Diễn đàn thượng đỉnh kinh doanh tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6 chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội hôm 30-3 thu hút sự tham gia của hơn 2.000 doanh nhân đến từ nhiều quốc gia, đã cho thấy vai trò nổi bật của doanh nghiệp là tạo ra những giá trị mới.
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói rằng thông qua cơ chế đối thoại giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và doanh nghiệp với Chính phủ, chúng ta cùng nhìn nhận, đánh giá những cơ hội tăng trưởng và phát triển, tạo sức hấp dẫn lớn hơn nữa trong mắt các nhà đầu tư.
Diễn đàn được kỳ vọng sẽ tăng cường đối thoại giữa các doanh nghiệp và Chính phủ, kết nối các doanh nghiệp trong khu vực và thế giới. Thông qua các mạng lưới kết nối, các doanh nhân có điều kiện chia sẻ tầm nhìn phát triển, học hỏi cơ hội từ những người đi trước, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp mình.
Trong phiên họp của Hội đồng Kinh doanh GMS, các đại biểu thảo luận về mô hình kinh doanh mới sử dụng công nghệ để thay đổi tổng quan cạnh tranh kinh doanh. Bên cạnh đó, đại diện các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân cũng chia sẻ tầm nhìn phát triển cho GMS trong thập niên thứ 3 của thế kỷ XXI với bối cảnh sự khởi động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp trong khu vực GMS sẽ cùng nhau chia sẻ về tầm nhìn phát triển và trao đổi về cơ hội kết nối trong tương lai. Các quốc gia trong khu vực cần đẩy mạnh hợp tác, hướng đến mục tiêu phát triển chung cho toàn khu vực. Theo ông, các quốc gia tiểu vùng sông Mekong đang đứng trước những cơ hội phát triển hết sức khả quan.
Doanh nghiệp GMS cũng cần tiếp tục hợp tác, gắn kết với nhau, đặc biệt là giữa các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa để tận dụng các cơ hội, đồng thời bổ sung, hỗ trợ cho nhau cùng phát triển tạo ra nhóm các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh, từng bước tham gia vào thị trường và các quy định khác trên toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam nói riêng và chính phủ các quốc gia GMS nói chung đối với cộng đồng doanh nghiệp GMS và đối với các chương trình, hoạt động sắp triển khai của Hội đồng kinh doanh GMS giai đoạn tới. Ông bày tỏ vui mừng khi biết Hội đồng kinh doanh GMS đã thành lập Mạng lưới các doanh nhân trẻ khu vực GMS, phát triển Ứng dụng kết nối doanh nghiệp khu vực GMS…
Cho tới nay, GMS đã tổ chức 22 hội nghị bộ trưởng và năm hội nghị thượng đỉnh. Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng với mục tiêu dài hạn là thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác phát triển kinh tế cùng có lợi giữa các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc, đưa tiểu vùng Mekong mở rộng nhanh chóng trở thành vùng phát triển nhanh và thịnh vượng ở Đông Nam Á.
Một ngày sau diễn đàn này, sáng 31-3 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì khai mạc Hội nghị thượng đỉnh GMS 6 có chủ đề “Phát huy 25 năm hợp tác, xây dựng tiểu vùng Mekong mở rộng hội nhập, bền vững và thịnh vượng” với sự tham dự của lãnh đạo các nước Campuchia, Thái Lan, Lào, Myanmar, Trung Quốc.
Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á Takehiko Nakao cùng bộ trưởng và quan chức các nước, đại diện các đại sứ quán và tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đại diện khu vực tư nhân và các đối tác phát triển cũng có mặt nhân dịp này.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng cho rằng trong 1/4 thế kỷ vừa qua, hợp tác GMS đã không ngừng mở rộng về quy mô, đi sâu về nội dung, khẳng định được bản sắc riêng là một cơ chế hợp tác khu vực có uy tín với chiến lược “Kết nối, Cộng đồng và Cạnh tranh”.
Từng là khu vực của những quốc gia nghèo, chậm phát triển và biệt lập trong thế kỷ trước, đến nay GMS đã vươn lên và tự hào có những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, mở cửa, tích cực hội nhập và có các thị trường rộng lớn, sôi động với tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển. Thành công của GMS minh chứng cho khát vọng và quyết tâm xây dựng khu vực Mekong hòa bình, thịnh vượng, phát triển bền vững, vì người dân.
Thủ tướng khẳng định, trong 25 năm qua, Việt Nam luôn coi trọng và tích cực tham gia hợp tác GMS, nỗ lực thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, bảo vệ môi trường, tài nguyên, ứng phó biến đổi khí hậu. Đã có nhiều công trình kết nối hiệu quả bước đầu giữa Việt Nam và khu vực GMS (hành lang kinh tế Đông – Tây, hệ thống cầu đường kết nối ĐBSCL, hành lang ven biển phía Nam SEC, cao tốc Nội Bài – Lào Cai…).
Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác thúc đẩy GMS hoạt động ngày càng hiệu quả, phát huy hơn nữa tiềm năng của khu vực Mekong – Thủ tướng nói.
Trong một quy mô hợp tác nhỏ hơn, tuần qua UBND TP. Hồ Chí Minh đã có buổi gặp gỡ lãnh sự các nước để trao đổi các thông tin về việc triển khai cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh và công bố đề án Xây dựng thành phố thông minh giai đoạn
2017-2020, tầm nhìn đến 2025.
Các đại biểu đã trao đổi các thông tin liên quan đến nội dung này như lộ trình thực hiện, các nguồn vốn, kế hoạch mua sắm, việc hợp tác đào tạo nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ… để xây dựng đô thị thông minh.
Tại buổi gặp gỡ, thành phố đã thể hiện quyết tâm của các cấp chính quyền đưa
TP. Hồ Chí Minh trở thành một đô thị có kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững, trong đó người dân được đặt ở vị trí trung tâm. Cụ thể, bốn trụ cột của đề án gồm: xây dựng Trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội; xây dựng Trung tâm điều hành chung; thành lập Trung tâm an toàn thông tin; xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở.
Song song đó, thành phố triển khai xây dựng khu đô thị sáng tạo, kết nối quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Nơi đây sẽ đóng vai trò hạt nhân trong thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại TP. Hồ Chí Minh và toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế dựa trên mũi nhọn là các ngành kinh tế tri thức.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong tin tưởng buổi gặp gỡ với đoàn lãnh sự sẽ cung cấp cho các cơ quan đại diện nước ngoài tại thành phố tầm nhìn tổng thể về kế hoạch triển khai Nghị quyết số 54 của Quốc hội, cũng như những thông tin cập nhật về tình hình thực hiện đề án xây dựng đô thị thông minh của thành phố, từ đó giúp tổng lãnh sự các nước định hình những lĩnh vực có khả năng thúc đẩy hợp tác với TP. Hồ Chí Minh.
Đại diện cho đoàn lãnh sự, bà Leow Siu Lin, Tổng Lãnh sự Singapore đánh giá cao chiến lược phát triển TP. Hồ Chí Minh trở thành thành phố thông minh, hướng tới nền kinh tế phát triển bền vững và nền kinh tế tri thức của TP. Hồ Chí Minh. Theo bà, điều này rất quan trọng vì TP. Hồ Chí Minh là điểm đến lớn của các nhà đầu tư.