Margin hay giao dịch ký quỹ là thuật ngữ chỉ việc dùng đòn bẩy tài chính trong đầu tư chứng khoán. Đây là dịch vụ được công ty chứng khoán cung cấp, cho phép nhà đầu tư vay tiền để mua số lượng cổ phiếu có giá trị lớn hơn giá trị tài sản ròng của nhà đầu tư có trong tài khoản chứng khoán.
Tuy vậy, margin cũng là con dao hai lưỡi vô cùng nguy hiểm nếu nhà đầu tư sử dụng không đúng thời điểm.
Áp lực giải chấp khi thị trường giảm điểm
Thị trường chứng khoán tháng 4 và đầu tháng 5 đã chứng kiến một trong những giai đoạn giảm điểm mạnh nhất trong lịch sử. Theo thống kê, chỉ số VN-Index đã mất hơn 10% giá trị trong tháng 4 và trở thành một trong những thị trường giảm điểm mạnh nhất trên thế giới trong tháng vừa qua. Đà lao dốc của thị trường tựu trung lại xuất phát từ ba nguyên nhân chính: định giá cổ phiếu tăng cao khiến áp lực chốt lời tăng mạnh; động thái bán ròng nhằm cơ cấu danh mục của khối ngoại và cuối cùng là vòng xoáy bán giải chấp sau mỗi phiên chỉ số giảm điểm mạnh.
Xét riêng ở góc độ áp lực bán giải chấp, theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán (UBCK) Nhà nước thì tổng dư nợ cho vay margin trên thị trường chứng khoán hiện ở mức xấp xỉ 4% vốn hóa chứng khoán tự do giao dịch và xấp xỉ 1,3% vốn hóa toàn thị trường chứng khoán. Một nghiên cứu dữ liệu lịch sử với các thị trường chứng khoán lớn cho thấy, khi tỷ lệ cho vay margin trên tổng giá trị vốn hóa của lượng cổ phiếu tự do giao dịch ở mức 5% thì thị trường có rủi ro giảm điểm sau đó.
Nếu coi đây là một chỉ số cảnh báo rủi ro thị trường thì rõ ràng thị trường chứng khoán Việt Nam đang dần tiệm cận mức mất an toàn. Số liệu thực tế như trên kết hợp với những đồn đoán trên thị trường về khả năng UBCK siết hoạt động cho vay margin (nâng tỷ lệ ký quỹ ban đầu từ mức 50% lên 60%, tương đương giảm trần tỷ lệ cho vay margin về 40% giá trị danh mục) trong thời gian tới càng khuyếch đại nỗi lo về hoạt động bán giải chấp trên thị trường.
Một thực tế là khi một cổ phiếu giảm giá sâu liên tiếp như những phiên vừa qua sẽ dẫn đến rủi ro tỷ lệ margin tại các mã này chạm ngưỡng xử lý, buộc các công ty chứng khoán phải đẩy mạnh bán ra để thu hồi nợ. Hầu hết các công ty chứng khoán hiện giờ đều có bộ phận kiểm soát nội bộ và xử lý rủi ro khá chuyên nghiệp và độc lập với bộ phận môi giới nên các động thái bán nhằm xử lý tài khoản của nhà đầu tư diễn ra rất chủ động và quyết liệt. Nếu không muốn bị xử lý, nhà đầu tư chỉ còn cách nộp thêm tiền vào tài khoản mà điều này không hề dễ dàng đối với những người đã mua cổ phiếu ở vùng đỉnh.
“Margin” luôn là con dao hai lưỡi
Với những nhà đầu tư cá nhân ngắn hạn ở Việt Nam, vay margin là một khái niệm hoàn toàn không xa lạ. Tất nhiên, vay margin hiếm khi phù hợp với những nhà đầu tư tổ chức hay cá nhân dài hạn. Nắm giữ cổ phiếu trong một khoảng thời gian dài với những biến động khó lường của thị trường rõ ràng không thể mạo hiểm với tiền vay. Câu hỏi là tại sao margin lại hấp dẫn nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ đến như vậy?
Câu trả lời rất đơn giản, vì mức lợi nhuận khủng có thể thu được trong một thời gian rất ngắn. Hiện trên thị trường, tỷ lệ cho vay margin phổ biến là 1:1 (tức 50% tiền của nhà đầu tư, 50% tiền của công ty chứng khoán cho vay, tài sản bảo đảm cho khoản vay là chính số lượng cổ phiếu của khách hàng). Tuy vậy, một số công ty chứng khoán có thể cho vay với tỷ lệ cao hơn như 3:7, 4:6 cho các khách VIP bằng nhiều biện pháp kỹ thuật lách luật. Điều này cũng dễ hiểu khi các công ty chứng khoán cần mở rộng thị phần, gia tăng giá trị giao dịch của khách hàng để tăng doanh thu từ môi giới và dư nợ cho vay margin.
Kể từ giữa năm 2017 cho đến nay, cùng với đà tăng trưởng chung của VN-Index, đã có rất nhiều mã chứng khoán có thị giá tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần chỉ trong một thời gian ngắn. Nếu dùng margin với tỷ lệ vay 1:1, nhà đầu tư đã có thể có thu được mức lợi nhuận 40 – 50%, còn với tỷ lệ cao hơn thì việc nhân đôi tài khoản trong thời gian ngắn là điều hoàn toàn khả thi. Đó là sức hấp dẫn khó có thể khước từ mà lợi thế margin mang lại.
Tuy vậy, margin cũng là con dao hai lưỡi vô cùng nguy hiểm nếu được sử dụng trong thời điểm không hợp lý. Dễ thấy nhất là khi thị trường điều chỉnh mạnh như giai đoạn vừa qua, nhà đầu tư cá nhân sẽ gặp phải áp lực “margin call” rất lớn từ phía các công ty chứng khoán. Nếu không có khả năng nộp thêm tiền, nhà đầu tư có thể sẽ bị “cháy” tài khoản khi công ty chứng khoán tiến hành bán giải chấp bắt buộc. Thậm chí dù cho biết chắc mình bán đúng “đáy” nhưng do trước đó khả năng quản lý rủi ro không tốt nên nhà đầu tư vẫn phải “ngậm đắng nuốt cay” bán đi cổ phiếu trong tài khoản.
Những tình huống như vậy không phải là hiếm trên TTCK Việt Nam xưa nay và dù đã trải qua nhiều kinh kiệm xương máu, nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng học thuộc được bài học này. Việc sử dụng đòn bẩy với kỳ vọng gia tăng lợi nhuận trong một thời gian ngắn là mục tiêu chính đáng nhưng vấn đề quan trọng nhất vẫn là phải quản trị rủi ro cho toàn bộ danh mục của mình. Điều này đặc biệt đúng với nhà đầu tư cá nhân ngắn hạn trong giai đoạn hiện nay!