Báo chí gần đây rộ lên mục giải đáp y học. Bạn đọc cứ mô tả các triệu chứng, gửi tới tòa soạn một tờ báo “không cần là báo y học”, tòa soạn sẽ nhờ một thầy thuốc xem thư, chẩn đoán, và cho hướng xử trí, điều trị.
Có điều ta không thể chẩn đoán bệnh chính xác qua các triệu chứng mô tả trong thư, vì có nhiều bệnh có cùng một triệu chứng mà do nhiều nguyên nhân khác nhau, không thể cùng chữa một cách được!
Nhức đầu chẳng hạn, có người do cảm cúm, có người do đau răng, viêm tai, viêm họng, lại có người do sốt rét, viêm màng não, u não, người khác lại do cao huyết áp, người khác nữa do stress… Đau bụng cũng vậy. Có nhiều bệnh có thể gây ra chứng đau bụng. Độc giả thường tò mò, thích đọc mục “bệnh hoạn” này coi thiên hạ có ai giống mình không, bác sĩ “chỉ dẫn” ra sao để bắt chước làm theo. Cái nguy hiểm ở đây là một người hỏi, hàng chục ngàn người đọc được câu trả lời, và một số người làm theo, từ đó có thể làm chậm trễ việc chữa trị đúng bệnh tật của mình.
Hồi còn phụ trách một tờ báo y học phổ cập, một lần tôi cho đăng một bài viết về cườm nước (glaucome) của một bác sĩ chuyên khoa mắt, để cho dễ hiểu, tòa soạn đặt thành những câu hỏi như “Ai dễ bị cườm nước?”… thế mà khi báo ra, không ngờ lại trở thành “Ai dê bị cườm nước” thật là tai hại! Tòa soạn bị kêu điện thoại mắng vốn!
Nhưng tai hại hơn nữa có lẽ là trường hợp trả lời về thuốc men trên báo mà bác sĩ không trực tiếp sửa morasse! Có những loại thuốc có tên khá giống nhau như Assibiol và Ascabiol nhưng một thứ là thuốc bổ, một thứ là thuốc ghẻ, hay như Menarex và Merinax, một thứ là thuốc cầm máu, một thứ là thuốc ngủ! Nhiều thư hỏi được đăng trên báo mô tả khá chi tiết triệu chứng, có ghi tên, tuổi, địa chỉ của người bệnh gây nhiều phiền toái cho họ.
Đã có độc giả góp ý cho một tờ báo là không nên đăng những câu hỏi và trả lời quá chi tiết về những chuyện tình dục, chuyện phòng the. Có trường hợp đăng câu hỏi của một chị ở tỉnh nọ về cái bướu ở âm hộ làm cho các chị bị trùng tên ở tỉnh đó đến đâu cũng bị mọi người nhìn như đang có bướu…
Có một bạn đọc lo lắng hỏi có phải bị vô sinh không vì bị viêm tinh hoàn do biến chứng của quai bị. Báo trả lời: vô sinh! Chuyện gì xảy ra sau đó không biết! Thực ra quai bị thường chỉ gây viêm tinh hoàn một bên (90%), vậy nếu được khám trực tiếp thì bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác hơn.
Một thanh niên với đầy đủ tên họ hỏi về dương vật cong được khuyên đi mổ vì sợ sau này khó giao hợp và sẽ bị vô sinh, quên rằng hầu hết dương vật đều cong ít hoặc nhiều nên phải được bác sĩ khám trực tiếp vì phần lớn không phải bệnh lý! Một em gái ngực lép, nay nổi một cục u sợ ung thư, được báo trả lời phải đi cắt làm sinh thiết, không để ý rằng em đang tuổi phát triển, tuyến vú bắt đầu nẩy nở!…
Tôi cũng có một bài học kinh nghiệm. Trong 10 năm giữ mục Phòng mạch Mực Tím, mặc dù luôn giữ nguyên tắc không mách thuốc, chỉ hướng dẫn tuổi mới lớn những vấn đề được nhiều em quan tâm, thế nhưng có lần vẫn được một em cho biết: “Em bị “lên” Phòng mạch Mực Tím, dù bác sĩ đã đổi tên, đổi địa chỉ mà bạn bè vẫn nhận ra, họ trêu đến nỗi em phải xin chuyển trường!”. Mà đó chỉ là một trường hợp “hách”: “Hách từ trong nôi”(*)!
Các nước đều có những luật lệ nghiêm về vấn đề này. Cấm mách thuốc và cấm các bác sĩ dùng bút hiệu để trả lời thư hỏi bệnh trên báo. Tóm lại, “khám bệnh trên báo” tưởng dễ mà không dễ là vậy.
Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO) cũng khuyến khích các thầy thuốc nên phổ cập kiến thức y học để nâng cao dân trí, giúp mọi người tự bảo vệ sức khỏe mình, nhưng cần phải hết sức thận trọng.
Hẹn thư sau. Thân mến.
(*) hôi nách