Hãng tin CNBC ngày 27/2 cho biết gã thương mại điện tử khổng lồ Amazon vừa thỏa thuận mua lại Ring – startup phát triển chuông cửa thông minh trong thương vụ trị giá hơn 1 tỷ USD. Đáng chú ý là startup này từng bị từ chối đầu tư và nhận nhiều lời phê bình trong chương trình gọi vốn đầu tư Shark Tank 4 năm trước.
Đối với người sáng lập, CEO Jamie Siminoff của Ring, hành trình đi đến thành công này không hề dễ dàng. Startup này từng bị từ chối đầu tư trong chương trình Shark Tank của đài ABC khiến công ty tưởng chừng như phá sản.
“Vô số người nói công ty sẽ thất bại”
Năm 2013, doanh nhân trẻ Siminoff tham gia chương trình Shark Tank với startup khi đó có tên Doorbot – công ty bán chuông cửa có wifi cho phép người dùng xem video hoặc nói chuyện với khách đứng trước cửa. Các nhà đầu tư “cá mập” của chương trình đã từ chối rót vốn cho Doorbot, ngoại trừ Kevin O’Leary – người đưa ra một đề nghị mà Siminoff gọi là “không thể chấp nhận được”. Cuối cùng, Doorbot ra về tay trắng.
“Tôi nhớ rằng sau tập Shark Tank khiến tôi rơi nước mắt đó, chúng tôi thực sự cần tiền bởi công ty đã cạn vốn”, Siminoff nói.
Siminoff cho biết anh đã chi 10.000 USD và cùng với startup 8 người chuẩn bị cho chương trình đó trong vòng một tháng. Tuy nhiên, Siminoff không chỉ phiền lòng về chuyện vốn đầu tư. Những phê bình từ các nhà đầu tư như Mark Cuban và Lori Greiner về khả năng thương mại của sản phẩm phản ánh những nghi ngờ về ý tưởng chuông cửa công ty.
“Tôi không thể đếm nổi những người đã từ chối đầu tư và những người nói rằng công ty của tôi sẽ thất bại”, Siminoff nói.
Tuy nhiên, đến nay, 4 năm sau khi xuất hiện trong mùa 5 của chương trình Shark Tank, startup chuông cửa thông minh đã có những bước tăng trưởng đáng kinh ngạc và hiện trị giá hơn 1 tỷ USD.
“Hiện chúng tôi có hơn 1.300 nhân viên với 10 sản phẩm cốt lõi được bán tại 16.000 cửa hàng”, Siminoff cho biết. Ring thậm chí còn được tỷ phú Anh Richard Branson đầu tư sau khi ông nhìn thấy một trong những sản phẩm của công ty.
Từ ý tưởng thiết thực thành công ty tỷ USD
Trước Ring, Siminoff đã xây dựng và bán nhiều startup, trong đó có một công ty được bán với giá 17 triệu USD vào năm 2009.
Dù đã thành công với nhiều công ty khác như SimulScribe – cung cấp dịch vụ chép lại thư thoại, hay Unsubscribe – dịch vụ “dọn rác” hòm thư điện tử, Siminoff vẫn chưa thấy thỏa mãn đam mê.
Vì vậy, cuối năm 2010, Siminoff mở một công ty trong garage và dành toàn bộ tập trung vào phát triển các sản phẩm mới. Nhưng có một vấn đề là từ chỗ làm việc, Siminoff không thể nghe thấy chuông cửa và cũng không thể tìm mua loại chuông cửa nào trên thị trường gửi thông báo qua điện thoại khi có khách đến.
“Tôi đã tự mình làm một cái chuông cửa wifi”, Siminoff nhớ lại và cho biết khi đó chưa xem đây là một sản phẩm kinh doanh mà chỉ là một giải pháp cho vấn đề khó chịu của mình.
Siminoff bắt đầu nhìn thấy tiềm năng của sản phẩm khi vợ anh cho biết cảm thấy an toàn hơn với một thiết bị cho phép nói chuyện với người đang gõ cửa trước khi cho họ vào nhà.
Doorbot ra đời năm 2012 và tham gia Shark Tank năm 2013 nhưng đã lãng phí khoản đầu tư chuẩn bị chương trình khi ra về tay trắng.
“Khi đó, đội ngũ của tôi chỉ có 8 người, làm việc trong garage nhà tôi và đang sắp phá sản vì cạn tiền”, Siminoff cho biết. “Dù có một số doanh thu nhưng chúng tôi không có đủ vốn cho những khoản chi phí khổng lồ”.
Siminoff thừa nhận mỗi lời từ chối đều khiến anh thất vọng nhưng rồi vẫn phải vùng lên và “chiến đấu” quyết liệt hơn. Với Siminoff, những thử thách không phải là lý do để từ bỏ, mà là lý do để làm việc chăm chỉ và tập trung hơn.
– Theo VnEconomy