Một số sinh viên vào đại học là để tiệc tùng. Một số khác muốn sống trong niềm vui của thế giới học thuật và những thư viện. Nhưng phần lớn sinh viên thì sao? Họ đến đó chỉ vì muốn tìm được một công việc tốt.
Thế nhưng, quá nhiều trường đại học, cao đẳng hiện không có chất lượng tốt và không đáp ứng được nhu cầu này. Tại Mỹ, thực tế này đang tạo ra một cuộc khủng hoảng nợ quốc gia trong khi khoảng cách giữa yêu cầu của nhà tuyển dụng và kỹ năng của người xin việc thì ngày càng tăng và trầm trọng hơn. Nhiều người bỏ ngang đại học nhưng vẫn mang nợ, nhiều người khó tìm được việc hoặc phải nhận những việc không tương xứng với bằng cấp và món nợ đeo đẳng họ.
Nhà khởi nghiệp Adam Braun nhìn thấy vấn đề này, rằng các trường đại học không có động cơ để tập trung vào đào tạo kỹ năng cho công việc. Adam Braun cũng cho biết vợ của anh, Tehillah Braun là một trong những người bỏ ngang chương trình đại học trong tình trạng “nặng nợ” (100.000 USD) và không có bằng. Chuyện của cô đã làm anh nhìn rõ hơn mức độ nghiêm trọng của vấn đề. “Tôi nghĩ đa số mọi người vào đại học với một quyết định tồi”.
Một con đường khác để bắt đầu đi làm
Công ty khởi nghiệp MissionU của Adam Braun ra đời vào năm 2017 là một gạch nối giữa phong cách học theo kiểu trại huấn luyện và giáo dục đại học truyền thống. Thay vì đưa ra bảng học phí cao ngất ngưởng, những sinh viên được nhận vào đây sẽ không phải trả học phí cho tới khi có việc làm và lương (ở mức 50.000 USD mỗi năm hoặc hơn) và sẽ trả 15% thu nhập trước thuế cho MissionU trong ba năm.
“Nếu sinh viên của chúng tôi không thành công, chúng tôi cũng không thành công”, Braun nói. Thành công trong trường hợp này là kiếm được một công việc không đòi hỏi kinh nghiệm về phân tích dữ liệu tại một trong những đối tác tuyển dụng của MissionU (các công ty như Casper, Harry’s, Lyft và Warby Parker).
Chương trình học của MissionU (www.missionu.com) được chia làm ba phần, hai trong ba phần này sẽ diễn ra qua lớp học ảo. Phần đầu dạy về các kỹ năng cơ bản như quản lý dự án, kỹ năng viết và làm việc tập thể. Phần kế tiếp đào sâu vào chuyên ngành của sinh viên và được dạy bởi những chuyên gia hiện (hoặc vừa mới) làm việc trong lĩnh vực đó. Sau cùng, sinh viên sẽ được chia thành nhóm nhỏ để tham gia thực tập, chủ yếu là tại các công ty nhỏ và tổ chức phi lợi nhuận đang có nhu cầu hoặc các công ty đối tác của trường.
Năng lực thì quan trọng hơn bằng cấp
“Chúng tôi phải dành nhiều thời gian để huấn luyện sinh viên – nhân viên mới những điều căn bản về cách làm việc, chẳng hạn như khi nào cần hợp tác, khi nào cần chủ động và thậm chí kiến thức cơ bản về thống kê”, Neil Blumenthal, đồng sáng lập viên, đồng CEO của Warby Parker nói. Warby Parker (chuyên bán kính mắt theo kê toa và kính râm) là doanh nghiệp tham gia góp ý cho giáo trình của MissionU và cũng là nhà tuyển dụng lứa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp chương trình này. Về lý thuyết, với những ứng viên tốt nghiệp từ MissionU, chi phí tuyển dụng và đào tạo cho các công ty như Warby Parker sẽ rẻ hơn.
Dựa vào góp ý của các doanh nghiệp đối tác về nhu cầu nhân sự của họ, trường sẽ định ra các chuyên ngành, tuyển giảng viên và định hình các bài học. Các đối tác sẽ cùng với MissionU phát triển những trường hợp điển hình trong kinh doanh có thể dùng để giảng dạy cho sinh viên và gửi các diễn giả khách mời, cố vấn (mentor) đến tham gia chương trình.
“Theo tôi, những mô hình tập trung vào đào tạo nghề như MissionU không phải là một bản cáo trạng đối với truyền thống giáo dục đại cương. Học cách tư duy luôn quan trọng. Nhưng nhìn chung các tổ chức giáo dục không theo kịp tốc độ thay đổi”, Blumenthal nói thêm.
Điều mà ngôi trường này thiếu là bằng cấp được công nhận chính thức, một tấm vé dài hạn cho con đường chuyên nghiệp. “Các chương trình thay thế cho giáo dục đại học như thế này có thể dạy cách làm việc nhưng lại không dạy sinh viên lý do làm việc và họ có nguy cơ trở thành những chiếc máy bay không người lái được trả lương cao. Đây có vẻ giống như một dịch vụ đào tạo cho nhà tuyển dụng với chi phí do người ứng tuyển chi trả”, Gardner Campbell, giáo sư Đại học Virginia Commonwealth nói.
Nhà sáng lập Adam Braun, người từng tốt nghiệp Brown University, cũng tin rằng giáo dục đại cương chắc chắn có một vị trí tuyệt vời trong xã hội. “Tôi chỉ không nghĩ rằng mọi người trẻ đều buộc phải cam kết quá nhiều tiền của vào đây. Tấm bằng cử nhân “đáp ứng mọi nhu cầu” đã không còn hiệu quả nữa và đây không phải là con đường duy nhất để bảo đảm có được một công việc. Sau hết, sự chứng nhận quan trọng nhất chính là công việc đầu tiên của bạn. Ngày nay, sinh viên vẫn có thể tìm hiểu về Shakespeare hoặc các môn khác một khi họ quan tâm và đã ổn định về nghề nghiệp”.
Trong nhiều thập niên, “đại học” đã là một cách tiện lợi để đánh giá chất lượng của người xin việc. Nhưng điều đó có lẽ đang thay đổi do hiện có quá nhiều đơn vị hoạt động giáo dục vì lợi nhuận có chất lượng thấp hoặc thậm chí là gian lận. Ngoài ra, thế giới ngày nay cũng đón chào những nhân vật danh giá từng bỏ ngang đại học như Mark Zuckerberg. Và đó có lẽ là một cơ hội rộng mở cho những startup như MissionU. Thực tế thì những chương trình với định hướng trở thành giải pháp thay thế cho giáo dục đại học như MissionU đã bắt đầu xuất hiện nhiều hơn ở Mỹ, có thể kể đến những cái tên như Holberton School ở California và Kenzie Academy ở Indianapolis.
Trong mùa tuyển sinh đầu tiên vào tháng 9 năm ngoái, MissionU chỉ chọn 25 sinh viên từ 4.700 đơn xin học; mùa tuyển sinh kế tiếp vào đầu năm nay đã nhận 50 sinh viên từ 10.000 đơn. Cho đến năm 2020, họ hướng tới mục tiêu tuyển mộ vài ngàn sinh viên. Và theo thông tin của tạp chí Fast Company, WeGrow, thương hiệu giáo dục của công ty tổ chức không gian làm việc chung WeWork vừa mua lại MissionU vào giữa tháng 5 này.