Chị thường gây ngạc nhiên cho nhiều người trong lần đầu gặp gỡ. Ít ai hình dung được người phụ nữ xinh đẹp trông như chưa đến 40 tuổi ấy là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Văn hoá Phương Nam với 600 nhân viên và cơ ngơi khá đồ sộ: nhà in, hãng phim, phòng liên kết xuất bản cùng một hệ thống nhà sách tầm cỡ rải rác khắp đất nước từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Cần Thơ, Phan Thiết…
Chúng tôi hẹn ăn trưa tại Nhà hàng Khách sạn Grand ở đường Đồng Khởi, điểm gặp gỡ quen thuộc của những thực khách “cơm trưa văn phòng” 25.000 đồng cho một phần ăn, có cả xúp, xà lách với nước xốt, trà lipton, cà phê, cocktail, trái cây tráng miệng hoàn toàn miễn phí.
Chị đến cùng với Tú Bảo, cô con gái rượu mới lên mười. Từ xa chị đã nở nụ cười tươi tắn quen thuộc. Nhà hàng có một quầy bán bánh kem rất hấp dẫn, tôi ngỏ ý muốn đãi Tú Bảo, cô bé đưa mắt nhìn mẹ thăm dò. Chị giải thích:
– Cháu hơi dư ký nên tôi phải giám sát kỹ việc ăn uống, vì vậy chỉ được ăn khi nào mẹ cho phép.
Tôi thầm cho một điểm tốt, bởi vì rõ ràng không phải đứa con cưng nào cũng ngoan ngoãn và một mực vâng lời cha mẹ. Tôi cũng không nghĩ rằng một người hết sức bận rộn như chị lại theo dõi con cái sát sao đến như vậy, vì đã từng nghe chị than thở về áp lực công việc quá nặng nề của mình. Ngoài những chuyến đi con thoi trong lẫn ngoài nước để nghiên cứu thị trường, thương thảo, tham dự hội nghị, khi ở thành phố chị càng bận rộn hơn. Chỉ riêng việc phải đọc rất nhiều báo, xem băng, nghe dĩa, coi phim và đọc những quyển sách liên quan đến công việc của một đơn vị văn hóa đã ngốn bao nhiêu thì giờ trong ngày của chị rồi. Với thắc mắc đó tôi đi vào câu chuyện và muốn nghe chị nói về mối quan tâm hàng đầu trong cuộc sống.
– Ngoài niềm say mê công việc, điều tôi bận tâm nhất hiện nay là việc giáo dục con – chị Phan Thị Lệ nói như vậy – Vợ chồng tôi đều là doanh nhân, cơ ngơi của chồng tôi ở tận Đà Nẵng nên chúng tôi giống như “vợ chồng ngâu”, cuối tuần mới có dịp gặp nhau. Hai chúng tôi chỉ có duy nhất một đứa con gái, cuộc sống vật chất khá thoải mái nên có điều kiện thỏa mãn những gì con ao ước, nhưng cũng có một nỗi lo âu canh cánh bên lòng.
Hóa ra chị vẫn bị ám ảnh về “hội chứng con một” mà báo chí thường xuyên đề cập đến gần đây. Một vị lãnh đạo cũ của chị có đứa con trai duy nhất, tuy mới lên mười nhưng mỗi lần điện thoại vào cơ quan cậu bé đều nói một cách dõng dạc: “Tôi là T., con của giám đốc, tôi muốn nói chuyện với ba tôi”. Có thể đó là quan niệm của cha mẹ cháu muốn cho con có phong cách chững chạc ngay từ nhỏ, hoặc cũng có thể cháu để ý cách thức nói chuyện của người lớn trong nhà rồi bắt chước theo.
Ấy vậy mà điều này gây cho chị một ấn tượng không hay và rút kinh nghiệm từ đó chị chú ý dạy con mình cách nói năng nhẹ nhàng phép tắc, hợp với lễ nghĩa của phương Đông hơn. Ngay cả bạn bè chung quanh chị cũng có nhiều người rất khổ tâm vì đứa con một của mình. Một đồng nghiệp thân thiết của chị dù công việc thật đa đoan nhưng hàng ngày đều phải thu xếp thì giờ để đưa đón đứa con trai độc nhất đi học mặc dù cháu đã lên lớp 10, bởi vì hầu như hôm nào mẹ không đón thì y như rằng cậu bé lại bỏ đi chơi không về nhà. Tất nhiên cũng có nhiều đứa trẻ con một của gia đình sung túc vẫn rất ngoan ngoãn, nhưng chính những “tấm gương” một vài trẻ khó bảo làm chị lo ngại mà nếu không uốn nắn con ngay từ nhỏ thì có nguy cơ phải khổ về sau. Chị cười nói:
– Chính vì vậy mà đôi khi tôi bị rơi vào tình trạng cực đoan là hơi quá nghiêm khắc với con. Dạy dỗ Tú Bảo đối với tôi là một việc nặng nề cũng ngang bằng với việc quản lý công ty.
Tôi chú trọng hướng dẫn cho con có được một tính cách độc lập nhưng đồng thời vẫn giữ nề nếp gia giáo phải có ở một thiếu nữ Đông phương như dịu dàng, kín đáo.
Thế là câu chuyện trong bữa ăn trưa gần như xoay quanh đề tài về cô con gái. Ngoài thì giờ dành cho công việc, thời gian còn lại chị tập trung chú ý lo cho Tú Bảo. Cô bé có hai vấn đề khiến mẹ bận tâm. Thứ nhất là cháu khá tròn trĩnh, vì vậy ngoài việc theo dõi chuyện ăn uống chị phải cho con tập thể dục để giảm cân. Trừ khi bận việc đột xuất hay phải đi công tác xa, hầu hết các buổi chiều hai mẹ con đều đến Câu lạc bộ Lao động để tập thể dục. Tú Bảo còn ở trong độ tuổi chưa quan tâm đến ngoại hình, vì vậy cô bé không hề thích thú việc phải đi tập thể dục hàng ngày, chị phải vừa động viên con gái vừa kiên nhẫn giải thích cho con hiểu. Còn vấn đề thứ hai? Chị cho biết:
– Tôi chú trọng hướng dẫn cho con có được một tính cách độc lập nhưng đồng thời vẫn giữ nề nếp gia giáo phải có ở một thiếu nữ Đông phương như dịu dàng, kín đáo. Con tôi theo học một trường quốc tế nên tôi cho cháu học thêm ở nhà môn tiếng Việt. Chồng tôi nhờ một em sinh viên kèm cặp việc học cho con, nhưng do tuổi đời còn trẻ nên các em sinh viên không đáp ứng được một yêu cầu hơi cao của tôi là dạy cả cái “nết” cho Tú Bảo cùng với việc dạy chữ. Đó là chưa kể các em không đủ uy để học trò sợ mà chỉ có cách mua bánh kẹo để “dụ” cô bé, thậm chí một vài em còn kể chuyện… tiếu lâm cho học trò khỏi buồn chán. Cuối cùng tôi may mắn tìm được một cô giáo đứng tuổi đồng ý một tuần ba buổi đến kèm cặp cho con tôi.
Ngoài chồng con thì bạn bè là một nhu cầu không thể thiếu và chị có những người bạn thân thiết hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nên có cùng một mối quan tâm và dễ dàng chia sẻ niềm vui nỗi buồn với nhau. Chị tâm sự:
– Cuộc đời tôi may mắn không trải qua quá nhiều gian truân, nhưng cũng có những lúc gay go trong cuộc sống đời thường lẫn công việc tưởng chừng khó vượt qua được. Những lúc ấy bạn bè chính là nguồn động viên tinh thần lớn lao và là một sự trợ lực quan trọng giúp tôi đứng vững.
Những ngày cuối tuần họ cùng nhau ăn sáng, không chỉ với nhau mà cả chồng con của họ. Trong khi người lớn trò chuyện thì những đứa con cũng hàn huyên tâm sự. Chị nghĩ rằng quan hệ bạn bè mở rộng như thế thật là tuyệt vời.
Cuộc đời tôi may mắn không trải qua quá nhiều gian truân, nhưng cũng có những lúc gay go trong cuộc sống đời thường lẫn công việc tưởng chừng khó vượt qua được… tôi không phải là người dễ xiêu lòng vì một lời tán tỉnh.
—
Có khi nào chị đi xem bói hay tử vi không?
Tôi tin rằng mỗi người đều có một phần số, tuy nhiên tôi lại không đi xem bói hay lấy số tử vi vì không muốn những điều đó tác động đến suy nghĩ hay làm ảnh hưởng đến công việc của mình.
Có lẽ hầu hết doanh nhân đều phải “chung sống với stress” và tình trạng này biểu hiện ở mỗi người một cách khác nhau. Một đồng nghiệp của chị cho biết mỗi khi thấy người bỗng như lên cơn sốt, mồ hôi toát ra đầm đìa thì biết ngay đó là dấu hiệu của stress và phải lập tức ngưng công việc ngay. Bản thân chị có thời kỳ do áp lực công việc quá căng thẳng đã trở nên dễ nổi nóng. “Kể ra cũng không hay, những lúc như vậy các cộng sự trong cơ quan đều e ngại phải làm việc trực diện với tôi có lẽ vì đôi khi tôi bày tỏ sự khó chịu về những lời nói nghịch ý mình”. Chị cười như muốn bào chữa.
—
Theo chị, tại sao doanh nhân dễ bị stress?
Bởi vì việc kinh doanh không phải lúc nào cũng mang lại cảm giác an toàn. Chẳng hạn như tôi vẫn luôn e ngại những rủi ro khó lường của thương trường, mặc dù tôi hầu như kiểm soát được mọi việc.
—
Mỗi người có một cách riêng để giảm stress, với chị thì:
Đi chợ, mua sắm và nấu ăn là phương cách tôi áp dụng để tạm quên công việc và là những giờ phút thư giãn cần thiết đối với tôi. Những ngày cuối tuần tôi vui sướng đi một vòng siêu thị, lễ mễ mua đủ thứ thức ăn và loay hoay cả ngày trong bếp để chuẩn bị cơm nước rồi “ới” vài người bạn thân đến chơi. Tôi nấu ăn có khi ngon khi dở, nhưng một điều tôi luôn luôn giữ được là bầu không khí vui vẻ êm đềm mà vợ chồng con cái và bạn bè cùng nhau thưởng thức trong bữa ăn tối. Đó là những giờ phút thú vị nhất trong cuộc sống của tôi.
Nói xong chị lại cười. Tôi hỏi một câu bất chợt:
—
Chị có nụ cười rất rạng rỡ. Đã có đồng nghiệp nam nào hay một ai đó tán tỉnh chị vì nét đẹp này không?
Phan Thị Lệ tự tin: Một đôi khi. Nhưng tôi không phải là người dễ xiêu lòng vì một lời tán tỉnh.
Lại một nụ cười rạng rỡ…
Địa điểm: Nhà hàng Grand 8 đường Đồng Khởi, điểm gặp gỡ quen thuộc của những thực khách là nhân viên các công ty
Thực đơn ăn trưa: “Cơm trưa văn phòng” 25.000 đồng cho một phần ăn, có cả xúp, xà lách với nước xốt, trà lipton, cà phê, cocktail, trái cây tráng miệng hoàn toàn miễn phí.