Thị trường ôtô vừa kết thúc năm 2017 một cách đầy căng thẳng, giằng co và quá nhiều biến động. Kết quả kinh doanh chỉ tới mức tiêu thụ 272.750 xe là một con số đã được báo trước. Tuy nhiên, những gì đã diễn ra trong năm qua thực sự mang lại những trải nghiệm khó quên cho thị trường nói chung và những nhà kinh doanh nói riêng. Cuộc chạy đua giảm giá, sự cứng rắn trong tâm lý của người tiêu dùng và quyết tâm bảo hộ sản xuất trong nước của Chính phủ là những gam màu nổi bật trong bức tranh toàn cảnh thị trường ôtô Việt Nam năm 2017.
Cuộc đua doanh số đầy mệt mỏi và căng thẳng
Trạng thái điển hình của thị trường ôtô trong năm 2017 là sự trồi sụt liên tục về doanh số, tạo nên sự bất an cho những nhà sản xuất, kinh doanh xe hơi. Thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN đã giảm từ 40% xuống còn 30% cùng với viễn cảnh sẽ về 0% khi bước sang năm 2018 là những yếu tố tác động đến tình hình kinh doanh của năm ngoái.
Đoán trước được phần nào tâm lý chờ đợi của người tiêu dùng, ngay từ những tháng đầu năm 2017, nhiều thương hiệu đã khởi động các chương trình giảm giá xe để kích cầu. Lượng xe bán ra trong tháng đầu tiên là dấu hiệu cho thấy viễn cảnh ảm đạm của thị trường trong cả năm khi chỉ đạt hơn 20 ngàn chiếc. Tháng tiếp theo còn “thê thảm hơn” khi doanh số tụt sâu hơn, chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2016. Thế rồi, sau những đợt giảm giá “khủng”, thị trường trong tháng thứ 3 đã rục rịch lấy lại phong độ khi chạm mốc gần 30 ngàn xe được tiêu thụ. Lúc này, nhiều nhà kinh doanh kỳ vọng giá xe giảm sẽ kích thích được sức mua của giới tiêu dùng và thị trường bắt đầu chứng kiến một cuộc đua giảm giá mạnh mẽ chưa từng thấy giữa các thương hiệu. Các mức giảm giá được đẩy lên một cách chóng mặt, từ vài triệu, vài chục triệu đến vài trăm triệu chỉ trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, trong khi các nhà kinh doanh càng tỏ ra nôn nóng nâng mức tiêu thụ từ việc giảm giá thì phản ứng của giới tiêu dùng lại trái ngược. Giá xe càng giảm, tâm lý chờ đợi của khách hàng càng được củng cố và hậu quả là doanh số tháng thứ 4 của năm 2017 tiếp tục sụt giảm mạnh, toàn thị trường chỉ tiêu thụ được khoảng 20 ngàn xe.
Cuộc giằng co giữa giới tiêu dùng và giới kinh doanh trên thị trường trong năm 2017 đã diễn ra hết sức kịch tính. Sự kiên trì giảm giá đã giúp doanh số của hai tháng giữa năm đạt sự tăng trưởng nhẹ so với những tháng trước đó nhưng vẫn thua kém so với cùng kỳ của năm 2016. Bước vào mùa thấp điểm, thị trường lại chứng kiến sự giảm giá xe mạnh mẽ hơn, lên tới đỉnh điểm khi những thương hiệu có thị phần lớn cùng những mẫu xe ăn khách cũng được đưa vào danh sách giảm giá. Người tiêu dùng thực sự đã là những “thượng đế” đúng nghĩa. Không chỉ giảm được một số tiền lớn khi mua xe, khách hàng còn được khuyến mại bằng nhiều gói phụ kiện hoặc ưu đãi hấp dẫn. Thế mà doanh số bán hàng của giai đoạn này vẫn không tăng lên nhiều như mong đợi của giới kinh doanh xe. Mức tiêu thụ của các tháng 8, 9 và 10 vẫn chỉ dao động xung quanh con số 20 ngàn xe. Mục tiêu đạt doanh số cả năm như kỳ vọng đến khi đó đã được xác định là bất khả thi, mọi chiêu trò đã được tung ra chỉ để bán được hàng tồn kho và đạt chỉ tiêu như scandal của Honda CR-V, cơn sốc giá của Nissan X-Trail hay Isuzu D-Max. Mệt mỏi và căng thẳng là hai trạng thái rõ rệt nhất trên thị trường tại thời điểm này dành cho cả giới tiêu dùng lẫn các nhà kinh doanh. Kiên trì theo xu thế giảm giá, mặc dù biết là sẽ tạo ra hiện tượng trái ngược với quy luật, nhiều thương hiệu tiếp tục lôi kéo khách hàng bằng những đợt giảm giá sâu hơn trong tháng khởi động mùa cao điểm cuối năm 2017. Kết quả là doanh số trong tháng 11 cũng có tiến bộ chút đỉnh khi tăng được 13% so với tháng 10. Sự khởi sắc trở lại của doanh số tháng 12 giúp cho doanh số cả năm 2017 chỉ giảm 10% so với năm 2016, trong đó mười mẫu xe góp phần cải thiện màu sắc nhiều nhất thị trường trong cả năm 2017 là Toyota Vios với 22.260 chiếc đã tiêu thụ, Ford Ranger với 14.926 chiếc, Toyota Fortuner – 13.023 chiếc, Toyota Innova – 12.001 chiếc, Mazda 3 – 10.641 chiếc, Mazda CX-5 – 9.003 chiếc, Honda City – 6.914 chiếc, Kia Cerato – 5.651 chiếc và Toyota Altis – 4.358 chiếc.
Sự gia tăng nhu cầu của thị trường trong mùa cao điểm cho phép dự đoán sẽ có sự bùng nổ về doanh số trong những tháng đầu năm 2018. Thế nhưng, sự xuất hiện đầy bất ngờ của nghị định 116/2017/NĐ-CP và 125/2017/NĐ-CP đã có tác động mạnh, đưa thị trường tiếp tục rơi vào trạng thái bất ổn trong tháng cuối năm 2017 và những tháng đầu năm 2018.
Nghị định 116 và 125 có sức mạnh đảo ngược tình hình
Dựa theo lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu theo AFTA, ngay từ đầu năm 2017, nhiều nhà sản xuất, lắp ráp ôtô nội địa đã bắt đầu rục rịch loan báo khả năng rời khỏi phân khúc này. Viễn cảnh làn sóng ồ ạt của dòng xe nhập khẩu sẽ lấn át hoàn toàn xe lắp ráp nội địa nhờ vào lợi thế về giá do được cắt giảm thuế suất đã khá rõ ràng. Hy vọng sẽ được mua những chiếc xe hơi với mức giá bằng với các quốc gia trong khu vực cũng được nhen nhóm mạnh mẽ trong tâm trạng của giới tiêu dùng. Thế nhưng sự xuất hiện đầy bất ngờ của Vinfast với những tuyên bố gây chấn động về chiến lược đầu tư và phát triển sản xuất hẳn một thương hiệu ôtô Việt ngay trong thời điểm có nhiều doanh nghiệp liên doanh sản xuất đang có ý định ra đi đã đặt ra nhiều câu hỏi lớn. Và lời giải đáp cũng có ngay sau đó qua sự xuất hiện của nghị định 116 cùng hàng loạt quy định chế tài đối với hoạt động nhập khẩu ôtô có hiệu lực ngay từ ngày 1-1-2018.
Trong khi các nhà nhập xe rơi vào trạng thái lao đao khi những kế hoạch kinh doanh trong năm 2018 nhằm bù lại cho năm 2017 yếu kém có nguy cơ phá sản thì nghị định 125 tạo thêm ưu đãi dành cho dòng xe sản xuất nội địa được xem như một cú knock – out đối với họ. Dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước nhờ đó nhanh chóng lấy lại thế chủ động trong cuộc cạnh tranh về giá bán cũng như nguồn cung trên thị trường. Nếu như trước đó, sức ảnh hưởng của mức thuế nhập khẩu về 0% cùng với mức giảm thuế tiêu thụ đặc biệt là những gì thị trường quan tâm thì trong những ngày cuối năm 2017 và đầu năm 2018, “nghị định” là từ bao trùm sự biến động của thị trường. Nhu cầu đã tăng nhiệt đỉnh điểm sau một thời gian dài bị kìm nén nhưng lượng cung lại hẻo do bị vướng nghị định đã tạo nên một cơn khan hiếm hàng khủng khiếp trong mùa cuối năm. Niềm hy vọng về việc giá xe sẽ tiếp tục giảm của giới tiêu dùng đã bị dập tắt khi mà giá xe trên thị trường đảo chiều, tăng mạnh, kể cả xe nhập khẩu lẫn lắp ráp nội địa.
Mặc dù vẫn có một vài thương hiệu vẫn công bố mức giá giảm trong năm 2018 nhưng cũng không thể khỏa lấp được nhu cầu đang rất lớn từ giới tiêu dùng. Trong khi chờ đợi sự phản ứng của cấp quản lý liên quan đến nguyện vọng nới lỏng các nội dung quy định trong nghị định 116, người tiêu dùng hiện chỉ có hai lựa chọn: Hoặc tiếp tục chờ đợi những thay đổi để giá xe trở lại đúng như dự đoán, hoặc phải chi thêm tiền để có xe vi vu trong dịp Tết Âm lịch đang đến gần.
- Theo Doanh Nhân SG Cuối tuần