Thương mại điện tử đang dần lấn át thị phần của ngành bán lẻ truyền thống, tuy nhiên, lượng khách hàng thích mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng vẫn không nhỏ. Điều này khiến các tập đoàn thương mại điện tử lớn như Alibaba, Amazon mở rộng đi vào khai thác mô hình bán hàng đa kênh, đưa việc trải nghiệm mua hàng bằng các ứng dụng thông minh vào các cửa hàng truyền thống để thu hút mọi đối tượng khách hàng.
Tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Amazon chính là người tiên phong phát động cuộc cách mạng mua sắm trực tuyến kết nối với mô hình đa kênh độc đáo Amazon Go. Để hoàn thiện mô hình bán hàng đa kênh, tập đoàn này đang lấn sân sang kênh bán lẻ trực tiếp, khởi đầu với vụ thâu tóm chuỗi cửa hàng thực phẩm tươi Whole Foods với giá 13,7 tỉ đôla Mỹ vào cuối năm 2017.
Ngay sau đó, vào tháng 1-2018, Amazon chính thức khai trương cửa hàng Amazon Go không có quầy tính tiền tại thành phố Seattle, bang Washington (Mỹ). Đây có thể xem là một mô hình bán hàng đa kênh độc đáo, cho phép khách hàng trải nghiệm mua sắm ở cửa hàng thực tế cũng như trải nghiệm trực tuyến với các công cụ đa kênh như ứng dụng Amazon Go, tài khoản Amazon trực tuyến và không còn phải xếp hàng chờ đợi thanh toán.
Bên cạnh đó, Amazon đang kết nối khách hàng đặt mua hàng trực tuyến với các điểm nhận hàng đặt bên trong hơn 400 cửa hàng Whole Foods ở nước Mỹ. Ngoài ra, Amazon cũng thiết lập các cửa hàng nhỏ bên trong các cửa hàng Whole Foods để trưng bày các sản phẩm bán trên Amazon.com, cho phép người tiêu dùng trải nghiệm thực tế các sản phẩm đó trước khi mua.
Tại châu Á, tập đoàn thương mại điện tử số một Trung Quốc Alibaba cũng đang dồn sức cho chiến lược “Bán lẻ mới” (New Retail) – mô hình bán lẻ đa kênh để khai thác thị trường bán lẻ trực tiếp. Chiến lược này nhằm xây dựng một hệ sinh thái kết nối liền mạch việc trải nghiệm mua hàng trực tiếp và trực tuyến. Hợp tác với các cửa hàng độc lập đang là phương án mới nhất để Alibaba mở rộng sự hiện diện ở mảng bán lẻ truyền thống.