Trong hai ngày 21 và 28-1-2018, tại Nhà hát Bến Thành TP.HCM vở cải lương danh tiếng Đời cô Lựu được tái dựng với hai cô Lựu là Bạch Tuyết, Phượng Liên và lần đầu tiên bolero sẽ được đưa vào vở diễn…
Đời cô Lựu tái dựng lần này do diễn viên Gia Bảo đầu tư thực hiện, nối tiếp chương trình dàn dựng lại những vở cải lương xưa mang tên Tài danh đất Việt mà anh đã thực hiện trước đó khi tái dựng Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa, Nửa đời hương phấn.
Nhà báo Thanh Hiệp – đại diện Hội Sân khấu TP.HCM cho biết năm 2018 là năm kỷ niệm 100 năm cải lương ra đời tại Việt Nam. Hội Sân khấu Việt Nam ở Hà Nội đã có nhiều kế hoạch cho dịp kỷ niệm này. Hội Sân khấu TP.HCM ở phía Nam – cái nôi của cải lương – cũng đã lên nhiều kế hoạch cho 100 năm cải lương ra đời. Cũng trong dự án này, nhà báo Thanh Hiệp tổ chức triển lãm ảnh nghệ sĩ nhiều thế hệ từng diễn Đời cô Lựu trước sảnh Nhà hát Bến Thành và nói chuyện với khán giả về quá trình sáng tác của soạn giả Trần Hữu Trang với tác phẩm Đời cô Lựu.
Ra đời từ năm 1936, vở cải lương Đời cô Lựu được cố soạn giả Trần Hữu Trang viết trong thời kỳ sơ khai của cải lương. Có hàng chục, hàng trăm nghệ sĩ cải lương tên tuổi nhiều thế hệ đã diễn qua vở cải lương này. Nhưng khán giả cải lương chỉ nhớ nhiều đến hai phiên bản Đời cô Lựu. Một phiên bản được nhớ diễn trước 1975 với nhiều nghệ sĩ tiền bối bậc thầy như: Phùng Há – cô Lựu, Út Trà Ôn – Võ Minh Thành, Hoàng Giang – Hội đồng Thăng, Thanh Nga – Kim Anh… Ở phiên bản này, những khán giả lớn tuổi kể lại rằng kết vở, có tiếng chuông chùa vọng lại, cô Lựu đi tu.
Phiên bản thứ hai in sâu trong tâm trí khán giả nhiều thế hệ cho đến ngày hôm nay là bản dựng của đạo diễn Huỳnh Nga vào năm 1984 cho đoàn các nghệ sĩ Việt Nam đi châu Âu biểu diễn lần đầu tiên kể từ sau 1975. Ở phiên bản này nghệ sĩ Bạch Tuyết vai cô Lựu, Thành Được – Võ Minh Thành, Diệp Lang – Hội đồng Thăng, Minh Vương – Võ Minh Luân, Lệ Thủy – Kim Anh, Ngọc Giàu – bà Hai Hương và Bảy cán vá… Ở bản dựng này, mỗi nghệ sĩ đều xuất sắc trong vai diễn của mình, nhiều vai diễn trong vở dù chính hay phụ đều trở thành vai để đời của các nghệ sĩ tham gia như Bạch Tuyết, Diệp Lang, Ngọc Giàu, Minh Vương, Lệ Thủy. Bản dựng và các vai diễn của nghệ sĩ ở phiên bản này ấn tượng đến mức nó trở thành kinh điển, khuôn mẫu để nhiều nghệ sĩ về sau diễn theo. Đến nay, đã có rất nhiều nghệ sĩ từng diễn cô Lựu sau nghệ sĩ Phùng Há, Bạch Tuyết như: Phượng Liên, Thoại Miêu, Phượng Loan, Thanh Thanh Tâm, Phương Hồng Thủy, Phượng Hằng, Tâm Tâm, Hồ Ngọc Trinh, Như Huỳnh…
Riêng cô Lựu nổi tiếng nhất – nghệ sĩ Bạch Tuyết đã diễn vai cô Lựu cùng với rất nhiều Hội đồng Thăng, Võ Minh Thành như Thanh Sang, Thanh Tòng, Minh Vương, Hoài Linh, Kim Tử Long…; cũng như diễn cùng biết bao nhiêu Kim Anh, Võ Minh Luân khác. Tuy nhiên, ấn tượng lớn nhất của cô Lựu Bạch Tuyết đó là: “Dĩ nhiên là buổi đầu tiên đi Tây diễn Đời cô Lựu vào năm 1984. Nếu không có dàn nghệ sĩ đó thì cô Lựu cũng không hay. Sở Văn hóa Thông tin thành phố lúc đó đã sắp đặt một dàn nghệ sĩ quá sức tốt đẹp, toàn là các anh chị gạo cội. Nếu không nằm trong ê-kíp đó mình khó thể xuất sắc. Cho đến bây giờ tôi vẫn biết ơn thành phần đó. Nó như một cái gì hoàn chỉnh, xuất hiện đầu tiên, được chăm chút vô cùng. Tôi được hân hạnh diễn chung với các nghệ sĩ gạo cội. Không có đào chánh kép chánh, tất cả đều là nhân vật quan trọng”.
Đời cô Lựu tái dựng vào ngày 21 và 28-1-2018 vẫn giữ nguyên kịch bản của soạn giả Trần Hữu Trang và bản dựng nổi tiếng để đi Pháp vào tháng 2-1984 của NSND – đạo diễn Huỳnh Nga, NSND Bạch Tuyết làm cố vấn nghệ thuật, Ngọc Hùng đạo diễn ánh sáng, âm nhạc Thái An, phục trang Minh Châu – Bảo Ly. Tham gia biểu diễn là những nghệ sĩ cải lương gạo cội, tên tuổi như: Bạch Tuyết, Phượng Liên cùng diễn vai cô Lựu. Thanh Điền, Bạch Long diễn Hội đồng Thăng. Ngọc Giàu vai bà Hai Hương và Bảy cán vá. Minh Vương vai Võ Minh Luân. Chí Tâm, Linh Tâm vai Võ Minh Thành. Thanh Hằng, Bình Tinh vai Kim Anh. Kim Tử Long vai chồng Kim Anh. Tấn Beo vai thợ bạc. Cùng sự tham gia của: Hà Linh, Gia Bảo, Minh Dự.
Đời cô Lựu tái dựng lần này có nhiều ca sĩ nổi tiếng tham gia như: Phi Nhung, Cẩm Ly, Lệ Quyên, Hoài Lâm, Quốc Đại. Các ca sĩ này một số hóa thân luôn vào nhân vật như Cẩm Ly vào vai cô Lựu lúc trẻ. Các ca sĩ không diễn được sẽ hát những bài bolero xen vào vở diễn thể hiện tâm lý của các nhân vật như: cô Lựu, Kim Anh, Minh Luân, Minh Thành, chồng Kim Anh…
Theo học giả Vương Hồng Sển, cũng như nhiều nhà nghiên cứu về sau này, nghệ thuật sân khấu cải lương chính thức ra đời với suất diễn cải lương chuyên nghiệp đầu tiên tại một rạp hát vào ngày 15-3-1918. Đó là suất diễn vở Kim Vân Kiều do soạn giả Trương Duy Toản soạn tại rạp Thầy Năm Tú ở Mỹ Tho, Tiền Giang. Tuy nhiên vẫn có nhiều tài liệu khác, nhiều nhà nghiên cứu khác tranh cãi cải lương ra đời vào năm 1917, vở diễn được diễn vào ngày 15-3-1918 ở rạp Thầy Năm Tú là vở Lục Vân Tiên.