Với cách làm như hiện nay, các chuyên gia khẳng định, dù thành phố có huy động được cả trăm nghìn tỉ đồng cũng không hết ngập.
Sài Gòn vào mùa mưa nửa tháng nay, tình trạng ngập diễn ra thường xuyên khiến người dân luôn nơm nớp lo sợ mỗi khi ra đường. Hôm 19-5, trận mưa có vũ lượng gần 120 mm đã khiến 32 tuyến đường khắp các quận huyện biến thành sông. Có nơi nước sâu gần một mét, lút yên xe và kéo dài trong nhiều giờ.
Trong khi đó TP.HCM đã tập trung chống ngập từ 20 năm trước. Đây là nơi đầu tiên và duy nhất trong cả nước có Trung tâm chống ngập – cơ quan chuyên trách việc chống ngập. Tuy nhiên, thành phố đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng tình trạng ngập vẫn chưa cải thiện. Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, song chủ yếu do thiếu vốn nên các công trình chưa hoàn thiện.
Quy hoạch lạc hậu
Theo kỹ sư Vũ Hải – người có hơn 50 năm công tác trong lĩnh vực cấp thoát nước (nguyên giảng viên ĐH Bách khoa và ĐH Xây dựng Hà Nội), với cách làm hiện nay, thành phố nếu có huy động được số tiền rất lớn cũng không thể hết ngập, mà phải thay đổi tư duy mới mong hiệu quả.
Ông Hải cho rằng, thành phố cần phải lập quy hoạch tổng thể thoát nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, bởi 3 quy hoạch thoát nước thành phố đang triển khai đều đã lạc hậu.
Cụ thể, Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 được Chính phủ phê duyệt 4 năm trước có quy hoạch nước mưa và nước bẩn nhưng chưa đồng bộ vì không kết hợp với quy hoạch thủy lợi chống ngập do triều. Đây cũng không phải là quy hoạch chuyên ngành nên còn sơ sài và hạn chế.
Quy hoạch tổng thể thoát nước TP.HCM đến năm 2020 (quy hoạch 752) do JICA (Nhật Bản) lập từ năm 1997-1998, duyệt năm 2001, là quy hoạch chuyên ngành đang chỉ đạo công tác thoát nước mưa và nước thải của thành phố. Tuy nhiên, hiện không còn phù hợp vì chỉ còn 3 năm là hết hạn, trong khi thành phố mới thực hiện được khoảng 28% khối lượng công việc. Các tài liệu, số liệu dùng để lập quy hoạch này đã thay đổi.
Bên cạnh đó, quy hoạch này cũng chưa đề cập đến vấn đề chống ngập do triều, biến đổi khí hậu khiến nước biển dâng và sụt lún do khai thác nước ngầm quá mức. Đó là chưa kể kinh phí đầu tư theo quy hoạch này quá lớn, khó hoàn thành.
Còn Quy hoạch thủy lợi chống ngập do triều cho TP.HCM (quy hoạch 1547) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lập, Chính phủ phê duyệt năm 2008, lại chỉ chú trọng việc chống ngập do triều, chưa chú ý đến yếu tố mưa lớn và xả lũ. Chi phí đầu tư cho dự án cũng quá lớn, khối lượng công trình nhiều, thời gian kéo dài nhưng phạm vi phục vụ lại hẹp…
“Để cấp bách chống ngập, TP.HCM cần lập bản đồ số hóa hiện trạng hệ thống thoát nước thành phố. Đây là tài liệu rất quan trọng, công cụ đắc lực cho công tác quản lý, thiết kế, thi công, quy hoạch hệ thống thoát nước cũng như biết rõ và dự báo về tình hình ngập lụt để có biện pháp khắc phục kịp thời”, ông Hải nói.
Vấn đề này, theo ông Hải, từ năm 2015 Trung tâm chống ngập đã triển khai nhưng chỉ mới ở một số quận nội thành và chưa biết khi nào mới xong. Thành phố cần hoàn thành việc này ngay trong năm để phục vụ công tác chống ngập.
Về lâu dài, ông Hải cho rằng thành phố nên lập hội đồng khoa học thẩm định cách tính toán thiết kế các dự án chống ngập. Không nên gộp chung nước mưa và nước thải để xây dựng các nhà máy xử lý tập trung lớn mà phải phân tán ra…
“Thành phố nên đấu thầu rộng rãi để tư nhân tham gia thực hiện các dự án chống ngập. Đơn vị nào thực hiện không hiệu quả, có thể xử lý. Còn nếu chỉ giao cho các đơn vị nhà nước như hiện nay thì không biết ai chịu trách nhiệm”, ông Hải nói.
Thành phố cần “nhạc trưởng” chống ngập
TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn (chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch) cho rằng, thành phố cần nhìn vào thực tế, các công trình chống ngập theo các quy hoạch chỉ giải quyết một số khu vực, nên dù có tiền làm tất cả các dự án đó cũng không thể đảm bảo hết ngập. Bởi việc chống ngập không hoàn toàn phụ thuộc vào các công trình như đê, cống thoát nước hay hồ điều tiết vì có nhiều khu vực cao vẫn ngập do bị bê tông hóa, nước không còn lối thoát hoặc có thể do quy hoạch, quản lý sai lầm.
“Chống ngập đòi hỏi phải có một chiến lược tổng hợp, đa ngành trong khi thành phố đang làm lẻ tẻ, cục bộ và vẫn đang ở mức đối phó, thấy ngập chỗ nào thì giải quyết chỗ đó. Làm như lâu nay, ngập chỉ chạy từ chỗ này sang chỗ kia chứ không thể hết”, ông Sơn nói.
Theo ông, việc chống ngập ở TP.HCM cần phải có một “nhạc trưởng” ở cấp cao hơn cấp giám đốc Sở, vì việc này cần sự hợp tác của nhiều sở ngành. Hiện, thành phố có một Phó chủ tịch phụ trách đô thị nhưng đang gánh quá nhiều việc, không thể tập trung vào công tác này. Do đó cần có một người đóng vai “nhạc trưởng” chỉ lo chuyện ngập nước và kẹt xe mới mong giải quyết được.
“Ngập đô thị là vấn đề đa ngành gồm: quy hoạch, quản lý đô thị, giao thông, xây dựng, nhưng thành phố đang giao hết trách nhiệm cho Trung tâm chống ngập là chưa đúng. Giám đốc Trung tâm này chỉ ngang tầm Giám đốc Sở thì không thể nói ông sở nghe được”, ông Sơn nêu quan điểm.
“Cần chấm dứt tình trạng cứ ngập là quy trách nhiệm cho Trung tâm chống ngập. Không phải cứ lập lên một trung tâm chuyên chống ngập thì sẽ có “chiếc đũa thần” giúp thành phố hết ngập. Thật ra, trung tâm này chỉ là một đơn vị phụ trách hạ tầng thoát nước và đây chỉ là một phần nhỏ của việc chống ngập”, ông Sơn nói.
– Theo Vnexpress