Người ta thường bảo rằng lời nói dối càng hoành tráng thì càng nhiều người tin vào nó. Tuy nhiên, điều này có vẻ như không đúng lắm với báo chí Việt Nam, bởi họ đã không còn tin mấy vào ích lợi của những con đập thủy điện – nhất là sau khi xảy ra những câu chuyện kiểu như một chiếc xe tải húc vào tường của một đập thủy điện làm cho bức tường này bị sập. Sau những điều tra của mình, báo chí vỡ lẽ rằng người ta vẫn thường nói dối xung quanh chuyện xây dựng đập thủy điện từ lúc bắt đầu cho đến khi mọi việc kết thúc.
Điều mà người ta thường che đậy nhất trong việc xây dựng đập thủy điện là sự thiếu an toàn trong quá trình xây dựng và những hệ lụy đến môi trường. Khi bắt tay vào thực hiện một công trình, đáng lẽ cần đặt an toàn lao động và an toàn của cộng đồng dân cư trong khu vực lên trên hết, thì ở Việt Nam và một số nước đang phát triển khác, nhiều người lại không nghĩ như vậy. Có rất nhiều công trình xây dựng dựa vào lao động thủ công nhưng lại không đếm xỉa gì đến an toàn của người lao động. Điều này dẫn đến việc tai nạn lao động xảy ra thường xuyên. Thay vì cải thiện điều kiện lao động, người ta lại chỉ đưa ra những lời nói nhằm che đậy và chuyển hướng sự quan tâm của dư luận sang việc khác. Một số công ty xây dựng cho rằng việc kiểm tra điều kiện lao động định kỳ và đảm bảo sức khỏe cho nhân viên của mình quá tốn kém. Vì đồng tiền mà họ sẵn sàng đẩy người lao động vào chỗ nguy hiểm.
Khi có chuyện không hay xảy ra, họ sẽ tìm cách bồi thường cho nạn nhân và che mắt báo chí.Hai năm trước đây, một công ty điện tử lớn của Hàn Quốc đã mua chuộc người thân của các công nhân với hàng trăm ngàn đôla.Những công nhân này mắc bệnh bạch cầu trong thời gian làm việc ở xưởng bán dẫn và sản xuất màn hình tinh thể lỏng.Công ty đã chi ra một số tiền lớn nhằm yêu cầu các nạn nhân đừng làm lớn chuyện và đừng kiện tụng gì. Ngoài mặt công ty này vẫn tuyên bố với báo chí rằng các nhà máy của họ hoàn toàn an toàn. Những câu chuyện như thế này không phải là hiếm trên thế giới.
Quay trở lại với câu chuyện về chiếc xe tải đâm sập đập thủy điện Dak Mek 3 của Việt Nam, công ty xây dựng chỉ báo cáo về tai nạn sau 24 tiếng đồng hồ để có thời gian giải quyết êm xuôi. Đương nhiên họ muốn câu chuyện này chìm xuồng.Thế nhưng những yếu kém trong chất lượng công trình xây dựng đã gây ra làn sóng phẫn nộ trên mạng và được nhiều người dân, kể cả người nước ngoài bàn tán.Điều gì sẽ xảy ra nếu công trình này đi vào hoạt động và đến một ngày nọ, cả một hồ chứa 1,7 triệu tấn nước bỗng sụp xuống? Đấy không chỉ là câu chuyện thiếu an toàn lao động nữa mà chắc chắn là một thảm họa.
Tất nhiên quốc gia ngày càng cần nhiều điện hơn vì nhu cầu điện cho sản xuất công nghiệp và nhu cầu sử dụng của người dân ngày càng cao. Thế nhưng việc xây dựng những đập thủy điện thiếu an toàn không phải là giải pháp; những công trình công suất nhỏ nhưng tàn phá môi trường cũng không phải là câu trả lời; và những công trình thủy điện bị rút ruột lại càng không đem đến điều gì tốt đẹp. Có rất nhiều điều đang được che phủ bởi những lời nói dối.
Lê Tâm dịch