Theo đánh giá của người đứng đầu ngành này, trong năm 2012 sẽ có khoảng 20% doanh nghiệp thủy sản phải đóng cửa, xuất phát từ việc doanh nghiệp lẫn người dân thiếu nguồn vốn đầu tư, thiếu nguyên liệu đúng chuẩn chế biến, chi phí đầu vào tăng cao, chất lượng con giống giảm sút. Ngoài ra, tình hình khó khăn về tài chính trên toàn thế giới cũng như các nước ngày càng siết chặt các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng tạo áp lực cho ngành.
Chế biến cá basa xuất khẩu
Đã có quá nhiều lời than vãn của các doanh nhân nhiều năm gắn bó với ngành thủy sản về tình hình khó khăn hiện nay. Ông Dương Ngọc Minh – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương cho biết, ngành thủy sản ViệtNamđang bị thắt chặt về tài chính trong khi giá thành lại tăng cao. Theo ông, mục tiêu xuất khẩu 6,5 tỉ USD của ngành trong năm nay cần nguồn vốn rất lớn nhưng ngân hàng lại đang giảm cho vay nên kế hoạch này sẽ khó thực hiện.
Một doanh nhân khác, ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chế biến Thủy sản Út Xi, báo động xuất khẩu năm nay của công ty đã giảm hơn 50% so với năm 2011 tại thị trường EU. Ngay cả thị trường Nhật Bản cũng đang bị đe dọa. Tất cả đều do vấn đề nhiễm kháng sinh.
Thế nhưng chất kháng sinh đó từ đâu mà có? Chính do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép người dân sử dụng trong ao nuôi.
Về tình trạng này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, ngành đang rà soát và đã cấm một số loại kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản. Thế nhưng việc kiểm soát kháng sinh từ ngay ao nuôi lại khó có thể làm được vì hiện có đến hàng triệu hộ nông dân đang nuôi tôm và các loại thủy hải sản khác, mà ngành không có đủ lực lượng để xuống từng ao nuôi kiểm tra. Chính vì thế việc kiểm tra sẽ chỉ có thể tiến hành theo hướng chuỗi và kiểm soát theo hệ thống.
Ảnh Hoàng Phượng
Gia Minh tổng hợp