Nếu theo dõi các động thái cải cách giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong khoảng 15-20 năm trở lại đây cùng dư luận kèm theo, chúng ta sẽ kinh ngạc nhận ra một sự thật: những động thái cải cách giáo dục đó hầu như chỉ diễn ra và xoay quanh chuyện thay đổi chương trình và sách giáo khoa. Cả sự phản biện của các chuyên gia, nhà nghiên cứu và dư luận cũng thường chỉ tập trung vào đó.
Chiều ngày 19.1.2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức họp báo công bố dự thảo chương trình của 20 môn học. Theo đó, thời gian dành cho các chuyên gia bên ngoài và công chúng góp ý là khoảng 2 tháng và theo dự kiến đến tháng 4.2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố chương trình chính thức của các môn học.
Không rõ có phải do thời điểm công bố dự thảo chương trình các môn học vào chiều thứ sáu, lại rơi vào quãng thời gian cận Tết và sau đó là nghỉ Tết, du xuân hay không mà tính từ khi công bố cho đến nay, những tiếng nói phản biện chương trình vang lên thưa thớt. Tình hình đó khác hẳn với bầu không khí khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Dự thảo chương trình phổ thông tổng thể trước đó.
Phải chăng dư luận đã quá mệt mỏi với những đề án, dự thảo cải cách giáo dục và đã buông xuôi?
Tuy nhiên, cho dù cuộc thảo luận, phản biện về chương trình có sôi nổi thế nào đi chăng nữa, chúng ta cũng cần lưu ý một điều: cải cách giáo dục không phải chỉ là thay đổi chương trình và sách giáo khoa. Cần phải tiếp cận toàn diện đối với cải cách giáo dục thay vì tiếp cận nó từ góc độ coi giáo dục như một bộ phận riêng rẽ và chỉ quan tâm đến một bộ phận của giáo dục là chương trình – sách giáo khoa.
Nếu theo dõi các động thái cải cách giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong khoảng 15-20 năm trở lại đây cùng dư luận kèm theo, chúng ta sẽ kinh ngạc nhận ra một sự thật: những động thái cải cách giáo dục đó hầu như chỉ diễn ra và xoay quanh chuyện thay đổi chương trình và sách giáo khoa. Cả sự phản biện của các chuyên gia, nhà nghiên cứu và dư luận cũng thường chỉ tập trung vào đó.
Chưa cần bàn đến chất lượng của các bản chương trình, phiên bản sách giáo khoa mới được đưa ra trong mỗi lần cải cách cũng như nội dung và chất lượng của các ý kiến phản biện, bản thân việc tập trung nguồn lực của quốc gia và năng lượng xã hội vào riêng mỗi chuyện đó thôi trong cải cách giáo dục đã là điều bất thường và đáng lo lắng.
Lý do đơn giản là vì bản thân cải cách giáo dục mang một hàm nghĩa và nội dung rộng lớn chứ không phải chỉ đơn giản là chuyện thay đổi chương trình hay sách giáo khoa. Chương trình và sách giáo khoa cho dù quan trọng cũng chỉ là một bộ phận của giáo dục và là một trong nhiều yếu tố quyết định chất lượng giáo dục.
Cải cách giáo dục – công việc trọng đại với mục đích cuối cùng hướng đến xây dựng nên một xã hội mới tốt đẹp hơn, nhờ vào những con người mới do nền giáo dục mới tạo ra chắc chắn không chỉ đơn giản là thay đổi chương trình và sách giáo khoa.
Tham khảo công cuộc cải cách giáo dục ở Nhật Bản sau 1945 sẽ càng thấy rõ điều đó. Cuộc cải cách giáo dục thời hậu chiến ở Nhật Bản chính thức bắt đầu từ tháng 3.1947. Đấy là một cuộc cải cách toàn diện nhằm xây dựng nên nước Nhật Bản mới, một nước Nhật được định nghĩa, phác thảo bằng ba đặc điểm, cũng là ba cột trụ nền tảng của Hiến Pháp 1946: hòa bình, dân chủ, tôn trọng nhân quyền.
Cần phải tiếp cận toàn diện đối với cải cách giáo dục thay vì tiếp cận nó từ góc độ coi giáo dục như một bộ phận riêng rẽ và chỉ quan tâm đến một bộ phận của giáo dục là chương trình - sách giáo khoa.
Dựa trên triết lý về một nước Nhật Bản như thế, mục tiêu giáo dục được xác định: đào tạo nên người công dân dân chủ (về sau các nhà giáo dục Nhật thường diễn đạt là “người làm chủ” hoặc “người nắm chủ quyền”).
Việc xác định triết lý giáo dục với hai bộ phận cơ bản là “hình ảnh xã hội tương lai” (xã hội hòa bình, dân chủ, tôn trọng nhân quyền) và “hình ảnh con người mơ ước” (người công dân dân chủ) rõ ràng và luật hóa nó (Điều 1 Luật Giáo dục cơ bản công bố năm 1947 ghi rõ triết lý giáo dục này) đã vạch ra phạm vi và nội dung toàn diện của cải cách giáo dục.
Về sau, trong những năm 70 của thế kỉ XX, giáo sư Kaigo Tokiomi và các đồng nghiệp khi nghiên cứu và hệ thống lại cuộc cải cách giáo dục của Nhật Bản thời hậu chiến đã xuất bản một loạt sách có dung lượng đồ sộ (mỗi tập 400-500 trang).
Ở đó, cuộc cải cách giáo dục thời hậu chiến của Nhật Bản được khái quát lại trong rất nhiều phương diện như: cải cách hệ thống trường học, cải cách giáo dục xã hội, cải cách môn Nghiên cứu xã hội (Xã hội), cải cách tài chính giáo dục, cải cách triết lý giáo dục, cải cách đào tạo giáo viên, cải cách giáo dục đại học…
Như vậy, nếu so sánh sẽ thấy cuộc tranh luận về cải cách giáo dục ở nước ta đã diễn ra và tập trung vào phạm vi rất hẹp. Nó chỉ diễn ra trong phạm vi tranh luận về chương trình – sách giáo khoa hay đôi khi đề cập đến cải cách hệ thống trường học hay hình thức thi cử.
Cách tư duy và tiếp cận như vậy sẽ làm yếu đi sức mạnh của cải cách và không đủ sức mạnh dư luận để dẫn dắt, điều chỉnh cải cách giáo dục từ trên xuống đi đúng hướng mong đợi của người dân là kiến tạo nên xã hội ngày một tốt đẹp hơn.
Trên thực tế, đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục bao gồm một hệ thống các đề án khác, trong đó đổi mới chương trình – sách giáo khoa chỉ là một đề án. Tuy nhiên, cả truyền thông, giới chuyên gia và công chúng đã bỏ qua rất nhiều nội dung để rồi chỉ tập trung quan tâm tới chương trình và sách giáo khoa.
Đấy là điều đáng tiếc, và thói quen ấy sẽ tạo ra hệ quả xấu khi người dân khó biết được trong thực tế các đề án cải cách khác đang được thực hiện như thế nào cho dù nó vô cùng tốn kém.
Đương nhiên, phản biện dự thảo chương trình – sách giáo khoa là công việc cần làm và phải làm nghiêm túc nhưng đừng quên logic của một cuộc cải cách giáo dục thực sự sẽ bắt đầu từ đổi mới mục tiêu – triết lý giáo dục, thứ sẽ quyết định đến phạm vi và nội dung cải cách, trong đó có chương trình và sách giáo khoa.
Chuyện cụm từ “triết lý giáo dục” vắng mặt trong cả Chương trình phổ thông tổng thể và dự thảo chương trình từng môn học, cho dù cuộc tranh luận về “triết lý giáo dục” đã bùng nổ từ năm 2005, là một sư thật đáng suy ngẫm.
– Theo Nguoidothi