Tôi nhớ đến hình ảnh ám ảnh mình mãi, về những bức ảnh cũng một “trí thức” khoe trên mạng năm nào, chụp cảnh cả gia đình hì hục ép, uốn, nhồi bằng được một cành đào rừng vào trong thang máy của một khu chung cư. Tất cả, chỉ vì những mùa xuân tạm bợ và bất nhẫn.
Sau Tết dương lịch dường như là giai đoạn mọi thứ đều trôi qua rất nhanh, trôi như sợ không kịp tới một cái đích mơ hồ nào đó, dù ai cũng biết, cái đích ấy là Tết Nguyên đán. Hối hả có lẽ là tính từ chuẩn xác nhất để nói về khoảng thời gian ngắn ngủi ấy trong năm, dù thực tâm, tôi thích dùng từ “sầm sập”. Tết dương lịch sầm sập qua, Tết Nguyên đán sầm sập đến, con người thì sầm sập lao vào những kỳ hạn như để phủi sạch tay năm cũ, sầm sập lao vào những tất niên thủ tục mà vội vàng, và tất nhiên, có nhiều khi hoang phí.
Thực ra thì thời gian vẫn trôi như vậy, không khác gì những khoảng thời gian khác trong năm. Có chăng, cảm giác của chúng ta về thời gian lại khác. Mà cảm giác, nhiều khi được hình thành từ những nhận biết trực quan xung quanh. Những cây thông Noel trang trí được vội vã dỡ đi, để thay vào đó là những cây đào, cành mai nghìn năm chẳng khác là mấy. Đèn màu phố xá cũng thay cho kịp với chủ đề. Cả thành phố mới đó xanh xanh, đỏ đỏ, trắng trắng đúng sắc Giáng sinh đã quay sang hồng điều, vàng mai chói lói.
Và ngay cả nơi chúng ta ở, những căn nhà nhỏ, những căn hộ nhỏ, cũng đổi thay theo cái chủ đề của thời cuộc. Tết bỗng thành thời điểm người ta trả nợ: trả nợ nhau, trả nợ ông bà cha mẹ, trả nợ con cái, trả nợ bằng hữu, đồng nghiệp và trả cả khoản nợ vô hình với đúng những gam màu chủ đạo ngàn năm kia.
Nhắc đến gam màu chủ đạo, đến mai, đến đào, lại nhớ đến những cành đào rừng mốc rêu hiên ngang và phóng khoáng, kiêu hãnh và quật cường. Tôi đã mê mẩn cái vẻ đẹp của đào rừng ấy từ rất lâu rồi, khi còn là một chú bé con độ chừng hơn mười tuổi. Trong một chuyến đi tham quan ké cơ quan của ông bác, lên miền Hòa Bình, giữa một sáng lạnh ẩm ướt hơi sương, trước một cái nhà sàn be bé, tôi đã thấy một cây đào vĩ-đại-nhất-mà-mình-từng-được-thấy bừng hoa ngay trước mảnh sân rộng gấp bảy, tám lần ngôi nhà.
Đó là một ngày tháng chạp những năm tám mươi. Thằng bé con vốn dĩ cứ nghĩ hoa đào chỉ là những cành đào bích, đào phai kiểu tròn tròn được bán ngoài chợ hoa Hàng Lược đã không thể ngờ rằng ở miền biên viễn kia cây đào rất khác. Chúng kiêu hãnh, khoáng đạt. Chúng vươn trong không gian sơn cước. Chúng tắm đẫm mình trong mưa phùn và sương mù. Chúng khẳng khiu nuôi những nụ hoa với cái sắc bàng bạc, chỉ khi không còn nhiều nhựa sống để nuôi hoa nữa, chúng mới bắt đầu ra lá.
Kể cũng lạ. Đào là giống hiếm hoi mà hoa được nuôi dưỡng vào thời điểm thời tiết khắc nghiệt nhất để rồi khi vào mùa sung mãn, đó là lúc lá mới bắt đầu xanh, lấp đi những cành khẳng khiu gầy, những cành mốc thếch xanh rêu.
Mười năm sau, khi thằng bé đã bắt đầu đôi mươi, biết yêu là gì, biết bị chối từ ra sao, biết ngẩn ngơ đứng đợi trước ngõ một người con gái là như thế nào, cậu trai ấy được gặp lại đào rừng lần nữa. Đó là dịp lên chúc tết bố mẹ nuôi ở trên khu phố cổ. Căn phòng nhỏ chừng 30 mét vuông của bố mẹ nuôi choán đầy sách đã bị mất hẳn một phần không gian cho một cành đào rừng vĩ đại. Đó là quà biếu của một chi nhánh cơ quan mẹ ở Lạng Sơn, gửi cấp tốc về Hà Nội. Chủ nhà hân hoan tự hào vì cành đào độc, lạ. Khách thăm nhà trầm trồ bình phẩm ngợi khen. Cành đào rừng bỗng nhiên trở thành một chủ đề bàn luận suốt tết.
Nhưng nếu cành đào có đôi tai để nghe tiếng con người, có luôn cả miệng để nói tiếng con người, liệu nó có nói rằng nó tự hào hay không? Hay nó sẽ nói về nỗi đau không chỉ từ vết chặt còn mưng nhựa mủ?
Sau tết ấy vài tết, tôi đi Sài Gòn, chuyến đi để từ đó về sau, Sài Gòn không còn là chốn để đi nữa, mà là nơi để về. Ăn tết Sài Gòn cũng nhiều, tôi bớt được gặp hoa đào hơn. Nhưng tôi cũng bắt đầu thấy nhiều hơn những đào rừng kéo về thành phố. Đâu như hồi tết năm 2000, chính cô em ruột tôi còn hồ hởi viết email khoe rằng: “Em và lũ bạn kéo nhau lên Sơn La mua đào. Thuê cả cái xe tải nhỏ chở đào rừng về. Đứa nào đứa nấy hớn ha hớn hở”.
Tôi đã không thể hình dung nổi cái cành đào rừng kia sẽ tồn tại thế nào trong căn phòng khách bé nhỏ nhà cha mẹ mình. Căn phòng ấm cũng, chật hẹp ấy chắc chắn không thể là không gian phù hợp cho một cành đào rừng to vật vã được. Những nhánh của nó sẽ vươn về đâu, ngoài những hướng bức bối được chặn lại bởi vách, bởi tường, bởi tủ, bởi bàn, bởi ghế. Và tôi cảm thấy sợ hãi hình ảnh của những cành đào rừng trong phố như thế. Nó khiến tôi tưởng tượng ra những con dế mèn ngày nhỏ, bị nhốt vào trong những vỏ bao diêm, và chết.
Bây giờ, chơi đào rừng đã là cái mốt. Tết nào cũng như tết nấy, người ta chặt đào rừng từ miền núi chuyển về những đô thị xúng xính làm sang. Rồi người ta chặt cả mận rừng, cả mơ, cả mai, với màu hoa trắng tinh tươm của miền sơn cước. Và hãnh diện chụp những bức hình đăng tải trên Facebook chờ chúng bạn trầm trồ. Và dường như cả đô thị sầm uất đã tự đặt mình trong bối cảnh núi rừng như những phim trường giả tạo.
Những cành đào rừng ấy có đẹp không? Tôi luôn tự trả lời mình rằng chúng tuyệt đẹp. Nhưng chưa bao giờ chúng cho tôi lại cảm giác của lần đầu tiên chạm mặt đào rừng khi mới lên mười. Không có cái mảnh sân sơn khê rộng đến trải hết cả mình ra, đào rừng không còn được là chính nó nữa. Giữa những cái hộp ô vuông nho nhỏ vài chục mét vuông, đào rừng bỗng trở thành hiện thân của một kẻ yêu tự do nhưng lại phải chịu kiếp nô lệ tù túng trong thói hám vui vô bổ của loài người. Và định nghĩa về cái đẹp cũng đã bị chà đạp từ đấy.
Cái đẹp phải nằm trong đúng bối cảnh của nó, cũng như chiếc thìa bạc của một nhà hàng Pháp cổ kính không thể nào còn đẹp nữa nếu được bày lên chiếc chõng tre của một nhà hàng quê thuần Việt. Và khi con người ta thấy cái gì đẹp là lôi ngay về nhà mình, thay vì đi đến tận nơi vẻ đẹp vốn dĩ sinh sôi mà ngắm nhìn nó, thán phục nó, thậm chí “selfie” cùng nó, thì đấy là lúc cái ác của con người đã đạt đến tầm vô thức.
Nó khiến tôi nhớ đến Henry Miller, với Ác mộng phòng lạnh (Air-Conditioned Nightmare), một tuyên chiến với chủ nghĩa thụ hưởng quái thai và dị hợm đã làm con người càng ngày càng mất đi tính người.
Bây giờ đào rừng không chỉ về Hà Nội, xứ dẫu sao vẫn còn cái lạnh của mùa đông, nó đã bị áp tải như những tù nhân lưu đày viễn xứ vào cả Sài Gòn, nơi mà vĩnh-viễn-đào-hoa-không-còn-kiêu-hãnh. Những cánh đào Nhật Tân vào đến xứ nóng phương Nam đã héo rũ ngay khi còn ở trên cành. Vậy mà con người ta cứ mặc định rằng, ở trong những căn hộ tiện nghi máy lạnh 18 độ C, đào hoa sẽ vẫn là hoa đào xứ Bắc. Không thể. Vĩnh viễn là không thể.
Cái cây phải thở không khí mà nó thuộc về. Cái cây không thể nào thở trong bầu không khí tù túng và vay mượn.
Viết đến đây, tự dưng tôi nhớ lời chàng gù Quasimodo hát về Esmeralda trong vở nhạc kịch Notre Dame de Paris rằng: “Con chim uyên nhốt trong lồng con rồi / Sao chim vươn cánh bay tung trời?”. Cái đẹp của đào rừng cũng vậy thôi. Nó là vươn, là khát vọng, là tự do, là khoáng đạt. Vậy thì tại sao không trả nó về rừng, khi chính chúng ta vẫn nói với nhau rằng “ăn của rừng thì rưng rưng nước mắt”?!
Năm ngoái tôi đã từng ước gì cái khúc đường Phạm Ngọc Thạch, trước Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM sẽ được trồng hoa mai thật, chăm bẵm cho đúng dịp xuân về nở rực vàng lên, để thay cho những cành mai giả dán giấy nhạt nhẽo và vô vị. Năm nay, có lẽ tôi ước thêm người ta có thêm một con đường hoa đào ở Hà Nội, con đường đủ để ai yêu đào được thấy chúng vươn lên thật sự, trong không gian thoáng đãng và kiêu hãnh chờ đợi những ai yêu vẻ đẹp sẽ tìm đến với mình.
Nhưng ước mơ cũng chỉ là hão huyền thôi. Bởi muốn có vàng mai hay hồng đào mà ngắm thì phải trồng cây, cái công việc ít nhất cũng phải dăm năm mới có được chút thành tựu.
Đột nhiên, nhớ lại câu hỏi của một bà chị: “Theo chú, nếu một người đọc Giọt rừng của Mikhail Prisvin rồi thì họ có lên Tây Bắc chặt một cành đào mang về nhà ống ở phố không?”, tôi đã trả lời rằng:
“Chị ạ, hơi bị buồn là nhiều người chơi đào rừng lại là dân đọc sách”.
Và tôi nhớ đến hình ảnh ám ảnh mình mãi, về những bức ảnh cũng một “trí thức” khoe trên mạng năm nào, chụp cảnh cả gia đình hì hục ép, uốn, nhồi bằng được một cành đào rừng vào trong thang máy của một khu chung cư. Tất cả, chỉ vì những mùa xuân tạm bợ và bất nhẫn…