Gần 2.000 người dân TP.HCM vừa được tận hưởng vẻ đẹp sống động của hang Sơn Đoòng qua công nghệ thực tế ảo. Nhiều người kỳ vọng, công nghệ này có thể sẽ là một trong những cách đưa giá trị hoang sơ 5 triệu năm tuổi của Sơn Đoòng đến với khách du lịch nhiều hơn, thay vì dự định làm du lịch đại trà vào hang như hiện nay.
Từ một bờ suối gần cửa hang Sơn Đoòng với tiếng nước chảy róc rách, hành trình khám phá Sơn Đoòng sống động bắt đầu.
Theo dấu mũi tên hiện ra trước mắt, du khách sẽ lần lượt như được đưa vào, đứng giữa những giá trị nguyên sơ 5 triệu năm tuổi của hang Sơn Đoòng. Với một “hướng dẫn viên” bên mình.
Đó là những khoảnh khắc được đứng trong những hang động kỳ vĩ với những thạch nhũ hàng triệu năm tuổi; ngắm nhìn vòm trời xanh từ đáy hang sâu thẳm; choáng ngợp trước dòng sông huyền hoặc, nghe tiếng nước chảy tí tách, hay tiếng chim hót, chìm đắm giữa một hệ sinh thái rừng nguyên sinh,… trong lòng hang.
“Khi ở trong hang, trong một thoáng giữa ranh giới của ánh sáng và bóng tối, tôi cảm nhận như mình đang ở giữa ranh giới của sự sống và cái chết. Mọi thứ quá kỳ diệu. Tôi thấm thía hơn về thử thách của bản thân mình hiện nay, để xem giới hạn của bản thân mình sẽ tới đâu”, một bạn trẻ tên Tuyết chia sẻ với Người Đô Thị, sau gần 30 phút “du lịch” khám phá Sơn Đoòng.
Tuyết cho biết đôi mắt bạn bị đục tinh thể, đang mờ dần. “Tôi không còn nhiều thời gian nữa. Kế hoạch của tôi là muốn được đi và nhìn thấy Sơn Đoòng bằng chính đôi mắt thật của mình, trong năm nay hoặc năm tới”, Tuyết nói.
Trên là một trong nhiều cảm nhận cảm động tại “hành trình” khám phá Sơn Đoòng, kéo dài chừng 30 phút, chỉ trong một không gian khoảng 100m2.
Quá trình này được thực hiện qua công nghệ thực tế ảo, với một kính VR (virtuality reality – thực tế ảo), và một tai đeo tai nghe (headphone).
Hoạt động do Save Sơn Đoòng tổ chức từ ngày 13-1 đến 14-1-2018, tại S.Hub Sài Gòn, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM.
Save Sơn Đoòng là một nhóm bạn trẻ đang làm việc và học tập ở nhiều nơi, được thành lập từ năm 2014; với các hoạt động vận động phản đối xây dựng cáp treo vào Sơn Đoòng.
Đoạn phim trải nghiệm về Sơn Đoòng trên được quay bởi phóng viên, nhiếp ảnh gia người Thụy Điển, Martin Edstrom. Anh đã giành giải nhất thể loại Ảnh động cuộc thi ảnh quốc tế International Photography Adward 2015 cho dự án #SonDoong360.
“Du lịch đại trà không phù hợp với Sơn Đoòng. Chúng tôi đang cố gắng đưa các giá trị khoa học và nguyên sơ của Sơn Đoòng đến với nhiều người. Công nghệ thực tế ảo có thể đem Sơn Đoòng ra ngoài hang với mọi người nhiều hơn, thay vì hình thức du lịch truyền thống: đem con người vào hang nhiều hơn, sẽ tác động tiêu cực đến các giá trị nguyên sơ của hang”, Lê Nguyễn Thiên Hương, sáng lập Save Sơn Đoòng cho biết.
Sau những phút khám phá Sơn Đoòng, nhóm bạn trẻ Phan Khương nói rằng: rất sợ Sơn Đoòng sẽ bị chết; và rất cần bảo tồn tính nguyên sơ của hang Sơn Đoòng.
Cho biết đã từng đi du lịch tại nhiều hang động đẹp của Việt Nam, chứng kiến nhiều hang động đang bị chết dần do sự tác động quá nhiều của con người và các hoạt động xây dựng du lịch trong đây, Phan Khương cũng cho rằng: thực tế ảo là một trong những cách có thể thay thế làm du lịch đại trà vào Sơn Đoòng, như dự tính hiện nay.
“Tuy nhiên, cần lưu ý đến tính bản quyền của những thước phim về Sơn Đoòng và cách thực hiện như thế nào, để người dân địa phương vẫn có thể được hưởng lợi từ du lịch nơi đó mang lại”, Khương nói.
“Sơn Đoòng là một giá trị vô giá, nếu bị tổn hại gì thì chắc chắn con người không thể sửa chữa được. Tôi nghĩ công nghệ thực tế ảo là một cách “đi du lịch” hay, và tôi sẽ lựa chọn nó, thay vì đi cáp treo vào hang”, bà Phạm Minh Ngọc, chia sẻ.
Tuy nhiên, bà Ngọc cũng cho rằng, muốn làm được vậy, chính quyền địa phương cần chú trọng đầu tư đến chất lượng sản phẩm, như làm được những thước phim thật sự xuất sắc và sâu sắc, đánh được vào cảm xúc của người xem…
Được con gái đăng ký cho tới xem thực tế ảo Sơn Đoòng, bà Ngọc chia sẻ: “Xem xong, tôi thấy thương Sơn Đoòng quá. Sắc đẹp của Sơn Đoòng là đúng rồi, nhưng đầu tiên tôi thương là cái tuổi. Nó đã hình thành và tồn tại đến nay đã hơn 5 triệu năm rồi. Và tôi rất mang ơn vợ chồng người Anh, ông bà Howard Limbert. Chúng ta đang quên mất họ”.
Ông bà Howard Limbert đã thầm lặng dành suốt gần 30 năm qua để tìm kiếm và khám phá ra hàng trăm hang động lớn nhỏ ở Phong Nha – Kẻ Bàng.
Khi Sơn Đoòng lần đầu tiên được công bố là hang động lớn nhất thế giới, vào năm 2009, bà Debora Limbert chính là người trực tiếp làm việc với các hãng thông tấn lớn trên thế giới như BBC, CNN, các đoàn làm phim đến từ Hongkong, Anh, Mỹ… “dẫn đường” cho họ đến Sơn Đoòng.
Từ đó, sự kỳ vĩ, vẻ đẹp lộng lẫy của Sơn Đoòng đã làm cho hàng triệu con tim thổn thức, quyết tìm đến khám phá…
“Rất nhiều người nước ngoài kêu gọi gìn giữ Sơn Đoòng, một tài sản vô giá của Việt Nam. Vậy mà, tại sao mới biết đến Sơn Đoòng là chính quyền, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã nghĩ ngay đến việc làm cáp treo, thương mại Sơn Đoòng?”, bà Ngọc đặt câu hỏi.