Tiến sĩ Lê Thái Phong đến từ Đại học Ngoại Thương đánh giá hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam khá đầy đủ, tuy nhiên vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế.
Vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam còn ‘đắt’
Sáng 12/1, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tổ chức sự kiện khởi nghiệp Navigate Hanoi. Phát biểu tại chương trình, bà Nguyễn Thị Lệ Quyên đến từ Cơ quan Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết Việt Nam hiện có hơn 97% doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, trong đó doanh nghiệp nhỏ vẫn chiếm phần lớn.
Từ năm 2014 trở lại đây số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng rất nhanh. Riêng năm 2017, Việt Nam có gần 127.000 doanh nghiệp mới, tăng 15,2% so với 2016.
“Điều này chứng tỏ tinh thần khởi nghiệp tại Việt Nam ngày càng lớn mạnh”, bà Quyên nói.
Cũng theo đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng start-up tại Việt Nam phát triển rất nhanh trong thời gian qua. Các start-up này hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ thương mại điện tử, Fintech đến truyền thông….
Với hơn 94 triệu dân, trong đó số lượng người sử dụng Internet lên đến 53 triệu người, số người sử dụng mạng xã hội 46 triệu người, bà Quyên nhận định thị trường Việt Nam có nhiều cơ hội cho các start-up công nghệ.
Tuy nhiên, theo bà Quyên, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam còn khá non trẻ, thiếu các doanh nghiệp đạt mức độ unicorn (start-up kỳ lân). Trong khi thực tế cho thấy vai trò của các unicorn rất quan trọng. Những nhà sáng lập của các unicorn có thể trở thành nhà đầu tư và cố vấn của các start-up, giúp làn sóng khởi nghiệp được lan tỏa.
Bên cạnh đó, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, vốn mạo hiểm cho start-up Việt Nam đang ‘khá đắt’. “Ở các nước có hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển như Mỹ, với 10% cổ phần có thể huy động được 1 triệu USD. Ở Việt Nam vốn đầu tư mạo hiểm rất đắt nên với cùng số cổ phần đó chỉ huy động được 100.000-200.000 USD”, bà Quyên nói.
“Theo thống kê không chính thức, hiện có khoảng 40 quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam. Thời gian gần đây, các nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp trong nước cũng tìm kiếm cơ hội đầu tư cho các start-up. Chính phủ cũng có một số quỹ hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp”, bà Quyên cho biết thêm.
Từ góc độ một nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, ông Hiroyuki Ono – Đối tác của quỹ ACA Investments đánh giá với tốc độ tăng trưởng GDP trên dưới 6% trong những năm qua cùng mức tiêu dùng bình quân đầu người tăng mạnh, Việt Nam là thị trường tiềm năng cho các nhà đầu tư.
“Việt Nam đã vượt Thái Lan và Indonesia trở thành thị trường hấp dẫn nhất của các nhà đầu tư Nhật Bản. Nhiều doanh nghiệp Nhật đã và đang lên kế hoạch mở nhà máy và chi nhánh tại Việt Nam”, ông Hiroyuki Ono chia sẻ.
Start-up Việt biết nhiều nhưng chưa sâu
TS Lê Thái Phong, Khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngoại Thương đánh giá hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam hiện nay tương đối đầy đủ so với yêu cầu, có sự tham gia của nhiều thành phần như Chính phủ, các accelerator, coworking space,…
Dù vậy, ông Phong cho rằng môi trường khởi nghiệp của Việt Nam vẫn tồn tại những hạn chế. Thứ nhất, ở nhiều nước trên thế giới, các công ty khởi nghiệp không mất phí và chỉ mất 30 phút đăng ký, trong khi đó ở Việt Nam mất tối thiểu 50 USD và 7 ngày đăng ký.
Thứ hai, cùng một môi trường kinh doanh nhưng có sự khác biệt về thủ tục hành chính, giấy phép giữa các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp thuộc khối nhà nước. Thứ ba về chính sách thuế, dù chủ trương của Chính phủ rất ủng hộ nhưng chính quyền địa phương nhiều khi còn gây khó khăn.
Vị TS đến từ Đại học Ngoại Thương cũng chỉ ra điểm yếu của một số start-up Việt như biết rất nhiều nhưng lại không hiểu biết chuyên sâu về lĩnh vực gì. Cùng với đó, có những start-up vẫn còn khá lười biếng.
“Theo quan điểm của các học giả, những người khởi nghiệp làm việc dưới 14h/ngày khó có thể thành công. Tuy nhiên nhiều start-up Việt làm việc không như kỳ vọng và đó là thứ làm cho họ chưa đi được xa”, ông Phong chia sẻ quan điểm.
TS Phong cũng nhận thấy nhiều công ty khởi nghiệp Việt mắc ‘hiệu ứng huyễn hoặc’ khi luôn cho mình là số 1, chưa tìm hiểu kỹ thị trường, đối tác.
“Nhìn chung hệ sinh thái khởi nghiệp Việt còn yếu và phân tán ở nhiều tổ chức khác nhau, không có một nơi làm đầu mối, có mọi thứ mà lại như không có”, ông Phong nhấn mạnh.
- Theo Linh Lam / NDH