Xem phim tư liệu hoặc phim truyện của Âu Mỹ hiện nay, hễ có cảnh sanh đẻ thì luôn luôn thấy có sự hiện diện của đức ông chồng bên cạnh bà vợ trong phòng sanh, khác với xưa kia người chồng chỉ được lấp ló chờ đợi ngoài cửa.
Sự có mặt của ông chồng, người vợ được yên tâm hơn, được chia sẻ, được nâng đỡ rất nhiều trong lúc “vượt cạn”. Người chồng nắm chặt tay vợ, cũng toát mồ hôi hột, cũng nhăn nhó, bặm môi, mím miệng rặn đẻ không thua gì người vợ và khi bé sổ lòng, cả hai đều hân hoan vui sướng bên nhau…
Trước đây, sanh đẻ theo khoa học là cách ly vợ chồng, cách ly mẹ con, người mẹ được đánh thuốc mê để “mổ bắt con” cho khỏi đau đớn (đến nỗi khi người ta đưa con lại cho bà, bà ngạc nhiên: Con tôi đây sao? Tôi không thể tin nó là con tôi! Thế giới bí mật của trẻ em, Thérèse Gouin-Décarie) thì bây giờ người ta để cho bà mẹ được sanh đẻ một cách tự nhiên, được đau đẻ một cách tự nhiên bên cạnh người chồng và khi sanh xong thì trao con cho đôi vợ chồng ngay tức khắc. Đây được coi như là những phát hiện mới của y học, tâm lý học phương Tây, là những thành tựu khoa học tiên tiến.
Hơn 40 năm trước, thời tôi học Y khoa, phải đến năm thứ ba, chúng tôi mới được thực tập đỡ đẻ trên người. Mỗi sinh viên phải đỡ ít nhất 20 “ca” sanh thường, nghĩa là không có bệnh lý.
Đêm nào chúng tôi cũng phải trực để “bắt ca”, nghĩa là chọn những ca tương đối dễ dễ một chút theo chỉ dẫn của các cô nữ hộ sinh nhiều kinh nghiệm, rồi bám theo sản phụ, săn sóc, hỏi bệnh sử, làm bệnh án, thông nước tiểu, thông trực tràng, làm vệ sinh sạch sẽ các thứ… một cách rất khoa học…
Có bà trong lúc đau bụng quá chửi chồng tưng bừng, coi ông là nguyên nhân gây ra nỗi đau khổ này của bà! Ông chồng trốn mất, đến lúc vợ đẻ xong mới toe toét cười (Năm sau lại thấy họ dẫn nhau đến đẻ nữa!). Bé sanh ra mà khóc càng to thì chúng tôi càng vui, vì nếu không khóc được thì bé đã bị ngạt, phải rưới alcool vào da để kích thích hô hấp và đét vào mông cho bé khóc…
Ở Thụy Điển, một nước có tỷ lệ tử vong mẹ thấp nhất thế giới, thấp gần bốn lần của Mỹ, và tám lần của Nhật, việc sinh đẻ hiện nay còn tiến bộ hơn. Bà mẹ không cần phải nằm trên bàn sanh – dạng hai chân ở một tư thế khó chịu, có khi còn bị cột tay chân cho khỏi té – thì người ta cho bà tự chọn tư thế sao cho thoải mái, bớt đau, như ngồi xổm, ôm lấy người thân, ôm lấy bàn ghế; các vụ thụt tháo trực tràng… đều không cần thiết vì không ích lợi gì mà còn làm sản phụ khó chịu.
Lúc sanh, sản phụ có thể ở trong tư thế nửa nằm nửa ngồi, quỳ xổm, ngồi ghế thấp, dạng chân, nằm nghiêng, bò qua lại… miễn sao được thoải mái. Tư thế tự nhiên này còn giúp cho cổ tử cung mau nở trọn. Người chồng được tham gia trong quá trình sanh đẻ từ đầu đến cuối. Chuyện đánh thuốc mê, sanh mổ… rất ít khi xảy ra, trừ phi cần can thiệp vì bệnh lý.
Những phát hiện mới mẻ của y học, tâm lý học phương Tây trong chuyện sinh đẻ thực ra… không có gì mới cả!
Will Durant, tác giả Nguồn gốc văn minh (bản dịch Nguyễn Hiến Lê) cho rằng đỡ đẻ là nghề Y đầu tiên của loài người. Con người tự nhiên mà biết… đẻ và biết đỡ đẻ. Trong một thời gian dài của lịch sử, bà mẹ tự đẻ và tự đỡ cho mình, cũng chẳng cần ai giúp.
Bây giờ vẫn còn thấy ở một số nơi bà mẹ đau đẻ chạy vào rừng, ôm lấy gốc cây, lòm còm, lom khom rặn đẻ. Đẻ xong, tìm cách cắt rốn cho con rồi bế con còn đỏ hỏn nhúng vào nước suối lạnh ngắt cho khóc thét lên càng to càng tốt, rồi cho bú ngay sữa mẹ… Dĩ nhiên thời đó chưa có thuốc chích ngừa uốn ván nên trẻ dễ mắc bệnh này và tỷ lệ tử vong sơ sinh rất cao.
Ở ta ngày xưa, theo tài liệu của Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, cũng cho thấy tập tục cổ truyền buộc người chồng phải tham gia một cách tích cực vào cuộc sanh đẻ của vợ. Khi gặp trường hợp khó sanh thì ông chồng còn phải leo lên mái nhà, tháo hết các nút lạt ra, hoặc nhổ hết các cọc rào, hy vọng nhờ vậy mà vợ dễ sanh; còn khi vợ rặn lâu quá mà chưa sanh được thì ông chồng phải lội qua sông, nhảy qua ao hoặc quậy nước trong lu cho… trơn, để bé dễ chui ra…
Không nói chuyện dị đoan mê tín ở đây, chỉ nói về góc độ tâm lý thì ở phương Đông, từ xưa người ta đã thấy vai trò quan trọng của người chồng trong lúc vợ sanh đẻ như thế nào!
Chồng bên ta không chỉ nắm tay, bặm môi như chồng Tây mà đôi khi còn phải leo trèo nhảy nhót nhiệt tình, cực lực để giúp vợ trong những lúc khó khăn nhất, không để vợ phải “mồ côi một mình”!
Tóm lại, chuyện sanh đẻ lòng vòng một hồi rồi quay về chốn cũ.
Hẹn thư sau. Thân mến.