Kể từ ngày 6-4-2018, các nhà sản xuất thức uống tại Anh sẽ phải trả những khoản thuế gia tăng đánh trên thức uống chứa nhiều đường do họ làm ra.
Động thái này cho thấy chính phủ Anh đang tham gia cùng một số nước như Mexico, Pháp, Na Uy trong kế hoạch tăng thuế các thức uống ngọt nhằm nhiều mục đích, trong đó quan trọng nhất là sức khỏe của trẻ em và trẻ vị thành niên trong nước.
Theo biểu thuế mới, tại Anh, thức uống chứa 8g đường/100ml sẽ chịu thuế suất tương đương 24p (penny)/litre; thức uống chứa 5 – 8g đường/100ml sẽ chịu thuế suất thấp hơn, 18p/litre. Nước ép trái cây thuần túy không chịu thuế vì không được bổ sung đường, trong khi thức uống chứa lượng sữa cao cũng được miễn thuế vì có chứa calcium.
Lúc đầu, Bộ Ngân khố Anh dự kiến thu về trên 500 triệu bảng Anh từ khoản thuế đánh trên thức uống nhiều đường, nhưng nay đã giảm mức thu này còn 240 triệu bảng Anh, vì một số hãng sản xuất thực phẩm đã giảm lượng đường trong sản phẩm của họ để tránh thuế. Dự kiến số tiền thu được sẽ dành đầu tư cho thể thao học đường và các câu lạc bộ điểm tâm.
Các hãng sản xuất thức uống nổi tiếng đã phản ứng như thế nào? Hãng Fanta đã cắt gần 1/3 lượng đường trong thức uống của họ; các hãng Ribena và Irn-Bru giảm phân nửa, còn hãng Lucozade giảm gần 2/3. Riêng Coca-Cola và Pepsi vẫn giữ nguyên tỷ lệ đường trong sản phẩm, Coca-Cola là 10,6g đường cho mỗi 100ml, con số này ở Pepsi là 11g. Lý do Coca-Cola đưa ra là vì “mọi người thích cái vị của nó và yêu cầu chúng tôi không thay đổi”.
Về phần người tiêu thụ, điều khiến cho các nhà y học lo ngại là lớp tuổi teen sử dụng rất nhiều thức uống có đường. Bộ trưởng Y tế Anh Steve Brine cho rằng mỗi năm bình quân một người trong giới tuổi teen ở Anh tiêu thụ lượng nước ngọt gần đủ chứa trong một bồn tắm, dễ dẫn đến khuynh hướng bị béo phì. Tuy nhiên, khi được hỏi ý kiến, một số người tiêu dùng đã yêu cầu chính phủ không can thiệp vào sự chọn lựa cá nhân của họ. Những người khác ủng hộ chính sách của chính phủ, coi đây là biện pháp tích cực để giảm thiểu bệnh béo phì của giới trẻ.