Khi Rolex giới thiệu bộ sưu tập Yacht-Master vào năm 1992, nhiều người hiểu rằng đây là một phiên bản cải tiến của Submariner. Và bạn đã biết về tính năng của vành bezel xoay của Rolex Yacht-Master hay chưa?
Yacht-Master và Submariner khá giống nhau với cọc số phản quang, bộ vỏ Oyster, vành bezel tính giờ. Tuy nhiên, về mục đích sử dụng thì Submariner và Yacht-Master có đôi chút khác biệt: một mẫu dùng để lặn dưới biển sâu còn một mẫu lại dùng trên tàu thủy. Sau hơn 20 năm xuất hiện, Yatch-Master đã trở thành một mẫu đồng hồ được săn đón bởi những người hâm mộ Rolex.
Cả hai mẫu đồng hồ đều có vành bezel tính giờ, tuy nhiên vành của Submariner chỉ xoay được một chiều, còn Yacht-Master thì có thể xoay theo cả hai chiều. Lý do Submariner chỉ xoay một chiều là để đảm bảo an toàn cho thợ lặn. Còn với Yacht-Master, do người dùng không phải sử dụng bình dưỡng khí nên việc sai lệch một chút không ảnh hưởng gì đến tính mạng cả.
Vành bezel của Yacht-Master và Submariner cũng có chút khác biệt trong thiết kế: những số chỉ giờ của Yacht-Master được thiết kế lồi lên, còn Submariner lại được thiết kế hơi lõm xuống. Cá nhân tôi thích thiết kế của Yacht-Master hơn – mạnh mẽ và khỏe khoắn.
Còn về cách sử dụng vành bezel tính giờ thì như thế nào? Về cơ bản, vành bezel tính giờ này hoạt động giống như kim Chronograph, có khả năng đếm được thời gian đã trôi qua. Tuy nhiên, Chronograph có thể chính xác tới từng giây (hoặc một phần nhỏ của giây), còn vành bezel tính giờ chỉ có thể ước chừng khoảng thời gian theo phút mà thôi.
Để bắt đầu việc tính giờ, bạn sẽ xoay vành bezel sao cho mốc 0 trùng với kim phút đồng hồ. Từ đó, bạn có thể dễ dàng đọc được số phút đã trôi qua ở trên vành bezel. Cách sử dụng này tương tự với vành bezel của đồng hồ lặn.