Thực tế cho thấy, các bảng xếp hạng (BXH) âm nhạc tại Việt Nam có quá nhiều tiêu chí, nhiều luật lệ, mà đa phần còn khá mơ hồ. Sẽ rất khập khiễng nếu so sánh cách thức xếp hạng ca khúc Việt với các nước trên thế giới bởi khác biệt quá nhiều từ quá trình hình thành, thói quen thưởng thức, văn hóa, tính thị trường… Tuy vậy, đi tìm một BXH âm nhạc của khán giả Việt là vô cùng cần thiết, trước hết để giúp người làm nghề có nhận thức đúng, hành động đúng và giúp thị trường nhạc Việt phát triển tích cực hơn.
Cách thức xếp hạng âm nhạc trên thế giới
Nếu BXH Billboard (Mỹ), UK Singles Chart, UK Albums Chart (Anh), Canadian Hot 100 (Canada), Gaon Chart (Hàn Quốc), Oricon (Nhật Bản)… xác định rõ: BXH âm nhạc là danh sách những sản phẩm âm nhạc (đĩa đơn, album, music video – MV, DVD) được tiêu thụ nhiều nhất. Với một tư duy “thị trường” rõ rệt: “Bạn chỉ mở hầu bao cho cái bạn thật sự thích mà thôi”, các BXH âm nhạc này, mà tiêu biểu là Billboard đã phản ánh rất rõ sở thích nghe nhạc của khán giả tại một thời điểm xác định.
Hiện tại, Billboard sử dụng hệ thống Nielsen SoundScan để theo dõi doanh số của một sản phẩm âm nhạc. Bản chất nó là một hệ thống đăng ký doanh thu khi các sản phẩm trên được bán từ các cửa hàng có tích hợp SoundScan. Billboard cũng dùng hệ thống Broadcast Data Systems (BDS) như một hệ thống phụ, để theo dõi lượng phát thanh radio. Billboard luôn cập nhật về quy định theo tình hình thực tế, nhằm tạo điều kiện phản ánh một cách đầy đủ và chính xác nhất độ hot của một ca khúc.
Trong khi đó, thực trạng nhạc Việt hiện nay thật bi đát: đĩa lậu tràn lan giết chết album thật, nhạc số được sử dụng miễn phí một cách vô tư. Ca sĩ ra album, MV, DVD chủ yếu để quảng bá hình ảnh, chứ chẳng trông mong kiếm lời gì từ việc bán đĩa. Nếu ở các nước tiên tiến khác, phát thanh rất phát triển, người nghe có thể nghe đài ở nhà hay trên đường, vì phương tiện lưu thông chủ yếu là xe hơi; thì phát thanh tại Việt Nam khó lòng có được vị thế này. Chính vì thế mà các BXH của nhạc Việt không thể có được những số liệu chính xác từ doanh thu bán và số lần phát thanh (được thính giả yêu cầu hay do chính các biên tập viên có uy tín lựa chọn nhằm tăng lượt nghe cho chương trình của mình) để xếp hạng các ca khúc ăn khách.
Kết quả là chúng ta có những BXH âm nhạc mà cách thức để xếp hạng na ná như các giải thưởng âm nhạc: Ca khúc được bình chọn nhiều nhất thông qua tin nhắn điện thoại, Ca khúc được nghe online nhiều nhất trên Làn sóng xanh / Xone FM, Ca khúc được download (miễn phí) nhiều nhất trên baihatyeuthich.com / nhacso.net / mp3.zing.vn… Những tiêu chí này không chỉ mơ hồ, còn thiếu minh bạch vì dễ sinh ra tiêu cực, và chẳng ca sĩ nào muốn công nhận nếu ca khúc của họ không được bình chọn.
Bảng xếp hạng được gọi là sáng giá và uy tín ở Việt Nam
Việc ban tổ chức chương trình Bài hát yêu thích hủy một số lượng lớn tin nhắn bình chọn cho Ngọc Anh và sau đó Ngọc Anh tuyên bố tẩy chay sân chơi này đã làm dậy lên cơn sóng tranh luận trên các diễn đàn mạng, báo chí trong thời gian qua. Việc mua sim điện thoại để bầu chọn hiện giờ là “chuyện thường ngày ở huyện” rồi, khi mà các fan hay chính ca sĩ đó có thể mua một lúc vài ngàn tin nhắn từ các công ty chuyên cung cấp đầu số, mà chẳng mất công ngồi nhắn từng tin hoặc gửi phiếu bình chọn theo cách thủ công trước đây; đồng thời có quá nhiều game show, chương trình truyền hình thực tế, các giải thưởng nghệ thuật, cuộc thi tìm kiếm tài năng sử dụng lượng tin nhắn làm tiêu chí số một trong việc tìm ra người chiến thắng. Bỏ qua việc tranh luận rằng, thế nào là tin nhắn hợp lệ và không hợp lệ, vụ việc trên chẳng phải ồn ào như thế nếu ngay từ ban đầu, ban tổ chức chương trình Bài hát yêu thích không nêu rõ mục đích của mình là: Đi tìm bài hát đang được yêu thích nhất năm 2012. Hai MC của chương trình, không dưới bốn, năm lần đã khẳng định trong các live show Bài hát yêu thích rằng, đây là BXH âm nhạc mới, sáng giá và uy tín của nhạc Việt hiện nay.
Đúng là Bài hát yêu thích có nhiều thay đổi so với một số BXH cũ như Làn sóng xanh. Sự khác biệt lớn nhất là các ca khúc tham gia Bài hát yêu thích phải hát trực tiếp qua các live show của từng tháng, điều mà các nhà tổ chức tin rằng, khán giả sẽ bình chọn dựa trên khả năng hát “sống” thực sự của ca sĩ, chứ không phải là sản phẩm của phòng thu, đã chịu tác động “công nghệ phòng thu”. Điều này cũng có nghĩa là, các bài hát này không cần phát hành ra đĩa đơn, hay album, DVD, MV ngoài thị trường, mà chỉ cần lọt qua sự tuyển chọn của ban tuyển chọn, để được trình diễn trong các live show Bài hát yêu thích. Sau đó, khán giả gửi tin nhắn sẽ quyết định 25% kết quả; số lượt xem/nghe bài hát trên mạng quyết định 15% kết quả. Như vậy, khán giả quyết định 40% kết quả BXH, 60% còn lại được quyết định bởi hội đồng bầu chọn, mà tiêu chí của hội đồng này vẫn còn mơ hồ, cảm tính và chưa mang tính thị trường: “Bình chọn các bài hát trên cơ sở sự yêu thích của cá nhân đối với từng bài hát tại từng thời điểm nhất định, một cách trung thực theo cảm nhận của mình và không chịu tác động nào từ bên ngoài”.
Cách thức lấy kết quả của một hội đồng (hội đồng tuyển chọn hay hội đồng nghệ thuật) kết hợp với sự bình chọn của khán giả đã cho thấy sự lúng túng của các nhà tổ chức các BXH âm nhạc hiện nay khi phải quyết định: thị trường hay không thị trường. Dẫu Bài hát yêu thích có nhiều điều luật cải tiến, song cuối cùng vẫn là hội đồng bình chọn sẽ có nhiều quyền hơn khán giả trong việc chọn ra một sản phẩm yêu thích của chính khán giả. Điều này khiến Bài hát yêu thích, cuối cùng vẫn chưa phải là BXH âm nhạc của khán giả như các nhà tổ chức mong muốn.
- Việt Lãm