Mua sắm là một trải nghiệm cảm xúc, mọi người mua những thứ giúp cho bản thân và người thân yêu cảm thấy vui hơn. Nói cách khác, chúng ta mua sắm vì một trải nghiệm chứ không phải vì một món hàng cụ thể nào đó.
Trong bán lẻ, phong thủy tốt nghĩa là tạo nên năng lượng mang lại cảm giác thoải mái, một không gian tuyệt vời và phù hợp với mục đích sử dụng. Khách hàng không cần có kiến thức về phong thủy nhưng họ vẫn có thể nhận ra năng lượng xấu hay tốt và phản ứng theo nguồn năng lượng đó.
Năng lượng tích cực của nơi bán hàng sẽ giúp thu hút khách, tạo nên trải nghiệm đặc biệt mà khách hàng đang tìm kiếm, nhờ thế, giúp bán được nhiều hàng hơn và tâm trạng của những người làm việc trong môi trường đó cũng tốt hơn.
Năng lượng của một cửa hàng sẽ được cảm nhận trước cả khi khách quyết định bước vào bên trong. Vì thế, phong thủy nên được ứng dụng ngay từ bên ngoài cửa hàng để tạo một cái nhìn dễ chịu và thu hút ngay từ lối vào trước cửa hàng và cả môi trường kế cận.
Sau đây là một số “mẹo” cơ bản để tạo phong thủy tốt cho một không gian bán lẻ.
Đầu tiên, hãy bước ra bên ngoài cửa hàng và quan sát lối vào chính: nhìn vào bảng hiệu, khu trưng bày ở cửa sổ và xung quanh cửa hàng. Cửa hàng có nổi bật hay bị lẫn vào chung quanh? Nếu đây là lần đầu tiên nhìn thấy cửa hàng này, liệu khách có muốn bước vào? Nếu câu trả lời là “Không” thì đâu là lý do?
Để tạo một dòng chảy năng lượng mạnh mẽ cho khu vực lối vào thì bảng hiệu cần sinh động, sạch sẽ, rõ ràng, còn khu trưng bày ở cửa sổ phải sáng sủa, tươi tắn và sử dụng màu sắc hài hòa, phù hợp với định hướng phong thủy ở cửa chính.
Khi bước vào bên trong cửa hàng, khách sẽ chú ý đến điều gì trước tiên? Câu trả lời sẽ giúp chủ nhân hiểu được rằng năng lượng đang đi về đâu. Khách sẽ chú ý đến phía bên phải hay phía trái? Hay có lẽ khách không muốn bước vào dù cửa hàng có nhiều món rất đẹp?
Điều quan trọng là cần tạo ra những lối lưu thông cho năng lượng phong thủy, cần định hướng luồn năng lượng để tạo ra cảm giác dễ chịu và thu hút khách tiến sâu vào bên trong, giúp họ tự khám phá những món hàng.
Hãy tưởng tượng năng lượng phong thủy cũng giống như dòng nước và hãy xem nước có thể chảy về đâu cũng như bị cản trở ở chỗ nào.
Và cần tránh những lỗi thường gặp trong phong thủy của không gian bán lẻ. Chụp vài tấm hình của khu vực lối vào (cả bên ngoài và bên trong cửa), rồi xem kỹ những tấm hình này và chú ý những vật dụng xấu cho phong thủy mà có thể đã hiện diện đâu đó như thùng rác (có thể nhìn thấy dễ dàng), dây điện lộ ra ngoài, v.v…
Ngoài ra, còn một số thứ không tốt cho phong thủy và nên tránh như: gương đặt ngay lối vào, cửa sau trực diện với cửa trước, sử dụng ánh sáng trần gây chói mắt, khó chịu cho khách hàng, không khí có mùi lạ, ẩm mốc hay cũ kỹ.
Tạo một tiêu điểm chính và vài tiêu điểm phụ hay những khu trưng bày bắt mắt để thu hút khách tự khám phá cửa hàng. Ngay từ lúc khách bước vào bên trong cửa hàng, họ phải nhìn thấy rõ các khu trọng tâm này. Nếu cửa hàng là một không gian lớn bao gồm nhiều khu thì có thể cân nhắc tạo một tiêu điểm cho từng khu. Còn nếu đây là một cửa hàng nhỏ thì chỉ sử dụng một khu trưng bày chính cho toàn bộ cửa hàng.
Nên đặt bàn tiếp tân hay quầy thu ngân ở một vị trí mạnh về phong thủy hay còn gọi là “vị trí quyền lực”, thường nằm chéo với lối vào.
Tên của cửa hàng nên được đặt ở chỗ cao và sáng. Nếu muốn khách nhớ đến và trở lại thì họ cần biết tên của cửa hàng. Loay hoay trong một cửa hàng để rồi không biết mình đang ở đâu (ủa, tôi đang mua hàng của ai đây?) thì cũng là một dạng “phong thủy tồi”.
Tạo năng lượng tốt trong cửa hàng và giữ cho năng lượng luôn tươi mới. Mọi người mua sắm dựa vào cảm xúc. Và “một nguồn năng lượng đang chuyển động” chính là định nghĩa phong thủy về mặt cảm xúc. Hãy chú ý đến chất lượng không khí, ánh sáng, âm nhạc hay, mùi hương sống động và thường xuyên sắp xếp, trưng bày lại sản phẩm.
Tạo cảm giác khám phá cho khách hàng. Nếu muốn thành công trong bán lẻ, tốt nhất nên mang lại cho khách một cuộc phiêu lưu nho nhỏ, để tự họ có thể khám phá và cảm thấy thú vị.
Điều này có nghĩa là cần thiết kế lối đi bên trong cửa hàng, chứ không đơn thuần chỉ có một đường thẳng từ đầu đến cuối. Và sáng tạo vài khu vực độc lập với những nguồn năng lượng khác nhau (dựa vào các yếu tố như màu sắc, ánh sáng, mùi hương, độ cao hoặc kiểu dáng thiết kế, v.v…).
Cần tôn trọng cảm giác độc lập và sự tò mò của khách. Những cửa hàng bán lẻ tuyệt vời nhất là nơi để cho khách tự khám phá mọi thứ bằng nhiều cách – tiếp xúc, ngửi, nhìn, v.v… mà không cần sự trợ giúp; hoặc là những nơi kết hợp được các yếu tố này bằng một phương cách khác thường, mới lạ.
Hãy trưng bày những mặt hàng đẹp khắp nơi trong cửa hàng hoặc kết hợp chúng theo cách gây ngạc nhiên cho khách. Nói cách khác, hãy làm cho cửa hàng trông thật tươi tắn, đáng yêu. Cũng đừng quên tự mình trải nghiệm và tận hưởng “phong thủy tốt” của cửa hàng.