Hơn 20 năm trong nghề, với đôi bàn tay tài hoa và trình độ thẩm mỹ, chị đã mang chút màu xanh của thiên nhiên vào khung cảnh chật hẹp của đời sống đô thị, giúp cho khách hàng có được những khoảnh khắc thư giãn thật tuyệt vời. Là một chuyên gia trong ngành thiết kế cây cảnh sân vườn, chị không chỉ nhận trang trí cho những ngôi biệt thự lộng lẫy, những sân thượng rộng rãi, những cao ốc đẹp đẽ, mà đặc biệt thích thú khi được giao phó chỉ một rẻo đất thừa trong ngôi nhà nhỏ, góc hẹp phía sau hè, hành lang lạnh lẽo trong căn nhà hình ống… để rồi thoắt một cái như có phép màu, chị mang đến một không gian tươi mát đầy nghệ thuật cho những nơi chốn khô khan ấy.
Khách hàng cũng như bạn bè đều quen gọi chị là Út Tài – tên của chồng chị nay đã trở thành một thương hiệu có uy tín trong nghề cây cảnh – mà ít ai còn nhớ đến tên thật Nguyễn Thị Thu Thanh của chị. Người phụ nữ năng nổ và xởi lởi này hồn nhiên kể với bạn bè rằng chồng chị thường nói: “Đáng lẽ em mang tên “Phát Thanh” mới đúng”. Chị cười vui vẻ: “Chẳng qua là vì tôi nói nhiều hơn ảnh”.
____
Bước khởi nghiệp của chị ra sao?
Tôi bước vào “cuộc chơi” này do hoàn cảnh đưa đẩy. Gia đình chồng tôi sống bằng nghề cây cảnh cha truyền con nối nhiều đời. Khi tôi mới về nhà chồng, không ai có ý nghĩ tôi sẽ tham gia vào chuyện làm ăn của gia đình vì vóc dáng tôi nhỏ nhắn và chỉ quen với việc văn phòng. Năm 1975, hoạt động của Hãng hàng không Việt Nam nơi tôi làm việc bị ngưng trệ, ngày ngày tôi đến văn phòng chỉ ngồi chơi, trong khi đó ngành cây kiểng cũng gặp cơn suy thoái, đại gia đình phải chia ra thành từng nhóm nhỏ chứ không thể giữ quy mô như trước và chồng tôi cũng nhận một phần như các anh em khác. Mặc dù là con nhà nòi, nhưng khi cơ ngơi mới tách ra, chồng tôi chưa quen tổ chức công việc và cũng không thể một mình cáng đáng hết mọi thứ. Vì vậy, tôi quyết định nghỉ việc để phụ giúp chồng. Đó là một bước ngoặt trong đời do cơ duyên đưa đến, nhờ yêu thích phong cảnh và cây cỏ mà tôi “nhập vai” khá dễ dàng.
Lúc bấy giờ đời sống kinh tế xã hội có nhiều khó khăn, dân kỳ cựu trong nghề không ít người bỏ cuộc. Riêng tôi ngay từ khi mới bắt tay vào đã cảm thấy say mê và tìm cách phát triển nghề nghiệp theo suy nghĩ riêng chứ không rập khuôn theo cách làm xưa nay của gia đình. Sau ba năm cật lực xoay sở, chịu đựng áp lực công việc nặng nhọc và vất vả trăm chiều, tôi đã đạt được những thành công bước đầu.
____
Thời buổi đó ai cũng bận tâm với chuyện cơm áo gạo tiền, làm sao chị “trụ” được?
Lúc ấy vẫn còn một thiểu số người tương đối sung túc mà lại không có thú tiêu khiển nào ngoài việc tìm vui trong thú chơi hoa kiểng. Tôi đáp ứng được nhu cầu của họ, nhờ đó mà có đồng ra đồng vào nuôi sống gia đình và tiếp tục theo đuổi niềm đam mê.
Người mang đến cho tôi cơ hội phát huy sở trường nghề nghiệp chính là nghệ sĩ cải lương Bạch Tuyết. Vào những năm đầu 1980, trong hoàn cảnh đất nước đang khó khăn nghèo khổ, ngay cả gạo còn không đủ ăn, thế mà một công ty dám thuê trang trí cây xanh trong nội thất và thiết kế khoảnh vườn trên sân thượng, đó chính là Công ty Imexco nơi ông Charles Đức, chồng nghệ sĩ Bạch Tuyết làm việc. Vợ chồng chị cũng bỏ một khoản tiền lớn nhờ tôi trang trí sân vườn ngôi biệt thự của họ.
Nghề dạy nghề, càng ngày tôi càng khẳng định về chuyên môn và rất may được nhiều khách hàng tin cậy với câu nói thường xuyên được nghe là “Chị Út làm sao cho… đẹp thì thôi”.
Chị nói về cái đẹp một cách say mê: “Đẹp cũng có nhiều vẻ: Có cái đẹp thanh nhã, cái đẹp hùng vĩ, cái đẹp mạnh mẽ, cái đẹp cổ kính, cái đẹp trang nghiêm, cái đẹp thô bạo, cái đẹp sặc sỡ và cả… cái đẹp lập dị”. Vì thế, trước khi bắt tay vào một công trình nào, chị phải xem xét địa thế, diện tích cụ thể của miếng đất cùng khung cảnh và cách thức xây dựng căn nhà. Điều tiếp theo – quan trọng hơn – chị phải nghiên cứu tính cách và sở thích của khách hàng thông qua việc bày biện trang hoàng nhà cửa cũng như thái độ của họ khi tiếp xúc với mình: Ý tưởng về một khu vườn hài hòa với cảnh quan và thích hợp với phong cách của chủ nhân hình thành từ đó. Cây cối cũng như con người, có loài thanh cao, yểu điệu thì cũng có thứ mạnh mẽ, tầm thường. Nếu cây tùng tượng trưng cho sự hùng vĩ thì cây trúc thể hiện cái đẹp thanh nhã, loài liễu thì yểu điệu mà hoa mai lại khả ái, dịu dàng. Về hương thì có hương nồng như lài, lại có hương tĩnh như lan. Do đó, việc sắp xếp mọi thứ đâu vào đó hầu mang lại cho người thưởng ngoạn một cảm giác hài hòa và phù hợp với bản chất của họ, đòi hỏi một trình độ cảm nhận nhạy bén.
Cây cối cũng như con người, có loài thanh cao, yểu điệu thì cũng có thứ mạnh mẽ, tầm thường.
____
Chị học ở đâu những điều thú vị ấy?
Tôi không được đào tạo qua trường lớp mà tự học bằng đủ mọi cách. Đi du lịch, đọc sách, xem phim – đặc biệt những phim phiêu lưu với nhiều hình ảnh đẹp trong thiên nhiên – đều là những cách bổ sung kiến thức thiết thực. Ngoài ra, tôi cũng học hỏi qua việc xem tranh, tiếp xúc với các văn nghệ sĩ, nghe âm nhạc, coi biểu diễn thời trang… Nói chung, tất cả những gì liên quan đến việc thưởng thức cái đẹp đều cần thiết và bổ ích cho nghề nghiệp của tôi, từ đó hình thành những ý tưởng sáng tạo.
Thiết kế sân vườn không chỉ đơn thuần là việc đặt cây này cây kia ở chỗ nọ chỗ khác mà là một công việc đòi hỏi óc tổ chức cao và kiến thức tổng hợp. Trước tiên, phải chú ý yếu tố sử dụng được lâu bền nhờ vào cách đặt mỗi chủng loại cây đúng với vị trí, hợp với môi trường để nó sống khỏe và tươi tốt. Điều này rất quan trọng vì nếu không có kiến thức về thực vật học, không hiểu đặc điểm sinh lý của từng loại cây thì chỉ một thời gian ngắn, cây kiểng sẽ bị suy thoái và hư hại.
Trong lĩnh vực nghệ thuật thì bản thân người thiết kế phải có cảm xúc, được tích lũy phong phú nhờ vốn sống với bao nhiêu yêu thương, giận hờn, hạnh phúc, đau khổ đã trải qua trong đời. Nhờ vậy mà có thể mang đến “cái hồn” cho một mảnh đất vô tri và từ đó sáng tạo những khoảnh sân vườn mang nét đẹp độc đáo, không cái nào giống cái nào. Cảm xúc đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành một sân vườn, nhất là với không gian mang bản sắc dân tộc phù hợp với sinh hoạt của người Việt. Có thể nói điểm chủ đạo trong nghệ thuật cây cảnh của tôi chính là sự tự do và phóng khoáng.
____
Còn phong thủy thì sao, chị có quan tâm đến không?
Có thể nói, hầu hết khách hàng đều yêu cầu tôi lưu ý đến vấn đề này, vì vậy bắt buộc tôi phải nghiên cứu và có những hiểu biết nhất định về phong thủy. Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ phong thủy không mang tính quyết định, mà quan trọng là khi xây dựng và bày biện nhà cửa phải tìm hiểu một cách khoa học các yếu tố về địa hình, địa chất, thổ nhưỡng, hướng gió, không gian và những điều kiện sinh hoạt để từ đó thiết lập một lối kiến trúc phù hợp với điều kiện sống và sức khỏe của từng gia đình. Đó chính là những điều kiện cơ bản giúp chúng ta có đủ sức khỏe và năng lực để phát triển việc làm ăn. Tôi biết có nhiều “đại gia” khi xây nhà hay trang trí nơi ở, nơi làm việc, nhất nhất đều phải xem phong thủy, vậy mà cuối cùng vẫn tán gia bại sản.
Thật ra bản thân cây cối không làm hại ai mà chỉ góp phần làm đẹp nếu đặt đúng nơi đúng chỗ. Cây đẹp đến đâu mà đặt vào vị trí bị che khuất, không có ánh sáng hay không có người thưởng thức cũng trở thành vô giá trị.
Cảm xúc đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành một sân vườn, nhất là với không gian mang bản sắc dân tộc.
____
Chơi cây cảnh chắc là tốn kém lắm và phải chăng đó là thú vui của người có tiền?
Hiện nay các gia đình trung lưu thông thường chi ra khoảng dưới 10 triệu để làm một vườn cảnh, các gia đình giàu có thì bỏ ra từ 20 đến 30 triệu cho khoản đầu tư ban đầu. Riêng các gia đình Việt kiều hay những doanh nhân trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, mức chi phí cho cả khu vườn rộng lớn của họ có thể lên đến vài ba trăm triệu.
Mặc dù mức cầu hiện nay tăng rất nhiều nhưng cung lại còn cao hơn vì nghề này không cần phải học nhiều mà lại ít vốn nên cạnh tranh khá gay gắt. Tuy nhiên, trong nghề trồng hoa kiểng nếu có điều kiện áp dụng khoa học công nghệ may ra còn có thể làm giàu, chứ còn với phương thức thủ công giỏi lắm chỉ ở mức tầm tầm thôi vì chịu nhiều rủi ro do ảnh hưởng của thời tiết và thị trường.
____
Có người nói, chị là người biến cây xanh thành cây vàng, chắc không sai?
Thật ra đó chỉ là một câu chuyện vui. Một người khách hàng sau khi tôi bàn giao công trình đã phải bán vàng để trả tiền nên nói đùa rằng, anh thật dại dột khi đổi những cây vàng để lấy một mớ cây xanh cùng với mấy tảng đá thô thiển của tôi. Cũng chính từ đó mà bạn bè đặt cho tôi biệt danh “người biến cây xanh thành cây vàng”. Đây là một niềm tự hào lớn lao cho tôi, khi cái nghề lao động tay chân vốn lam lũ, cực nhọc và vất vả của mình được mọi người nhìn nhận “có giá trị bằng vàng”.
Bạn bè đặt cho tôi biệt danh “người biến cây xanh thành cây vàng”. Đây là một niềm tự hào lớn lao cho tôi, khi cái nghề lao động tay chân vốn lam lũ, cực nhọc và vất vả của mình được mọi người nhìn nhận “có giá trị bằng vàng”.
____
Chị yêu cây cảnh, yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống. Còn niềm vui lớn nhất mà công việc mang lại cho chị là gì?
Trong quá trình làm việc, tôi may mắn gặp không ít tâm hồn đồng điệu, chia sẻ với nhau niềm say mê nghệ thuật lẫn quan điểm sống. Giữa chúng tôi có sự đồng cảm, các bạn tán thưởng công việc của tôi, ngược lại, tôi trân trọng nhân cách của họ và thế là từ mối quan hệ thuận mua vừa bán ban đầu, chúng tôi đã trở thành bạn bè thân thiết, tri âm tri kỷ. Đó là một niềm vui lớn, một hạnh phúc mà nghề nghiệp mang lại cho tôi.
Nhưng ngược lại, cũng có những người không thực sự quan tâm đến cái đẹp mà khi bỏ tiền ra làm sân vườn thật ra chỉ cốt phô trương sự giàu có. Một vài trường hợp cá biệt khách hàng tỏ ra coi nhẹ công việc của chúng tôi thì lập tức tôi từ chối không nhận lời cho dù tiền bạc lớn đến bao nhiêu chăng nữa.
Có lẽ sẽ thiếu sót nếu trong buổi trò chuyện này không nghe chị Út Tài thông tin về xu hướng chơi cây cảnh hiện nay. Theo chị, trước đây đa số những người có sân vườn chỉ trồng một ít hoa còn lại toàn là cây ăn trái để có thu hoạch. Nay thì trái lại, hầu như ít ai trồng cây ăn trái mà phần đông thích hoa lá cây cảnh. Nếu trước đây, các hòn non bộ trong sân vườn thường tạo dáng nho nhỏ có tính cách ước lệ thì nay nhiều người dành hẳn một không gian với chiếc cầu bắc qua suối, nước chảy róc rách mơn man trên những khối đá tảng được giữ nguyên dáng vẻ hệt như trong thiên nhiên.
Điều này hoàn toàn phù hợp với qui tắc xưa nay là nghệ thuật phải tự do, phóng khoáng và cái đẹp hoàn hảo nhất của một tác phẩm chính là ở chỗ gây cảm giác tự nhiên chứ không để lộ sự can thiệp của bàn tay con người.
Nhịp độ đời sống công nghiệp càng tất bật thì người ta càng có khuynh hướng trở về với thiên nhiên để tìm sự yên bình thanh thản. Sau một ngày quay cuồng hối hả trong những gian phòng đông đúc ồn ào, buổi chiều trở về nhà nếu được thả mình trong một không gian xanh mát tươi đẹp thì sẽ nhanh chóng phục hồi nguồn năng lực để ngày hôm sau tiếp tục công việc một cách khỏe khoắn và sung sức hơn.
Một danh sĩ Trung Hoa đã khái quát về nghệ thuật chơi cây cảnh sân vườn: Trồng hoa để mời bướm, chất đá để mời mây, trồng tùng để mời gió, trồng chuối để mời mưa, trồng liễu để mời ve. Rõ ràng giữa con người và thiên nhiên có một sự tương tác vô cùng chặt chẽ không thể tách rời.