Cuối tháng 3 vừa qua, Uber đã đưa ra một trong những quyết định được xem là khá bất ngờ, khi bán lại toàn bộ mảng kinh doanh tại Đông Nam Á cho đối thủ Grab, để thu về 27,5% cổ phần trong Grab (theo Techcrunch).
Thực chất, đây không phải là lần đầu tiên Uber nhượng lại thị trường cho đối thủ. Trước đó, Uber đã bán mảng kinh doanh tại Trung Quốc cho đối thủ Didi Chuxing để đổi lấy 17,5% cổ phần trong công ty này.
Theo các chuyên gia, hành động như vậy mang đến cho Uber cả lợi lẫn hại. Điểm lợi dễ thấy nhất là Uber sẽ thu về một khoản tiền lớn (Uber được cho là đã đầu tư khoảng 700 triệu USD vào thị trường Đông Nam Á, còn số cổ phần nắm giữ trong Grab ước tính khoảng 1,6 tỉ USD – theo Techcrunch), giúp họ làm đẹp báo cáo tài chính, tạo đà cho phiên IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu tiên) dự kiến diễn ra trong năm sau. Còn mặt hại, đó là hình ảnh của Uber có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khi hãng đã thất bại quá nhiều trên các thị trường tiềm năng.
Chưa thể biết được hành động trên của Uber sẽ mang tới những ảnh hưởng nào cho hãng này trong tương lai, nhưng giới chuyên gia cùng nhìn nhận, hành động buông bỏ ở đây là một quyết định khá dũng cảm của hãng, và thông qua hành động này, các công ty khởi nghiệp nói chung cũng sẽ có một bài học lớn về sự buông bỏ, “bán mình” trong kinh doanh.
“Để từ bỏ một điều gì đó, không phải là dễ. Đặc biệt với những người gầy dựng công ty khởi nghiệp, điều này càng khó khăn hơn. Trải qua bao nhiêu năm tháng xây dựng, vun đắp vất vả, việc bán đi công ty, thương hiệu “rứt ruột đẻ ra” ấy sẽ khiến bạn bị hụt hẫng rất lớn.
Tuy nhiên, trong kinh doanh, đôi khi bạn cần phải dũng cảm từ bỏ, để đón nhận những thứ mới mẻ, tốt hơn cho bản thân mình và cho doanh nghiệp” – Mark MacLeod, người sáng lập Công ty tài chính SurePath Capital Partners, với hơn 14 năm kinh nghiệm hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, chia sẻ.
Và dưới đây là ba câu hỏi mà các doanh nghiệp khởi nghiệp nên tự đặt ra cho mình, trước khi quyết định có nên bán mình hay không.
1. Đó có phải là điểm kết thúc trong tâm trí của bạn?
Điểm đầu tiên mà các doanh nghiệp khởi nghiệp cần làm trước khi đưa ra quyết định từ bỏ, đó là nên xác định xem đây đã phải là điểm kết thúc như bạn đã suy nghĩ hay chưa. Bạn đã thỏa mãn với những gì mình làm được hay chưa? Bạn đã thiết lập các mục tiêu nào khi bắt đầu, và những mục tiêu đó hiện tại đã được bạn hoàn thành ở mức nào?
Bằng cách này, bạn sẽ biết mình đang ở đâu trong kế hoạch của mình. Tất nhiên, việc gì cũng có ngoại lệ. Nghĩa là doanh nghiệp có thể thay đổi kế hoạch ban đầu khi nhìn ra tiềm năng lớn để trở thành kẻ dẫn đầu thị trường. Cụ thể ở đây là trường hợp của gã khổng lồ Google. Thời điểm năm 1997, CEO Larry Page từng có ý định bán Google (lúc này còn có tên là BackRub) với giá 1,6 triệu USD.
Tuy nhiên, Larry Page không nhận được một lời đề nghị phù hợp nào, khi các bên chỉ đồng ý trả cái giá vào khoảng 750.000 USD. Để rồi khi nhìn nhận lại và thấy được tiềm năng to lớn cũng như cơ hội tạo ra sự đột phá trên thị trường, Larry Page đã thay đổi kế hoạch. Ông dừng việc bán BackRub và biến nó trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới như ngày nay.
“Khi bạn đang ở điểm kết thúc, hãy tự hỏi mình rằng bạn có đủ khả năng để dẫn đầu phân khúc của bạn hay không. Hãy cân nhắc tham vọng đó, nó có thể khiến kế hoạch của bạn thay đổi” – Mark MacLeod nhận xét.
Ngoài ra, bạn cần chú ý một điểm nữa, đó là định hướng cũng như kế hoạch của các nhà đầu tư và những cộng sự của bạn. Bởi suy nghĩ, hoàn cảnh, môi trường của mỗi người là rất khác nhau, nên ở điểm kết thúc, mỗi người sẽ có quyết định không giống nhau. Vì thế, bạn nên rõ ràng, minh bạch với họ, bởi biết đâu được, trong số những cộng sự, nhà đầu tư, đối tác… ấy, sẽ có người sẵn sàng chi tiền để mua công ty của bạn.
2. Bạn mất bao lâu để tái tạo mọi thứ?
Giả sử sau một năm phát triển, bỏ ra số vốn 20 tỉ đồng, bạn rao bán doanh nghiệp và nhận được một lời đề nghị mua lại với giá lên tới 60 tỉ đồng, một con số quá hấp dẫn.
Lúc đó bạn sẽ làm gì? Lập tức bán ngay doanh nghiệp để đạt được 40 tỉ đồng chênh lệch? Điều này là hoàn toàn hợp lý, tuy nhiên, bạn cần phải xem xét một điểm mấu chốt, đó là tại sao thị trường lại định giá doanh nghiệp của bạn cao đến vậy? Và bạn có thực sự đang mang một mỏ vàng vô giá đi bán hay không?
Do đó, trước khi “bán mình” để nhận về số tiền lớn như thế, bạn nên tính toán xem… mình sẽ mất bao lâu để gầy dựng lại một doanh nghiệp tương tự. Một nguyên tắc chung ở đây là nếu bạn mất hai năm hoặc nhiều hơn để gầy dựng lại doanh nghiệp như ngày hôm nay, thì bạn nên cân nhắc việc tiếp tục.
Vì rõ ràng, bạn đang bán đi một con ngựa đua không chỉ nhanh mà còn cực kỳ may mắn khi liên tục về nhất. Nhưng nếu ngược lại, tức là bạn chỉ mất khoảng một năm để gầy dựng lại doanh nghiệp như thế, thì bạn nên bán nó. Vì mọi thứ vẫn đang trong tầm tay của bạn.
- Xem thêm: Bài học từ lần khởi nghiệp thất bại
“Nhiều người nói đây là một việc làm thể hiện sự tham lam, bởi đã bán rồi, còn muốn chắc rằng mình bán được với giá hời, không bán đi một mỏ vàng cho kẻ khác… Với tôi, tham lam là điều bình thường, bởi nếu không có lòng tham, một doanh nhân sẽ không bao giờ là một doanh nhân, và một doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ rất khó tạo ra sự cạnh tranh trên thị trường” – Mark MacLeod chia sẻ.
3. Bạn sẽ làm gì tiếp theo?
Điểm cuối cùng và cũng là điểm mà nhiều người thường bỏ qua nhất, đó là tự trả lời câu hỏi bạn sẽ làm gì tiếp theo sau khi bán đi đứa con cưng của mình?
Bởi nếu bạn yêu thích những gì bạn làm, yêu thích tất cả mọi thứ thuộc doanh nghiệp đó, bạn có thể sẽ gặp cú sốc tâm lý khi phải buông bỏ. Bạn sau đó có thể rơi vào cảm giác mất cân bằng, mất đi động lực, niềm vui sống, không muốn làm gì nữa cả…
Và đây là câu hỏi chỉ có bạn mới trả lời được, vì tình cảm của một người với một doanh nghiệp, một thương hiệu, đôi khi còn sâu đậm hơn tình cảm họ dành cho gia đình, thậm chí là cho chính bản thân mình.