VN-Index đã vượt qua áp lực khá thành công, với việc trở lại mốc 950 cùng những phiên giao dịch có giá trị khớp lệnh trên 5.000 tỉ đồng, dòng tiền lớn vẫn đổ vào những cổ phiếu lớn.
Tuy nhiên, không thể nói trước điều gì trong những ngày cận kề năm mới, bởi chỉ số có thể đi theo một cách rất khó lường. Giao dịch thỏa thuận tăng lên trong khi giao dịch khớp lệnh giảm đi là một dẫn chứng.
Dòng tiền trong nước có dấu hiệu sụt giảm nhưng nhờ vào sự năng nổ của khối ngoại nên thị trường vẫn đang duy trì sự tích cực. Không như mọi năm ít giao dịch trước Giáng sinh, năm nay trong tuần từ 18 đến 22-12 khối ngoại hoạt động khá tích cực, khối lượng mua – bán tăng mạnh và đặc biệt là mua ròng cả năm phiên trên HSX. Tính trên cả ba sàn giao dịch, khối ngoại mua ròng 36,9 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 1.167,52 tỉ đồng.
Thị trường, qua đó, tạm thoát khỏi giai đoạn khó khăn nhất để chuẩn bị cho bước tăng trưởng mới trong năm 2018. Việc khối ngoại tăng mua ròng, đặc biệt là tiếp tục ưa chuộng bluechip chứng tỏ họ vẫn nhìn thấy sự hấp dẫn ở thị trường nói chung và nhóm cổ phiếu này nói riêng. Có lẽ yếu tố kinh tế vĩ mô ổn định cùng với sự kỳ vọng thị trường sẽ phát triển và được nâng hạng vào năm 2018 chính là yếu tố giúp thị trường chứng khoán nước ta có sức thu hút khá. Dù vậy, độ rộng của thị trường là chưa tích cực, các cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn dẫn dắt thị trường. Đặc biệt, những ngày qua dòng dầu khí đã trở lại, nhờ hưởng lợi từ sự đi lên của giá dầu thế giới.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng tiếp tục nhận được sự quan tâm của dòng tiền, nhiều cổ phiếu trong nhóm này đang có bước gia tăng mạnh mẽ. Năm qua, các ngân hàng không những có được kết quả kinh doanh tốt, quá trình xử lý nợ xấu khả quan, mà còn nhận được sự hỗ trợ mạnh từ chính sách. Năm 2018, sẽ có thêm nhiều ngân hàng được niêm yết và tăng vốn để đáp ứng chuẩn Basel 2. Chính vì vậy, nhóm ngành ngân hàng có vốn hóa lớn nhất sàn niêm yết đang và sẽ có tác động mạnh đến thị trường chứng khoán, tạo nên sức thu hút đặc biệt với dòng tiền.
Diễn biến giao dịch của một bluechip mà “như một cổ phiếu đầu cơ” – SAB (Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn) là một điểm nhấn thú vị trên thị trường trong thời gian gần đây. Về vốn hóa, SAB nằm trong top đầu ảnh hưởng đến VN-Index và trước khi diễn ra thương vụ đấu giá (ngày 18-12) SAB vẫn đi lên với thanh khoản thấp (vài chục ngàn cổ phiếu mỗi phiên). Vậy nhưng chỉ sau khi có thông tin SAB được đấu giá thành công (giá đấu là 320.000 đồng/cổ phiếu), bluechip này… rơi tự do và chỉ còn trong vùng giá 260.000 đồng/cổ phiếu. Bù lại, thanh khoản của SAB lại tăng mạnh, với hàng trăm ngàn cổ phiếu được giao dịch mỗi phiên.
Với câu chuyện như vậy, những nghi ngờ về việc các “tay to” siết nguồn cung để đẩy giá lên trước khi đấu giá là có cơ sở. Sau khi giá được đưa lên quá cao so với giá trị thực, SAB không còn nhiều động lực để tăng nữa và bị bán ra chốt lời. Dù sao thì với một tên tuổi như SAB, giai đoạn điều chỉnh cũng thường không quá dài. SAB sẽ thoát khỏi những ngày lao dốc khi thông tin về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này được công bố.
Có thể nói, lựa chọn cổ phiếu theo xu hướng (bluechip, ngân hàng, dầu khí…) hay kiên trì với cổ phiếu giá trị – dù chưa có bước tăng trưởng tốt – vẫn luôn là sự đắn đo của nhiều nhà đầu tư, không chỉ trước thềm năm mới. Nhưng dù chọn theo hướng nào thì nhà đầu tư cũng nên kiên định với chiến lược và chiến thuật đã đề ra, để có cơ hội hưởng được thành quả…