Tình trạng tiền lương bất hợp lý tồn tại hàng chục năm qua hy vọng chấm dứt theo một đề án vừa được Trung ương thông qua, theo đó các cơ quan, đơn vị công lập sẽ được khoán quỹ lương, những khoản thu nhập ngoài lương bị xóa bỏ. Đây là bước tiến bộ đáng kể về chính sách tiền lương phù hợp với thị trường lao động.
Sáng 12-5, tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, Ban chấp hành Trung ương đã thông qua ba nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp; cải cách chính sách tiền lương; và cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Trung ương nhấn mạnh, việc cải cách chính sách tiền lương nhằm sớm xây dựng hệ thống tiền lương khoa học, minh bạch, phù hợp với thực tiễn, tạo động lực giải phóng sức sản xuất, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, phòng, chống tham nhũng, lãng phí…
Cụ thể, khu vực công sẽ xây dựng hệ thống bảng lương mới, quy định mức lương bằng số tiền tuyệt đối theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo trên cơ sở điều chỉnh tăng mức lương thấp nhất và mở rộng quan hệ tiền lương tiệm cận với khu vực thị trường.
Như vậy, sẽ có một bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã; một bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ áp dụng chung với công chức, viên chức không giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo; và ba bảng lương với lực lượng vũ trang.
Chế độ phụ cấp hiện hành sẽ được sắp xếp lại bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương. Người đứng đầu các cơ quan được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên để thuê chuyên gia, nhân tài; được sử dụng quỹ tiền thưởng để thưởng định kỳ cho cán bộ, công chức, viên chức gắn với mức độ hoàn thành công việc.
Việc thí điểm cơ chế áp dụng mức thu nhập tăng thêm cũng được mở rộng ở một số tỉnh, thành thuộc Trung ương, nhất là ở vùng động lực; đồng thời, khoán quỹ lương cho các cơ quan, đơn vị…
Hệ thống vị trí việc làm cũng sẽ được hoàn thiện để làm cơ sở trả lương. Các giải pháp về tài chính, ngân sách, tinh giản bộ máy sẽ được thực hiện đồng thời với nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập. Các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước sẽ được bãi bỏ.
Đối với khu vực doanh nghiệp, Trung ương yêu cầu cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện chính sách tiền lương tối thiểu vùng theo tháng để bảo vệ người lao động yếu thế; đồng thời bổ sung quy định mức lương tối thiểu vùng theo giờ…
Doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) được tự chủ quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động) và trả lương theo năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Trước đó, tại cuộc hội thảo bàn về công tác cán bộ, có một câu hỏi là lâu nay cán bộ, công chức, viên chức sống bằng gì?
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, trong tổng thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thì phụ cấp chiếm tới 54,55%.
Ban chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương tính toán, chính sách tiền lương hiện hành quy định tới 20 nhóm phụ cấp với gần 100 loại.
Điển hình như phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp chức vụ lãnh đạo; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực…
Chính tình trạng phụ cấp tràn lan này dẫn đến trường hợp khó tin là lương của cấp dưới lại cao hơn cấp trên.
Theo nguyên lý chung, phần lương chính bao giờ cũng chiếm 70% trong tổng thu nhập, các khoản phụ cấp chỉ một phần nhỏ, tối đa không quá 30%. Nhưng ở nước ta điều này ngược lại, tiền lương là phần chính lại bé hơn phần phụ.
Hệ quả của việc này dẫn đến việc không minh bạch trong hệ thống tiền lương và thu nhập của cán bộ, công chức.
Chênh lệch quá lớn giữa lương và phụ cấp theo lương hiện nay dẫn đến trường hợp thu nhập của cán bộ, công chức chủ yếu nhờ phụ cấp chứ không phải nhờ lương. Đây là một trong những bất cập của chính sách tiền lương hiện tại và cần phải được thay đổi.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng việc các loại phụ cấp nhiều hơn lương chính làm cho cơ chế tiền lương bị phá vỡ, không còn bản chất của tiền lương nữa.
Qua các đợt khảo sát về chính sách tiền lương chuẩn bị cho Đề án Cải cách tiền lương trình Hội nghị Trung ương 7, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo Cải cách chính sách tiền lương cũng nhìn nhận: “Phụ cấp đang làm chính sách tiền lương bị méo mó, chính thành phụ, phụ lại thành chính. Thu nhập ngoài không kiểm soát được”.
Để khắc phục những bất cập về phụ cấp hiện nay, Đề án Cải cách tiền lương lần này khẳng định quan điểm: “Tiền lương phải là thu nhập chính, chiếm 70% tổng thu nhập”.
Tiền lương là khoản chi thường xuyên lớn nhất trong cơ cấu ngân sách, nhưng trước bối cảnh thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao như hiện nay, đặc biệt là tài khóa ngày càng trở nên thiếu bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế mới, hơn một năm nay Bộ Tài chính đã nhiều lần đề xuất sửa đổi, bổ sung các Luật thuế nhằm giảm áp lực chi tiêu.
Mới đây Bộ Tài chính đã đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với các sản phẩm xăng dầu lên mức kịch trần với lý do cơ cấu lại nguồn thu ngân sách, bù đắp nguồn thu giảm do hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, phục vụ mục tiêu tăng trưởng xanh. Thuế giá trị gia tăng (VAT) cũng dự kiến tăng từ 10% lên 12% và giảm bớt số mặt hàng được hưởng thuế VAT ưu đãi 5% với lý do là mức thuế VAT của Việt Nam hiện nay chưa theo kịp thông lệ quốc tế, cần cơ cấu lại thu ngân sách theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu.
Bộ Tài chính cũng dự kiến áp thuế tiêu thụ đặc biệt với một số hàng hóa như nước ngọt với mục đích bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Gần đây nhất là đề xuất đánh thuế tài sản, theo đó, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế đối với nhà có giá trị từ 700 triệu đồng, với mức thuế suất 0,3 – 0,4% trên giá trị của căn nhà.
Theo Ngân hàng Thế giới, thuế – phí của Việt Nam chiếm 32%/GDP, trong khi đó khuyến cáo chỉ nên từ 18 – 20%/GDP. Góp ý với dự thảo bổ sung sáu loại thuế do Bộ Tài chính đưa ra mới đây, các chuyên gia cho rằng nếu tăng thuế nữa thì sẽ gây khó khăn rất lớn cho người dân và doanh nghiệp, tác động không tốt tới sản xuất. Đặc biệt, khi doanh nghiệp gặp khó khăn do thuế tăng lên thì không thể cạnh tranh, thua trên sân nhà, phá sản, không tạo ra công ăn việc làm thì sẽ không nộp thuế cho ngân sách được nữa.