– Đây là quyển sách triết học…
– Nói thế thì ai… dám mua sách! “Triết học” gì mà đọc ngon lành, không vò đầu bứt tai, bay bổng du dương như âm nhạc, da diết như văn chương?
– Thì thế mới là triết học thứ thiệt!
Chẳng biết thiền là gì, chưa tập thiền ngày nào, nhưng mấy câu “đối thoại” ấy vô tình có… “thiền vị” lắm đó! Trước khi thiền, núi là núi, trong khi thiền, núi không là núi, còn sau khi thiền thì thế nào, chắc ai cũng biết rồi.
Bạn thử “ngó” xem. Từ bốn câu thơ mượt mà của Nguyễn Bính:
Ôi! Trái đào ngon, em ngó xem
Da hồng mát tựa má hồng em
Kề môi vội vã anh toan cắn
Nhưng sợ đau em phải nhịn thèm
Tôi cũng đang cố “nhịn thèm” đây vì không được phép dông dài, nhưng không thích thú sao được khi từ trái đào ngon bỗng nhiên dẫn tới chuyện “ông Sartre hạ bút” bằng tiếng Tây: “Le plaisir est la mort et l’échec du désir”; “thỏa thích là cái chết và thất bại của thèm khát”. Thèm khát, ham muốn, “dục” là đại sự khiến ông Spinoza phải bảo: désir là năng lực, là sức mạnh để tự xác nhận mình, tự tồn tại, tự phát triển. Đó chính là sự sống, là định nghĩa về bản chất của con người. Vậy, bàn chuyện “diệt dục” là vô lý, là tự sát! Có chăng là hãy giỏi chuyển hóa năng lượng khổng lồ ấy thành cái gì khổng lồ không kém: “nguyện”, “đại nguyện”! Đó không phải “triết học” thì là gì?
Nói đến thèm khát thì không thể không nói đến tình yêu! Có cái gọi là “biện chứng của tình yêu”? Nghe “mệt” quá nhỉ, nhưng tiếc rằng – và cũng may rằng – quả có như thế: Yêu nhau nghìn vạn não nường/Biển dâu lớp lớp mộng trường so le (Bùi Giáng). Biện chứng đây: “Bước đầu trong tình yêu: cái này sinh thì cái kia sinh. Bước thứ hai: hãy mất cái “tôi” đi, vì “tôi” đã nằm trong tương quan. Tình yêu là tương quan. Tương quan ấy đẹp thì tình yêu là sự sống. Không phải hai sự sống. Mà là một”. Bạn sẽ trải cuộc “biển dâu lớp lớp” ấy cùng với bao khách đa tình kim cổ: Platon, Aristote, Spinoza, Pascal, Hugo, Freud, Alain và Nietzsche. Victor Hugo: aimer, penser librement… Hãy yêu thương và hãy suy nghĩ tự do. “Hãy tin để mạnh. Hãy yêu để hạnh phúc”. Nietzsche: “Tình yêu không muốn một quãng thời gian; nó muốn khoảnh khắc và vô tận”. Làm sao thấy được vô tận trong khoảnh khắc, bạn ơi?
Câu hỏi trầm trọng khác: “trang giấy trước mặt, tôi viết, nó viết, hay tôi với nó đồng tác giả?”. Câu hỏi khác nữa: trước tương lai vô định, phải chăng tự do là ảo tưởng? Quan hệ giữa ngẫu nhiên và tất yếu, giữa tất yếu và tự do, những vấn đề triết học muôn thuở! Thử xem có giải đáp nào chăng? Épictète, người nô lệ được giải phóng: sống tự do là muốn sự việc đến, không phải như ta muốn thế, mà như là nó đến. Không phải thụ động chấp nhận đâu mà là chủ động muốn nó đến như là nó đến, tức tự do tuyệt đối trước mọi tương lai bất trắc. Sá gì và xin mời! Marc Aurèle, ông vua giải phóng nô lệ và nhận người nô lệ được giải phóng ấy làm thầy, còn đi xa hơn: hãy yêu sự việc đến như là nó đến. Cái amor fati còn hương vị khắc kỷ ấy sẽ dẫn đến lòng yêu. Số mệnh “hào hùng” của Nietzsche: phải sống trong khoảnh khắc này thế nào để tôi muốn sống lại khoảnh khắc ấy như thế, vô tận. “Bài học ấy cực khó, nhưng có cái gì rốt ráo mà không khó?”.
Càng thú vị và sâu sắc khi tiếp tục soi sáng những nan đề trong cặp khái niệm luân lý – đạo đức, mà việc phân biệt giữa chúng luôn là câu chuyện “nhức nhối” nhất trong mọi nghị luận đạo đức học. Luân lý là nguyên tắc phổ quát, cứng rắn, chắc nịch. “Vâng, đã đành, con người không thể không có luân lý, nhưng ta cũng không thể tự bằng lòng với luân lý: cái khó của luân lý là ở đó”. Thật thế, luân lý là tiêu cực, chỉ dạy nói “không”: không được thế này, không được thế kia. Kant gọi đó là mệnh lệnh nhất quyết. Nhưng, “Cuộc đời! Bao nhiêu hoàn cảnh buộc tôi phải phân vân: nếu tôi không vâng lời, nếu tôi vượt lên trên luân lý mà vẫn thấy lương tâm nhẹ nhàng, thì tôi nên làm một ông thánh khổ sở hay làm một hiền nhân thư thái?”. Vâng, ở đâu luân lý gặp bế tắc và gây xung đột, đạo đức sẽ cất lên tiếng nói “minh triết” và cận nhân tình. Xin tác giả và bạn đọc thứ lỗi cho người viết những dòng này: tôi đã buộc phải “nhịn thèm” trước bao ý tình hoa bướm, dằn lòng trước bao thảm kịch éo le, làm rụng tía rơi hồng những trang văn để cô đặc lại thành những “mệnh đề” triết học khô khan! Để được nghe: “đạo đức Phật giáo không đặt trên tiêu chuẩn Thiện Ác, mà đặt trên an vui và đau khổ (…) Lựa chọn ít đau khổ hơn là đạo đức. Nhiều an vui hơn, là đạo đức”.
Cũng thế, trong nghệ thuật và mỹ học khi cùng suy tưởng với Kant và Hegel. “Kant thiên nhiên hóa nghệ thuật. Hegel nhân tính hóa thiên nhiên. Cảnh bắt chước người mà buồn. Thiên nhiên bắt chước người; người không bắt chước thiên nhiên. Trong nghệ thuật, con người là trọng tâm”. Tôi muốn nhắc thêm Heidegger để trở lại với “trang giấy trước mặt” ở trên. Trang giấy hay tác phẩm đành rằng do tôi viết lên, sáng tạo ra, nhưng cũng chính nó tự tựu thành tác phẩm như một quà tặng dư dật từ đâu đó. Nhìn sự vật bằng hai con mắt, ta sẽ dễ dàng chia sẻ với tác giả: “Trân trọng, nâng niu, mơ mộng. Nghệ thuật mà không đưa đến mơ mộng thì cũng đáng xé đi, như (Mạc Đĩnh Chi) xé bức tranh chim sẻ. Không phải vì nó tiểu nhân mà vì nó quá thật”. Cũng có thể nói như thế với triết học?
Lâu nay tôi vẫn băn khoăn về câu nói của Kant: “Ta không thể học triết học mà chỉ có thể học cách philosophieren”. Tôi không biết phải dịch động từ tiếng Đức này thế nào! Mượn sự phong phú trong tiếng Việt với hai từ “triết học” và “triết lý”, tôi đã thử biến một trong hai thành động từ và dịch là “học cách triết lý”. Rồi có khi dịch là “làm triết học”. “Làm triết học”? Được quá! Như làm toán, làm thơ. Nhưng nghe sao vẫn… mệt nhọc như làm quan, làm giàu! Tôi vừa học được chữ mới, vừa tân kỳ vừa cổ kính từ một ông bạn dịch giả: hành triết! Đọc tác phẩm mới của anh Cao Huy Thuần, tôi thấy từ này quả “ứng nghiệm”: từ bao giờ, hành triết đi liền với hành trì, hành thiện, hành thiền và hành đạo!