
Sự phân hóa nguồn thu của các ngân hàng cũng tùy theo tỷ trọng của mức tăng trưởng. Cụ thể, thu nhập ngoài lãi ở nhóm ngân hàng nhỏ như KLB, EIB, LPB giảm nhẹ trong khi ở nhóm ngân hàng lớn như CTG, VCB, BIDV, ACB… lại có xu hướng tăng, điển hình nhất là tại BIDV với mức tăng trưởng mạnh hơn 34% trong quý I-2018. Hoạt động dịch vụ ghi nhận xu hướng khả quan của nhóm ngân hàng này được đóng góp bởi hai yếu tố: gồm mở rộng mảng dịch vụ và tăng phí dịch vụ. Thực tế, khá nhiều ngân hàng vẫn đang áp dụng mức phí chỉ bằng khoảng 30 – 50% mức trần cho phép của NHNN, thậm chí nhiều ngân hàng nhỏ miễn phí giao dịch. Do đó, dư địa để các ngân hàng tăng phí dịch vụ được đánh giá khá lớn.
Những ngân hàng có cơ cấu thu nhập ít phụ thuộc vào thu nhập từ lãi như ACB, MBB, STB hay VCB (tỷ trọng dưới 80%) sẽ ít bị ảnh hưởng hơn so với các ngân hàng khác một khi hoạt động cho vay của nền kinh tế gặp khó khăn. Tuy nhiên, qua báo cáo tài chính quý I-2018 của các ngân hàng sau kiểm toán, có một yếu tố cũng cần lưu ý trong kết quả kinh doanh ngành ngân hàng. Đó là tăng trưởng các nguồn thu từ kinh doanh chứng khoán, góp vốn, mua cổ phần đều rất cao. Đây là kết quả của việc lợi tức trái phiếu giảm thấp và thị trường chứng khoán tăng điểm trong quý I-2018.