Cuối năm cũ – đầu năm mới, thời điểm của những kế hoạch năm mới… và cũng là thời điểm chúng ta nhận ra rõ nhất sự hữu hạn của thời gian và cuộc sống thực sự quá ngắn ngủi để cứ mãi u sầu, chán nản.
Người ta thường nghĩ rằng, tự chủ và thành công về tài chính là tiền đề để có được cuộc sống hạnh phúc, vì vậy, rất nhiều người đặt mục tiêu cuộc đời nhằm đạt được điều này. Tuy nhiên, không phải người thành công về tài chính, với một cuộc sống hoàn hảo trong mắt nhiều người, cũng có được hạnh phúc.
“Có một lần, tôi tư vấn cho phó chủ tịch của một công ty năng lượng khá nổi tiếng. Bởi mức độ bảo mật thông tin, nên tôi xin gọi người này là Sharon” – Annie Mckee, tiến sĩ tâm lý thuộc University of Pennsylvania (Mỹ), chia sẻ trên trang Harvard Business Review. “Sharon thông minh, chăm chỉ và luôn là người nổi bật nhất ở mọi đội ngũ cô ấy tham gia. Cô kiếm được rất nhiều tiền, kết hôn với một người đàn ông cô yêu và dành cho con cái của cô sự chăm sóc tuyệt vời nhất. Tuy nhiên, Sharon không hạnh phúc”.
Và Sharon không phải là trường hợp duy nhất. Cụ thể, Annie Mckee và nhóm của bà đã tiến hành một nghiên cứu nhanh trên 100 người lao động có mức thu nhập trên trung bình ở Mỹ để nhận ra rằng, có tới gần hai phần ba trong số này đang chán nản, buồn hoặc mệt mỏi với cuộc sống của họ. Trong khi đó, một báo cáo năm 2017 của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (The American Psychological Association) đã chỉ ra rằng, có tới 71% người Mỹ rơi vào tình trạng kiệt quệ về thể chất hoặc stress trầm trọng ít nhất một lần/tháng.
Lý giải cho những điều trên, đó là bởi ngày nay, chúng ta đang bị mắc vào quá nhiều cái bẫy vô hình trong cuộc sống.
Cái bẫy của tham vọng
Tham vọng là thứ thúc đẩy chúng ta trong công việc và cuộc sống, giúp chúng ta đạt được những mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, mọi thứ đều có hai mặt. Tham vọng thường đi đôi với tính cạnh tranh cao, sự tập trung vào việc chiến thắng, căng thẳng, mệt mỏi… Và khi bị mù quáng vì tham vọng, chúng ta sẽ đánh mất bản thân, hủy hoại các mối quan hệ, bị cô lập…
Đơn cử là trường hợp của Sharon. Từ nhỏ, bố mẹ, giáo viên luôn khuyến khích Sharon không ngừng phấn đấu. Điều này giúp cô nuôi dưỡng tham vọng, giúp cô nỗ lực, đạt được những điểm số cao, vị trí dẫn đầu, giải thưởng… Ngày qua ngày, tham vọng của Sharon càng lớn. Cô luôn muốn mình là số một trong mọi lĩnh vực. Cô chỉ tập trung vào mục tiêu của mình, cô dè bỉu, chỉ trích, phớt lờ bạn bè, nhân viên. Sau cùng, cô khiến cho mình trở thành người cô độc, bị cô lập với chính tham vọng của mình.
Cái bẫy của những quy tắc
Làm những gì chúng ta nghĩ mình nên làm chứ không phải là những gì mình muốn làm, là cái bẫy tiếp theo mà ai cũng có nguy cơ mắc phải.
Theo các chuyên gia tâm lý, suốt đời người, chúng ta tiếp xúc với hàng trăm quy tắc khác nhau. Trong đó có vô số quy tắc chúng ta buộc phải làm theo khi còn nhỏ, như không được nghịch dao, thức khuya, đánh nhau… Lớn hơn, những quy tắc này không còn dưới dạng bắt buộc nữa, mà được đặt sau những chữ “nên”, ví dụ nên dậy sớm, tập thể dục, học ngoại ngữ, đọc sách…
Tất nhiên, một số quy tắc rất cần thiết và hoàn toàn chính xác để giúp chúng ta hình thành giá trị đạo đức, phát triển sự nghiệp… Nhưng khi phải tuân theo quá nhiều quy tắc, tiêu chuẩn như thế, chúng ta dễ dàng rơi vào cái bẫy của sự lệ thuộc, mất đi bản ngã, khả năng cảm nhận cuộc sống.
“Trước đây tôi từng tư vấn cho một người với biệt danh là Marcus. Anh 42 tuổi, có một công việc tốt, một gia đình kiểu mẫu. Tuy nhiên, Marcus không hạnh phúc. Vừa ra trường, Marcus đã khởi nghiệp nhưng thất bại. Sau đó anh xin vào làm ở một doanh nghiệp và chỉ mất sáu tháng để anh nhận ra mình ghét nó. Tuy nhiên, mức lương tốt cùng việc ba mẹ anh luôn khuyên anh tiếp tục khiến Marcus đã làm công việc ấy suốt 20 năm. Marcus không tiết lộ với ai là mình đồng tính, cũng không tâm sự với mọi người, vì sếp của anh luôn nói, những người thành công nên thể hiện sự thành công ở bất cứ nơi nào” – Annie Mckee cho biết.
Làm gì để phá bỏ những cái bẫy vô hình đó?
Theo các nhà tâm lý học, bước đầu tiên để phá bỏ những cái bẫy là chúng ta phải có trí tuệ cảm xúc, tiêu biểu là ba khả năng: Tự nhận thức, tự kiểm soát cảm xúc, và có ý thức tổ chức.
Cụ thể, tự nhận thức về cảm xúc là khả năng chúng ta có thể tự nhận biết và hiểu cảm xúc, tâm trạng của mình, qua đó nhận ra cảm xúc có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động chúng ta như thế nào. Tự kiểm soát cảm xúc là khả năng chúng ta có thể chịu đựng sự khó chịu, những cảm xúc tiêu cực phát sinh. Cuối cùng, có ý thức tổ chức, là hiểu biết về môi trường, con người xung quanh, để điều tiết những trạng thái cảm xúc cho phù hợp.
“Khi đã có những khả năng cảm xúc, tiếp theo bạn hãy tự tạo ra ba điều. Một, xây dựng cho mình những mục tiêu cụ thể, có giới hạn cho mọi việc. Hai, luôn giữ sự hy vọng bên mình, và cuối cùng, hãy tạo ra những mối quan hệ lành mạnh, vì tình yêu luôn là chìa khóa để giúp bạn tận hưởng cuộc sống này” – Annie Mckee kết luận.