Trở lại miền Tây lần này đã thấy có nhiều đổi thay đáng mừng như phố xá đông vui, nhà cao cửa rộng, đường sá sạch đẹp hơn xưa… Thế nhưng những kẻ “hoài cổ” không khỏi có chút ngậm ngùi!
Cả một đoạn đường dài dằng dặc dọc theo bờ những “con kênh xanh xanh” hằng mấy chục cây số mà chỉ còn lác đác vài cây cầu khỉ… thứ thiệt, còn lại đều đã được bê-tông hóa cứng đơ, cứng ngắc.
Thật khác xa với hồi xưa là hàng loạt những chiếc cầu khỉ thơ mộng nghiêng mình soi bóng xuống dòng kênh. Thay vào đó giờ là những chiếc cầu bê-tông, có chiếc cong vút như cánh cung mà hẹp té, không có tay vịn, người già đi lại cũng rất khó khăn… Nghe nói thỉnh thoảng xe gắn máy bay vèo qua cầu, lọt tõm xuống nước vì say xỉn… Bỗng thấy một vài xe du lịch… dừng lại bên cầu khỉ, rồi Tây balô, Ta balô, lũ lượt tranh thủ chụp mấy tấm hình kỷ niệm.
Với những người xa quê đã lâu, nay trở lại thăm nhà thì đây là những kỷ niệm của một thời thơ dại, mai mốt chẳng còn. Thế nhưng nghe đâu người chủ nhà của vài chiếc cầu khỉ quý hiếm này đã cố tình giữ lại để làm… du lịch. Thật là một “ý tưởng kinh doanh” độc đáo! Trong khi nhà nhà dọc bờ kênh đã và đang bê-tông hóa mọi thứ thì chủ nhân nhà này… bắt chước các khu di tích, khu phố cổ, ráng giữ chút nét đẹp xưa của một vùng đồng bằng sông nước.
Ngay tại Thành phố Hồ Chí Minh, khu du lịch Bình Quới Thanh Đa cũng đã có sáng kiến dựng lại mấy cây cầu khỉ (to đùng, trông giống cầu… voi hơn!) nhưng không ít khách Tây-Tàu, Nhật-Mỹ, Việt kiều… đua nhau qua lại chụp hình.
Vừa qua, Bình Quới cũng đã tổ chức rất thành công những buổi “về vườn” tuyệt vời, giúp người ta sống lại tuổi ấu thơ với bao nhiêu là trò chơi quê mùa, bao nhiêu là thức ăn dân dã. Có một đổi thay… đáng tiếc khác – cũng hơi khó nói một chút – là thấy đã mất đi những chiếc cầu… tiêu trên sông rạch!
Cả một vùng sông nước mênh mông đó, từ thuở những lưu dân đầu tiên đi mở cõi đã có sáng kiến tạo ra một dạng cầu tiêu thích hợp với môi trường và sức khỏe, một “kỹ thuật học thích hợp” (appropriate technology) được lưu truyền bao thế hệ – đi cả vào ngôn ngữ, ca dao… (miền Bắc, người ta đào một cái hố, nên gọi là “hố xí”; miền Trung gọi “đi đồng”; còn miền Nam thì nhất định… “đi cầu”, bởi chỉ có cầu mới phù hợp với môi trường, từ đó mới có “cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi”, rồi “khó đi mẹ dắt con đi”…) – mà nay mất đi sao lại không đáng tiếc?
Kiểu cầu trên ao, trên kênh rạch, lộ thiên, chỉ che chắn một phần thấp bên dưới còn giúp người ta hưởng thú trăng thanh gió mát, nhàn nhã ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên, hít thở không khí trong lành của một vùng quê yên ả, tưởng không dễ mà quên!
Có lần, ghé một quán bên đường giữa đêm trăng thượng tuần, nghe ở bờ ao rôm rả tiếng nói cười. Thì ra có người không vì có nhu cầu mà cũng đi cho có bạn! Lại nghe ở vùng xa kia, bên vệ đường, gần trường học, buổi tan trường về, thầy cứ phải gật gù chào đáp các trò nhỏ qua lại lễ phép trình thưa.
Nghe có đoàn quay phim nọ, một diễn viên nổi tiếng bị kẹt không sao đứng lên được vì đám con nít ái mộ bám theo! Một nghiên cứu ở một vùng quê Ấn Độ trước đây cho thấy, một phần ba số người được hỏi trả lời thích đi tiêu ngoài đồng vì thoáng mát và sạch sẽ, vì… không có mùi hôi, và cho rằng chỉ những người bệnh và sản phụ mới cần đi tiêu trong nhà. Thay đổi một tập quán không dễ vậy!
Ngày nay kinh tế phát triển, kỹ thuật xây dựng tiến bộ, không còn sợ nước ngập, nước lũ, thì cầu tiêu trên ao, trên sông rạch biến mất là phải, môi trường và cảnh quan nhờ thế mà sạch đẹp hơn. Thế nhưng cũng còn thấy ở một điểm du lịch sinh thái, người ta có sáng kiến giữ cả hai loại cầu cùng lúc, dĩ nhiên là có hệ thống đảm bảo vệ sinh đâu đó đàng hoàng. Muốn “thưởng thức” cảm giác sảng khoái của cầu lộ thiên, khách du lịch dĩ nhiên cũng phải mua vé đàng hoàng đâu đó.
Hẹn thư sau. Thân mến.