Sự bùng nổ của loại hình hàng không giá rẻ trong một thập niên gần đây khiến lợi nhuận của các hãng hàng không bị giảm mạnh. Tuy nhiên, dịch vụ cung cấp đường truyền internet trong chuyến bay đang được dự báo có khả năng đem lại cho họ khoản lợi nhuận khổng lồ, đặc biệt là khi đối tượng hành khách thuộc thế hệ Millenial – những người trẻ xem wifi là điều không thể thiếu trong cuộc sống – ngày càng chiếm đa số trong lượng khách bay khắp đó đây.
Cuộc cách mạng kết nối đang trên đà tiến triển mạnh. Vài hãng hàng không đã trang bị những hệ thống đường truyền dữ liệu tiên tiến trong chuyến bay nhằm phục vụ nhu cầu truy cập internet đang ngày một lớn.
Tuy nhiên, mức độ cung cấp dịch vụ này có sự khác biệt khá lớn giữa các hãng hàng không và chất lượng thì thường thấp hơn so với những dịch vụ tương tự dưới mặt đất. Chất lượng wifi trong chuyến bay có thể chậm hơn, chập chờn, trong khi giá dịch vụ vẫn còn đắt.
Nguyên nhân là do công nghệ mà các hãng hàng không đang sử dụng đã lạc hậu, không thể đáp ứng nhu cầu khi có hàng chục, thậm chí hàng trăm thiết bị di động kết nối trong cùng một thời điểm khi máy bay đang ở vận tốc khoảng 900km/giờ. Trong một cuộc khảo sát gần đây do Immarsat thực hiện đối với 9.000 hành khách, có đến 83% cho rằng họ sẽ bay với hãng hàng không nào có cung cấp dịch vụ wifi trên chuyến bay nếu có sự tương đồng về giá vé và tiêu chuẩn phục vụ.
Rất may, một sự thay đổi đang diễn ra khá nhanh trong ngành hàng không. Trong vài năm tới, ngành vận chuyển trên không sẽ chứng kiến một sự bao phủ và tăng trưởng mạnh mẽ của loại hình dịch vụ kết nối dành cho hành khách.
Nó không chỉ lôi kéo được hành khách, mà còn có khả năng đem lại cho các hãng hàng không lợi nhuận không nhỏ từ việc thu phí sử dụng dịch vụ, quảng cáo và bán hàng. Vì vậy, nhiều hãng bay và cả nhà sản xuất máy bay cũng đã bước vào cuộc đua.
Trong khi nhà sản xuất Airbus loan báo sẽ cung cấp những mẫu máy bay thế hệ mới với sự hiện diện của những hệ thống kết nối mới hoàn hảo hơn thì các hãng hàng không như Lufthansa hay Singapore Airlines cũng nhanh chóng giới thiệu dịch vụ cung cấp đường truyền kết nối đa dạng hơn trên các chuyến bay, còn Qatar Airways và Emirates dự định sẽ cung cấp dịch vụ đường truyền tốc độ cao trong thời gian gần nhất.
Lợi nhuận hấp dẫn từ việc cung cấp dịch vụ wifi trên chuyến bay có thể dễ dàng nhận thấy khi mỗi năm có đến gần 3,8 tỉ lượt hành khách có mặt trên các chuyến bay, trong khi hiện nay mới chỉ có chừng một phần tư số hãng hàng không trên toàn cầu cung cấp dịch vụ wifi trên chuyến bay. Bên cạnh đó, ngoài yếu tố tạo sự đa dạng hơn về các dịch vụ được cung cấp trong chuyến bay, sự hiện diện của những đường truyền kết nối còn giúp gia tăng sự hài lòng và gắn kết của hành khách đối với hãng hàng không.
Về mặt kinh doanh, inflight wifi trở thành một công cụ tiếp cận với khách hàng, khai thác quảng cáo và bán hàng rất hiệu quả. Việc hành khách được giữ kết nối với hãng hàng không liên tục trong nhiều giờ của chuyến bay thông qua inflight wifi là một cơ hội tuyệt vời cho các mục tiêu quảng cáo hay bán hàng. Không cần phải tìm hiểu, hãng hàng không biết chính xác đối tượng khách hàng đang nhắm đến thuộc tầng lớp nào, có nhu cầu ra sao đối với dịch vụ được cung cấp trong chuyến bay.
Theo dự đoán, việc cung cấp wifi cho hành khách trong chuyến bay có thể đem về khoản lợi nhuận từ quảng cáo cho các hãng hàng không lên đến 6,1 tỉ USD vào năm 2035. Trong khi đó, một phong cách bán hàng hoàn toàn mới sẽ thay thế cho lối bán hàng cũ thông qua sự hiện diện của những chiếc xe đẩy chứa các mặt hàng miễn thuế trên chuyến bay.
Sự hiện diện của inflight wifi sẽ mở rộng khả năng kiếm lợi nhuận cho hãng hàng không khi không còn bất kỳ giới hạn nào về sản phẩm hoặc dịch vụ cung cấp cho hành khách trong chuyến bay. Theo một tính toán gần đây của Retail Week, hành khách thường có khuynh hướng mua sắm nhiều hơn trong khoảng thời gian ngồi trên máy bay so với dưới mặt đất và con số chênh lệch có thể lên đến 2,64 tỉ USD, trong đó có cả việc mua sắm những mặt hàng miễn thuế, các chương trình giải trí với VR, dịch vụ đặt xe đưa đón, đặt phòng khách sạn, vận chuyển hàng hóa tận nhà, đặt bữa ăn tại nhà hàng…
Là một trong những ngành kinh doanh được cho là có phản ứng khá chậm đối với sự hiện diện của cuộc cách mạng về kết nối so với nhiều lĩnh vực khác mà nguyên do là những phức tạp về mặt kỹ thuật cũng như chi phí vận hành, nhưng với những tiềm năng về lợi nhuận và đáp ứng xu thế phát triển, các hãng hàng không thế giới sẽ có những nỗ lực đầu tư để inflight wifi không còn là một dịch vụ xa xỉ trên các chuyến bay, mà sẽ trở thành một tiêu chuẩn cơ bản trong chuỗi dịch vụ dành cho hành khách trong thời gian không xa.