Nhà thương này chuyên khôi phục và sưu tập búp bê, nằm ở lầu một của cửa hàng nhỏ trong khu phố cổ tại thủ đô Lisbonne, Bồ Đào Nha.
Cũng đầy đủ hồ sơ “bệnh án”, búp bê được giao phó cho những bàn tay khéo léo của ba nữ “nghệ nhân thầy thuốc”: lắp một con mắt, khâu một cánh tay, đội mái tóc giả,… Những bộ phận khớp như in ấy được lựa chọn cẩn thận trong các ô kéo ngăn nắp.
Cơ sở này mở cửa năm 1830, hoạt động không ngừng cho đến hôm nay, được các hướng dẫn viên du lịch quốc tế giới thiệu là nhà thương búp bê cổ nhất thế giới còn tồn tại, thuộc Top 10 cửa hàng đồ chơi thú vị, hấp dẫn nhất thế giới.
Bà chủ hiện tại Manuela Coutileiro vốn là cô giáo, năm nay 72 tuổi, cho biết: “Khách hàng thân thiết của chúng tôi là các viện bảo tàng, nhà sưu tập, nhưng trên hết là những người đặc biệt yêu quý, trân trọng búp bê”.
Lịch sử công ty gia đình này bắt đầu khi bà Carlota da Silva Luz, khi bán lá thuốc trị bệnh dân gian đã tranh thủ làm búp bê vải kiếm thêm thu nhập. Dần dà, thuốc chữa bệnh dân gian nhường chỗ cho búp bê vải ngày một nhiều hơn, đẹp hơn, quyến rũ hơn, để nay thành bảo tàng búp bê.
Chừng bốn ngàn búp bê trưng bày trên các kệ chất từ sàn tới trần. Phòng kế bên là xưởng “điều trị tu bổ, phục hồi”. Có những búp bê hơn trăm tuổi có đầu bằng sứ, có bộ sưu tập búp bê bận trang phục truyền thống các vùng miền kiểu cách, màu sắc khắp đất nước Bồ Đào Nha, có những ngôi nhà búp bê kiến trúc miền quê, vùng núi, đô thị hiện đại… và có cả búp bê Barbie đương đại.
Bà chủ Manuela Cutileiro nói: “Nơi đây thời gian như đóng băng, khách hàng cũng cần kiên nhẫn với nhịp sống chậm, không vội vã, chộn rộn như bên ngoài…”.
- Theo Le point, HuffPost